Do tình hình Covid-19, toàn quốc không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa; nhưng pháo vẫn nổ rợp trời tại một số địa phương.

Sáng nay, Mùng 1 Tết Nhâm Dần (tức 1/2/2022), có các tin nổi bật sau:

Giao thừa không pháo hoa

Khác với nhiều năm, đêm giao thừa năm nay Hà Nội khá im lìm, thưa vắng. Khu vực quanh Hồ Gươm không có cảnh đông kín người chờ đón pháo hoa như mọi năm. Dù vậy, nhiều người vẫn ra đường trong tiết trời se lạnh để chào đón năm mới.

Tại TP.HCM, người dân trải qua một đêm giao thừa trong thời tiết ấm áp và tình hình dịch bệnh đã lắng xuống. Theo Dân Trí, nhiều bạn trẻ tụ tập ở bờ kè Thủ Thiêm để ăn uống, vui chơi trong đêm giao thừa. 

Pháo nổ rợp trời Quảng Bình, Quảng Trị

Dù cơ quan chức năng Quảng Bình, Quảng Trị đã cố gắng ngăn chặn việc đốt pháo trái phép, pháo vẫn nổ rợp trời trong đêm giao thừa vừa qua, theo báo Tuổi Trẻ.

Công an đã đi tuần liên tục nhưng pháo vẫn nổ. Thi thoảng, tiếng còi xe cảnh sát hú lên ở khu vực nào, thì khu vực đó trở nên im ắng. Đến khi tiếng xe đi qua, thì pháo lại bùng lên.

Các vụ tự ý bắn pháo cũng xảy ra ở Hà Tĩnh, Nghệ An và các địa phương khác.

Cầu thủ Trung Quốc cầu nguyện tại sân Mỹ Đình trước khi gặp tuyển Việt Nam

Vào lúc 19 giờ tối nay (Mùng 1 Tết), đội tuyển bóng đá Trung Quốc sẽ có trận đấu bóng với đội chủ nhà Việt Nam tại sân Mỹ Đình (Hà Nội).

Dân Trí đã ghi được hình ảnh hậu vệ Trương Lâm Bồng (Zhang Linpeng) cầu nguyện tại sân vận động Mỹ Đình vào chiều tối 31/1. Khi đó, các cầu thủ Trung Quốc có buổi tập làm quen với sân Mỹ Đình trước khi gặp tuyển Việt Nam.

Bức ảnh cho thấy cầu thủ Trương đứng với hai tay hướng lên, đầu ngửa lên trời, mắt mở to trong khi cầu nguyện.

Hồng Kông mất vị thế vì Trung Quốc theo đuổi “zero Covid”

Các chính sách “zero Covid” của Trung Quốc tại Hồng Kông đang khiến thành phố này dần mất đi vị thế là trung tâm tài chính khu vực. Theo Nikkei, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển hoạt động sang Singapore.

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia vẫn theo đuổi mục tiêu “loại bỏ hoàn toàn Covid”. Đa số các nước đã chấp nhận “sống chung với dịch” và gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, hạn chế.

Mali trục xuất đại sứ Pháp

Chính phủ Mali hôm 31/1 đã yêu cầu đại sứ Pháp rời khỏi quốc gia Tây Phi này trong vòng 72 giờ, theo DW.

Mali tuyên bố động thái này là để đáp trả hành vi “thù địch và thái quá” của Pháp đối với chính phủ quân sự của nước này.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian gọi chính quyền quân sự của Mali là “không hợp pháp” và các quyết định của nước này là “vô trách nhiệm.”