Sau gần 4 tháng bị giam, tối 22/9, 37 ngư dân Việt Nam đã được Malaysia thả tự do và về tới sân bay Đà Nẵng.

Nghẹn ngào ngày trở về

Theo VnExpress, các ngư dân ra sân bay Kinabalu lúc 2h sáng 22/9, nối chuyến đến Kuala Lumpur về Tân Sơn Nhất (TP. HCM) và đáp xuống Đà Nẵng hơn 22h cùng ngày. Gặp lại người thân, nhiều ngư dân nghẹn ngào bật khóc tại phi trường.

37 ngư dân về nước đều là người Quảng Nam, họ bị giới chức Malaysia ngăn chặn và bắt giữ tại khu vực Tanjung Simpang Mengayau Kudat, hôm 11/6 với lý do vi phạm luật thủy sản 1985 của nước này.

Tuy nhiên, theo văn bản ngày 29/6 của UBND tỉnh Quảng Nam, hệ thống giám sát của Biên phòng tỉnh ghi nhận, khi bị bắt, tàu cá của các ngư dân này hoạt động cách bãi đá Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 9 hải lý về phía đông nam, vẫn thuộc chủ quyền Việt Nam.

Người Việt lừa người Việt từ đất Campuchia

Ngày 21/9, cô gái trẻ Đ.T.H. (quê Cà Mau) bật khóc khi được giải cứu về nước. Theo Dân Trí, diễn giải về công việc làm ở casino, H. nấc lên từng tiếng, nghẹn đắng: “Tụi em là người Việt Nam qua nước ngoài làm việc, bị đày đọa để… lừa người Việt Nam”.

Một số nạn nhân được trở về tâm trạng tương tự chị H. Trước đó, trải lòng với Zing, anh Tân ám ảnh vì tạo nghiệp trên đất Campuchia. Bị ông chủ Trung Quốc giao lừa đảo trên mạng với đồng bào ở Việt Nam, anh Tân cho biết “có người mất vài tỷ, có người mất đến vài chục tỷ hay cả gia tài vì tin lời dụ dỗ”.

Ám ảnh về việc lừa đảo khiến anh Tân từng có ý định bỏ trốn vì “cảm giác rất tội lỗi”, nhưng rồi vẫn phải làm việc tiếp để lấy tiền chuộc thân.

‘Giải cứu hơn 1000 người’

Chiều 22/9, phát ngôn Bộ Ngoại giao nói ‘cho đến ngày 21/09/2022, đã giải cứu được hơn 1000 công dân về nước và hỗ trợ làm thủ tục cho hàng nghìn công dân khác”. Tuy nhiên, phát ngôn này không nói rõ thời gian bắt đầu giải cứu tính từ tháng, năm nào.

Tin lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”, nhiều người Việt bất chấp vi phạm pháp luật, vượt biên sang Campuchia (ảnh công an cung cấp được báo Dân Trí đăng tải).

Ở một ý tiếp theo, Người phát ngôn nói rõ hơn: Từ đầu tháng 09/2022 đến nay, số lượng công dân Việt Nam bị ép buộc lao động ở Campuchia được giải cứu đã lên đến 400 người.

Nghi vấn Việt Nam và Thái Lan bắt tay tăng giá gạo khoảng 20%

Cũng tại họp báo hôm 22/9, phóng viên hãng Phoenix đặt vấn đề về thông tin Việt Nam và Thái Lan có thể hợp tác tăng giá gạo khoảng 20%. Giới chuyên gia dự đoán việc này sẽ khiến giá lương thực toàn cầu tăng cũng như gia tăng lạm phát toàn cầu.

Phía Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu, trong đó có an ninh lương thực, và “luôn tôn trọng quy luật thị trường, tuân thủ đúng theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước sẽ đại diện các nguyên thủ Việt Nam dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 25 – 28/9/2022.

Trong khuôn khổ Lễ Quốc tang, ông Phúc sẽ dự các hoạt động chính và gặp gia quyến cố Thủ tướng Abe Shinzo, lãnh đạo, bạn bè Nhật Bản và lãnh đạo một số nước.

Mỹ kêu gọi Nga chấm dứt đe dọa hạt nhân

Các quốc gia nên yêu cầu Nga ngừng đưa ra các mối đe dọa hạt nhân và chấm dứt “nỗi kinh hoàng” của cuộc chiến ở Ukraine, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9.

“Mọi thành viên hội đồng nên gửi một thông điệp rõ ràng rằng những mối đe dọa hạt nhân liều lĩnh này phải dừng lại ngay lập tức”, AP trích dẫn bài phát biểu của ông Blinken.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (ảnh: Flickr). Hôm 6/8/2021 nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khiêu khích ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (ảnh: Flickr).

“Hãy nói với Tổng thống Putin hãy chấm dứt nỗi kinh hoàng mà ông ấy đã bắt đầu. Hãy bảo ông ấy ngừng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của phần còn lại của thế giới, bao gồm cả người dân của ông ta”.

Nhiều người rời Nga để tránh phải đi lính

Theo AFP, hàng nghìn người đang chạy trốn khỏi nước Nga để tránh phải phục vụ cuộc chiến chống Ukraine.

“Tôi không muốn tham chiến”, ông Dmitri nói với AFP. “Tôi không muốn chết trong cuộc chiến vô nghĩa này. Đây là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.”

Cảnh sát Nga quật ngã một người biểu tình phản đối lệnh tổng động viên của ông Putin, hôm 21/9 (ảnh:  euronews.com).

“Tình hình ở Nga sẽ khiến bất cứ ai cũng muốn rời đi”, ông Sergei, 44 tuổi rời Nga cùng cậu con trai 17 tuổi.