Phóng viên nước ngoài đặt vấn đề liệu bà Ngụy Thị Khanh bị bỏ tù vì liên quan đến việc bà kêu gọi Việt Nam giảm sử dụng nhiệt điện than.

Việt Nam nói về việc phạt tù bà Ngụy Thị Khanh

Trong họp báo chiều ngày 23/6, phóng viên AFP nêu vấn đề: Tuần trước nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh bị kết án 02 năm tù giam vì tội trốn thuế. Các nhà quan sát nước ngoài cho rằng việc kết án bà Khanh là nhằm vào các hoạt động của bà liên quan đến kêu gọi Việt Nam giảm việc sử dụng nhiệt điện than.

Phóng viên AFP muốn Bộ ngoại giao Việt Nam bình luận về nhận xét này và trả lời câu hỏi việc bỏ tù bà Khanh liệu có chứng tỏ rằng Việt Nam đang đi ngược lại với các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời rằng, nói bà Khanh bị xử lý vì hành động, ý kiến đến biến đổi khí hậu là “không có cơ sở, không đúng với bản chất”. Việc bà Khanh bị khởi tố, phạt tù là do “trốn thuế”.

Không tiêm vắc xin phải ký cam kết: Bệnh lạm quyền

Việc Bình Phước yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh khiến dư luận cả nước bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của bệnh lạm quyền của địa phương khi tự ý giải quyết vấn đề theo cách cực đoan.

Về phía địa phương, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước nói đây là chỉ đạo của Bộ Y tế trong cuộc họp trước đó.

Bàn về cách làm này, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói rằng: “Các địa phương không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật. Thay vì đưa ra các biện pháp hành chính, việc cần thiết nên làm là vận động, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các mũi như đã khuyến cáo”.

Hà Nội không vội chọn chủ tịch

Ông Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi gặp cử tri ở Hà Nội rằng, thủ đô không vội chọn chủ tịch sau khi ông Chu Ngọc Anh bị bắt, tước chức vụ vì liên quan đến Việt Á. Ông lo ngại chọn vội mà gặp người “không chín chắn sẽ thì lại là lựa chọn không chính xác”.

Ông Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri Hà Nội ngày 23/6 (ảnh chụp màn hình Dân Trí).
Ông Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri Hà Nội ngày 23/6 (ảnh chụp màn hình Dân Trí).

“Tôi nói ‘con chị nó đi con dì nó lớn’, vắng ông trưởng thì ông phó cứ tạm quyền đi rồi chuẩn bị người làm thay”, ông Trọng nói.

Làm gì với đất nền của nhà máy Bia Hà Nội, thuốc lá Thăng Long?

HĐND TP. Hà Nội sắp xem xét, thông qua việc di dời nhiều nhà máy lớn ra nội đô. Trong đó, có nhà máy bia Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám, diện tích hơn 52.000 m2 và nhà máy Thuốc lá Thăng Long tại 235 Nguyễn Trãi, diện tích hơn 64.000 m2.

Nhiều ý kiến hỏi đất nền của nhà máy Bia Hà Nội, thuốc lá Thăng Long sắp tới sẽ dùng để làm gì?

Theo Tiền Phong dẫn tờ trình của UBND Hà Nội, khu đất của nhà máy Bia Hà Nội sẽ trở thành đất hỗn hợp + công cộng + trường THPT + cây xanh + nhà ở + bãi đỗ xe.

Khu đất của thuốc lá Thăng Long sẽ thành đất công cộng của thành phố và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Trung Quốc, Philippines ngừng thảo luận về việc khai thác chung ở Biển Đông

Ông Teodoro Locsin, Bộ trưởng Ngoại giao sắp mãn nhiệm của Philippines hôm 23/6 cho biết các cuộc đàm phán về thăm dò năng lượng chung giữa nước này và Trung Quốc ở Biển Đông đã bị đình chỉ.

Trước đó, hai nước thành lập một ban hội thẩm đặc biệt để tìm cách khai thác tài nguyên Biển Đông cùng nhau mà không cần phải giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền. Nhưng ông Locsin nói rằng điều đó không thể đạt được nếu không vi phạm hiến pháp Philippines, hoặc chính phủ Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách của mình.

“Tổng thống (Duterte) đã phát biểu… các cuộc thảo luận về dầu khí đã chấm dứt hoàn toàn. Không có gì đang chờ xử lý; mọi thứ đã kết thúc”, Reuters dẫn lời ông Locsin.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên

Theo Bloomberg, đây là “một bước đi lịch sử đối với quốc gia bị chiến tranh tàn phá trên con đường dài và khó khăn để trở thành thành viên của khối”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao cho ông Matti Maasikas (bên phải), Trưởng phái đoàn EU tại Ukraine bản trả lời câu hỏi ngày 18/4/2022 (ảnh: Twitter của ông Maasikas).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trao cho ông Matti Maasikas (bên phải), Trưởng phái đoàn EU tại Ukraine bản trả lời câu hỏi ngày 18/4/2022 (ảnh: Twitter của ông Maasikas).

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ca ngợi quyết định này là “một thời điểm lịch sử và độc nhất vô nhị”. Vài tháng qua, ông Zelenskiy đã hối thúc các nước EU nhanh chóng cho phép Ukraine gia nhập liên minh. Nhưng con đường trở thành thành viên EU có thể kéo dài hơn một thập niên.