Từ sáng nay 8/12, Việt Nam mở cửa triển lãm vũ khí quốc tế tại Hà Nội với sự tham dự của các doanh nghiệp, đơn vị đến từ 30 quốc gia.

Việt Nam muốn ‘xuất khẩu vũ khí’?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra từ ngày hôm nay đến hết 10/12 tại Sân bay Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội). Đây là một trong những triển lãm vũ khí lớn nhất ở Việt Nam trong vài chục năm qua. Các báo trong nước đưa tin, Thủ tướng Chính sẽ đến dự lễ khai mạc triển lãm này.

Theo phía tổ chức, chủ nhà Việt Nam sẽ giới thiệu các loại súng và đạn cho lục quân, pháo binh, không quân và hải quân; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ, các loại khí tài quang học; tàu quân sự và tàu bổ trợ, các loại áo giáp, các thiết bị hậu cần…

Nga và Ấn Độ sẽ gửi đến triển lãm các vũ khí hạng nặng và thiết bị tối tân: Máy bay chiến đấu hạng nhẹ – Tejas Mk-1Trainer; Tên lửa đất đối không tầm ngắn – Akash; Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn – Astra; Máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57E phiên bản xuất khẩu…

Trong khi đó, Reuters có bài phân tích từ các quan chức và nhà phân tích cho biết, Việt Nam đang cố tự chủ vũ khí hơn trong bối cảnh Nga bị hạn chế xuất khẩu vũ khí từ áp lực của phương Tây. Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp từ châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ, thay vì phụ thuộc phần lớn vào vũ khí Nga như trước đây. Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ từ Israel và các đối tác khác, đồng thời hy vọng sẽ có thể xuất khẩu vũ khí, vẫn theo lời các nhà phân tích và các quan chức.

Hiện ngân sách nhập khẩu vũ khí hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 1 tỷ USD và sẽ còn tăng, theo GlobalData, nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về mua sắm quân sự.

Công nhân mất việc, đổ xô rút bảo hiểm một lần

Từ chiều 7/12, hàng trăm người dân xếp hàng suốt đêm trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP. Thủ Đức, huyện Hóc Môn, chờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, theo VnExpress. Tại nhiều nơi cũng diễn ra tình trạng người thất nghiệp đổ xô rút bảo hiểm một lần.

Thức suốt đêm chờ rút bảo hiểm một lần ở Thủ Đức (ảnh chụp màn hình VnExpress).
Thức suốt đêm chờ rút bảo hiểm một lần ở Thủ Đức (ảnh chụp màn hình VnExpress).

Theo thống kê từ Tổng liên đoàn Lao động, tại 44 tỉnh thành, chủ yếu từ giữa năm đến nay, có khoảng 472.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 41.500 người mất việc. Dự báo làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gia tăng.

Lãnh đạo TP. Hà Nội nói GRDP bình quân 142 triệu đồng/người

Ngày 7/12, Chủ tịch HĐND Hà Nội – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói, năm 2022, TP có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch là tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,8% (kế hoạch 7-7,5%); GRDP bình quân đầu người 142,3 triệu đồng (kế hoạch 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư 13,8% (kế hoạch 10,5%); kim ngạch xuất khẩu 11,9% (kế hoạch 5%) và giảm hộ nghèo so với năm trước đạt 38,8% (kế hoạch 20%).

Trong năm 2021, các báo cáo cho thấy GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước là Bà Rịa – Vũng Tàu, với 281,24 triệu đồng/người. Đứng thứ hai là Quảng Ninh với 176 triệu đồng/người.

Lo ngại từ tác động khi xây vành đai 4 ở Hà Nội

Trưởng ban Pháp chế HĐND Hà Nội cho rằng thành phố cần dự báo, có kịch bản về tình hình khiếu nại, đơn thư tố cáo lĩnh vực đất đai khi thực hiện giải phóng mặt bằng vành đai 4, theo Zing.

Có khoảng 14.600 phần mộ trên địa bàn các quận, huyện sẽ phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng vành đai 4. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến là 13.000 tỷ đồng.

Đường vành đai 4 – vùng thủ đô dài 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Với tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Bắt đầu xét xử Nguyễn Thái Luyện

Sáng 8/12, TAND TPHCM đưa Nguyễn Thái Luyện (CEO Alibaba) cùng 19 đồng phạm ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian xét xử từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023.

Thời điểm chuẩn bị bắt đầu phiên xử Nguyễn Thái Luyện, sáng 8/12 (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).
Thời điểm chuẩn bị bắt đầu phiên xử Nguyễn Thái Luyện, sáng 8/12 (ảnh chụp màn hình báo Lao Động).

Các bị cáo trong vụ án này, ngoài Luyện còn có Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba). Ngoài các bị cáo bị xét xử tội lừa đảo, thì Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện, Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành), Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện, Giám đốc Công ty Địa ốc Alibaba Law Firm) bị truy tố về hai tội rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị truy tố tội rửa tiền.