Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng phản đối mọi ý đồ phá hoại Phán quyết Biển Đông năm 2016.

Tòa án quốc tế ở La Hay, Hà Lan đưa ra Phán quyết này vào tháng 7/2016, trong đó chính thức bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là một chiến thắng cho đơn kiện của chính phủ Philippines từ năm 2013 với sự hỗ trợ của đồng minh Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào tháng 6/2016, ông Duterte đã xem nhẹ mối quan hệ với Washington để tìm kiếm các khoản đầu tư và tài trợ từ Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10/2016, ông Duterte thậm chí còn nói rằng Phán quyết Biển Đông chỉ là “mảnh giấy”.

Sau 4 năm “tạm gác” Biển Đông, ông Duterte hôm 22/9 lần đầu tiên đưa Phán quyết Biển Đông ra tại hội nghị trực tuyến của Liên Hợp Quốc. Tờ Philstar đưa tin, Tổng thống Philippines đã tái khẳng định chiến thắng pháp lý của Philippines đối với Trung Quốc trong phán quyết Biển Đông.

Ông Duterte nhấn mạnh: “Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, không thể thỏa hiệp và không thể bị chính phủ nào làm suy yếu hay phá bỏ. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ mọi ý đồ nhằm phá hoại Phán quyết này”.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng hoan nghênh các quốc gia khác ủng hộ phán quyết. Ông nói: “Nó [phán quyết] đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự liều lĩnh, chiến thắng của luật pháp đối với sự gây rối, chiến thắng của tình hữu nghị đối với tham vọng. Điều này là sự uy nghiêm của pháp luật”.

Ông Duterte khẳng định các cam kết của Philippines ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực ở Hà Lan. Ông cũng cho biết Philippines vẫn cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

Giới truyền thông Philippines đã ca ngợi bài phát biểu của ông Duterte. Hãng tin Rappler bình luận: “Tổng thống Philippines đã làm nên lịch sử khi sử dụng một phiên họp của Liên Hiệp Quốc để nêu lên chiến thắng pháp lý trước Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”.

Cuộc chiến công hàm chống lại yêu sách của Trung Quốc

Thời gian qua, các hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc cùng việc tăng cường quân sự hóa của nước này ở Biển Đông đã gây ra nhiều lo ngại cho các nước trong và ngoài khu vực.

Pháp, Đức và Anh hồi tuần trước đã đệ trình công hàm lên LHQ nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng và “quyền lịch sử” phi lý của Trung Quốc.

Công hàm chung khẳng định các yêu sách với phần lớn Biển Đông của Trung Quốc là không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS, đồng thời đề cập đến Phán quyết Biển Đông năm 2016.

Trước đó, tháng 12/2019, Malaysia cũng đệ trình công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.