Lê Xuân Giang khai khi xuất ngũ chỉ có cấp bậc trung úy; nhưng khi thành ông ‘trùm đa cấp’ Liên Kết Việt, người này đã ‘điều khiển’ được nhiều tướng, tá nguyên là lãnh đạo cấp cao trong quân đội.

Cựu trung úy tuyển hàng loạt tướng tá về ‘dưới trướng’

Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ lừa đảo ở công ty đa cấp Liên Kết Việt, Lê Xuân Giang khai từng phục vụ quân đội 11 năm, khi xuất ngũ đeo quân hàm trung úy chuyên nghiệp.

Sau này, khi lập ra hai công ty để kinh doanh đa cấp là Liên Kết Việt và BQP, Giang đã tuyển dụng nhiều cựu cán bộ, sĩ quan cao cấp trong quân đội đã về hưu. Giang khai ‘những người này do nghỉ hưu, không có việc làm nên bị cáo mời tham gia”.

Báo Pháp luật TP. HCM dẫn lời khai của bị cáo này trước tòa rằng, mình là người lính, “chỉ mong muốn làm ăn chân chính, bài bản, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân”. Tuy nhiên, do một số cá nhân muốn trục lợi nên cố tình khuếch trương về công ty, khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động.

Tuy nhiên theo cáo trạng, bị cáo này luôn sử dụng trang phục quân đội trong các video clip để tuyên truyền, lôi kéo bị hại, nhất là trong các sự kiện như đại hội hoa hồng, trao bằng khen của Thủ tướng (bằng khen giả), hội nghị khách hàng, khai trương chi nhánh văn phòng công ty. Về việc này, Giang bào chữa rằng “vì rất yêu hình ảnh người lính nên bị cáo thường xuyên mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm”.

Chủ tọa hỏi Giang có nhớ từng đeo quân hàm cấp bậc gì hay không? Bị cáo trả lời tại các ngày đại hội của công ty có đeo cầu vai nhưng không đeo cấp bậc gì, “chỉ đeo tượng trưng cho đẹp”.

Lê Xuân Giang thường thể hiện mình trong bộ quân phục, đeo hàm đại tá và gắn nhiều huân huy chương – tất cả đều là đồ giả, theo Dân Trí.

Để tạo sự hoành tráng và khiến người dân nhầm BQP, Liên Kết Việt là của Bộ Quốc phòng, Giang sử dụng hình ảnh của các tướng, tá quân đội ‘dưới trường’ mình. Theo báo Tuổi Trẻ, trong các sự kiện của công ty, Giang giao cho các cựu cán bộ quân đội mặc lễ phục quân đội, đeo quân hàm, phù hiệu để chủ trì thực hiện các nghi thức của quân đội (hô chào cờ, hát quốc ca), lên sân khấu đọc diễn văn và thực hiện trao quà, phần thưởng, tiền cho các nhà phân phối.

Trong số các sĩ quan cao cấp tham gia vào công ty của Giang, có thể liệt kê những cái tên như: Đại tá Nguyễn Văn Tủng, nguyên Cục phó thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh, được mời về làm Phó Tổng giám đốc Công ty BQP; Đại tá Dương Công Minh, nguyên Trưởng phòng kinh tế Tổng cục kỹ thuật, về làm Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại Công ty Liên Kết Việt; Thượng tá Lê Văn Tuấn, nguyên Tham mưu trưởng của Đoàn tiếp nhận vật tư Bộ Quốc phòng về làm Giám đốc xưởng sản xuất Công ty BQP…

Thuê nhà sư làm giả bằng khen của Thủ tướng

Vietnamnet dẫn từ cáo trạng cho thấy một chiêu trò khác của Giang, đó là dùng bằng khen giả. Theo đó, dù có giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp nhưng Giang không thu hút được nhiều người mua hàng, doanh thu bán hàng thấp.

Tháng 10/2014, Giang gặp nhà sư Phạm Văn Út (SN 1972), tu tại chùa Linh Sơn, TP. HCM, đặt nhà sư này làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng tặng Công ty Liên kết Việt, Công ty BQP.

Theo lời khai của Giang tại tòa, sau khi có được bằng khen của Thủ tướng, Giang cảm ơn sư Út 31 triệu đồng. Sau đó bị cáo tổ chức hoành tráng việc đón nhận bằng khen. Giang chỉ đạo tổ chức đón nhận rầm rộ tại các buổi tôn vinh, nhằm khuếch trương hình ảnh, đánh lừa các các bị hại để họ nhầm tưởng Công ty Liên kết Việt là công ty kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp cho Nhà nước.

Lê Xuân Giang trong những ngày Liên Kết Việt ở “đỉnh cao” (ảnh PLO).

Bên cạnh đó, Giang cho mở hàng loạt chương trình “hỗ trợ nhân văn tri ân khách hàng”, khuyến mại “đón xuân thịnh vượng” tặng nhà ở trị giá 1,8 tỷ đồng, tiền mặt, xe máy, vàng, du xuân Yên Tử, thăm quan Vịnh Hạ Long…

Đối diện án tù chung thân

Đến chiều 23/12, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Liên Kết Việt kết thúc phần xét hỏi. Đại diện VKS đã đề nghị tòa sơ thẩm tuyên phạt Lê Xuân Giang tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng phạm với Giang, các bị cáo Lê Văn Tú (tổng giám đốc) bị đề nghị 19-20 năm tù, Nguyễn Thị Thủy (phó tổng giám đốc) bị đề nghị 17-19 năm tù cùng về tội danh trên.

Các bị cáo là thành viên nhóm phát triển thị trường gồm: Trịnh Xuân Sáng bị đề nghị 15-16 năm tù, Lê Thanh Sơn bị đề nghị 14-15 năm tù, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường cùng bị đề nghị 12-13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đại diện VKS, trong vụ án Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện toàn bộ hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tiền của các bị hại. Số người bị hại từ Giang và đồng phạm là 68.000 người. Các bị cáo Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thủy là những người giúp sức, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo theo chỉ đạo của Lê Xuân Giang. 4 bị cáo còn lại có vai trò trực tiếp thực hiện lôi kéo bị hại tham gia mô hình đa cấp.

Về trách nhiệm dân sự, VKSND căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đề nghị tòa tuyên Giang phải bồi thường trên 800 tỷ đồng đã chiếm đoạt.