Trung Quốc chính thức vận hành đập thủy điện khổng lồ mới, cao gấp rưỡi Tam Hiệp
Tổ máy cuối cùng trong loạt 12 máy phát điện của đập thủy điện Trung Quốc Ô Đông Đức, đập thủy điện lớn thứ 7 thế giới, đã bắt đầu vận hành vào ngày 16/6.
- Sau nấm đen, trắng và vàng, bệnh nhân COVID-19 mắc căn bệnh mới nguy hiểm
- Hơn 350 bác sĩ nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc xin Trung Quốc
- Lũ lớn tại Nepal: Công nhân Trung Quốc, Ấn Độ bị cuốn trôi
Theo Reuters, sự kiện trên đánh dấu việc toàn bộ đập thủy điện khổng lồ ở thượng nguồn sông Dương Tử này chính thức đi vào hoạt động.
China Energy News đưa tin con đập đi vào hoạt động sau khi Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, công ty nhà nước phụ trách dự án, hoàn thành 72 giờ vận hành thử nghiệm tổ máy phát thứ 12 tại nhà máy Ô Đông Đức và đưa điện vào lưới điện miền nam Trung Quốc.
Dự án có tổng kinh phí 18,76 tỷ USD bắc qua sông Kim Sa, nhánh thượng nguồn của sông Dương Tử, gần ranh giới tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Nhà máy Ô Đông Đức có tổng công suất lắp đặt là 10,2 gigawatt và bắt đầu cung cấp điện kể từ cuối tháng 6/2020. Tính đến ngày 15/6, nhà máy đã sản xuất 24,5 tỷ KWH điện, đủ cung cấp cho thành phố 8,5 triệu người trong 8 tháng.
Với bức tường cao 270 m, đập Ô Đông Đức là một trong những con đập cao nhất thế giới có sức chứa tổng cộng 7,4 tỷ m3 nước. Đập này thậm chí còn vượt xa đập Tam Hiệp ở cách đó 950 km về phía đông (cao 181 m). Lưu lượng xả lũ tối đa của đập có thể đạt 27.000 m3 nước một giây, đủ để lấp đầy Tây Hồ tại Hằng Châu trong 7 phút.
Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Ô Đông Đức bắt đầu vào năm 2015. Trước khi khởi công, các nhà địa chất học và chuyên gia về nước cảnh báo xây đập ở khu vực dễ xảy ra động đất rất mạo hiểm, và con đập có thể phá hủy sinh thái ở hạ lưu sông Dương Tử.
Nhà máy thủy điện Ô Đông Đức dự kiến sản xuất 39 tỷ kilowatt giờ (KWH) điện một năm, tương đương đốt 12,2 triệu tấn than, giúp giảm hơn 30,5 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Dương Tông Lập (Yang Zongli), Giám đốc dự án xây đập, cho biết nhà máy này sẽ góp phần vào mục tiêu trung hòa phát thải carbon của Trung Quốc vào năm 2060.
Ông Dương cho biết thêm rằng sau khi tất cả tổ máy đi vào hoạt động, nguồn cung cấp điện cho khu vực Quảng Đông – Hong Kong – Macau sẽ được đảm bảo.