Pakistan đã trao hợp đồng xây dựng một con đập lớn ở khung vực tranh chấp Kashmir cho công ty liên doanh Trung Quốc-Pakistan. Động thái này có thể khiến Ấn Độ tức giận nhưng giúp thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan.

Giai đoạn ban đầu của dự án xây đập Diamer Bhasha trị giá 2,75 tỷ USD đã được trao cho công ty liên doanh giữa Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc và Tổ chức thuộc Quân đội Pakistan với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 70% và 30%. Đập Diamer Bhasha có công suất 4.500 megawatt và lưu trữ cho gần 2,5 triệu mét khối nước. Con đập này nằm trên sông Indus, tại vùng Gilgit-Baltistan thuộc Kashmir do Pakistan kiểm soát, cách biên giới Trung Quốc 320 km.

Đập Dimer Bhasha là dự án cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên của Trung Quốc tại Kashmir và là một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.

Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nước và năng lượng Pakistan (WAPDA), ông Muzammil Hussain cho biết, cơ quan này sẽ đóng góp 30% trong tổng vốn đầu tư, số còn lại là nguồn vốn từ chính phủ. Tổng chi phí của dự án này khoảng 8,77 tỷ USD.

Pakistan chắc chắn đang trong tình trạng khủng hoảng tài chính và sẽ không đủ khả năng để một mình tài trợ cho dự án. Tuần trước, chính phủ Pakistan đã phải chuyển 6,23 triệu USD từ quỹ cứu trợ COVID-19 để trả lãi cho các khoản nợ liên quan đến năng lượng.

Một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) của Singapore, James M. Dorsey, tin rằng Trung Quốc sẽ tài trợ cho dự án thông qua các khoản vay dành cho Pakistan, nhưng các điều khoản trả nợ như thế nào còn chưa rõ.

Ông Dorsey nói với Nikkei Asian Review rằng, dự án sẽ phục vụ lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn Pakistan vì “Trung Quốc có ưu thế trong thương lượng thông qua gói hỗ trợ kinh tế cho Pakistan theo CPEC”.

Một số nhà quan sát tin rằng, Pakistan rất muốn xây dựng con đập sớm và sẵn sàng để lại những lo ngại về tài chính giải quyết sau. Phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington D.C, Michael Kugelman, cho biết “Không có dấu hiệu nào cho thấy Pakistan đã nghĩ đến khả năng chi trả khoản chi phí khổng lồ này“. Hoặc “nếu Pakistan đã nghĩ đến việc đó nhưng không công bố kế hoạch của mình cho công chúng.”

Tháng 11/2017, Pakistan đã rút đề xuất xây con đập này ra khỏi CPEC do không chấp nhận các điều kiện của Bắc Kinh, trong đó bao gồm yêu cầu sở hữu dự án. Năm 2016, Pakistan đã tìm kiếm các nguồn tài trợ khác bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhưng đều bị từ chối do lo ngại tranh chấp dai dẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến Kashmir.

Ấn Độ ngay lập tức lên án thỏa thuật mới đạt được giữa Pakistan và Trung Quốc. Phát ngôn viên chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Shri Anurag Srivastava, cho biết: “Chúng tôi đã liên tục bày tỏ quan điểm phản đối và mối quan ngại với cả Trung Quốc và Pakistan về tất cả các dự án  ở các vùng lãnh thổ của Ấn Độ bị Pakistan chiếm đóng bất hợp pháp“.

Trong khi đó Bắc Kinh bác bỏ phản đối của Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cho rằng con đập này mang lại lợi ích cho các bên “Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Kashmir là nhất quán”.” Hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi của người dân địa phương.”

Đoàn xe quân sự của Ấn Độ tiến đến Kashmir (ảnh: shutterstock.com).

Các nhà quan sát cho rằng phản ứng  của Ấn Độ sẽ không cản trở được dự án. “Ấn Độ không thể sử dụng áp lực ngoại giao để dừng dự án này bởi vì cả thế giới đang tập trung sự chú ý về đại dịch Covid-19,” ông Dorsey nói. “New Delhi từ lâu đã phản đối Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường vì các dự án trong khuôn khổ sáng kiến này nằm trong  khu vực tranh chấp, bao gồm Gilgit-Baltistan và điều đó chắc chắn không ngăn được Pakistan và Trung Quốc“, ông Kugelman nói “Dự án xây đập  Diamer Bhasha cũng theo xu hướng đó.”

Việc Trung Quốc sẵn sàng có mặt tại các khu vực đang tranh chấp cho thấy nước này có những tham vọng lớn đối với các khu vực trọng yếu trên thế giới, điều này cũng thể hiện tham vọng của Bắc Kinh ngày càng được khẳng định. Trong khi các nước đang hết sức nỗ lực trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn liên tiếp gây sóng gió trên Biển Đông và bây giờ là sẵn sàng hiện diện tại các điểm nóng giữa Ấn Độ và Pakistan.