Trung Quốc đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du tới Hàn Quốc và Nhật Bản.

AP đưa tin, Văn phòng Cục Quản lý An toàn Hàng hải ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tuyên bố các cuộc tập trận đã bắt đầu từ ngày 19/5 và sẽ kéo dài đến hết ngày 23/5.

Phía Trung Quốc yêu cầu các máy bay và tàu thuyền khác không được tiến vào khu vực tập trận, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Trung Quốc nhận chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, mặc dù Tòa trọng tài thường trực đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách này.

Biển Đông với “các tuyến đường thủy quan trọng này đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột ở châu Á”, theo AP.

Mỹ không có quan điểm đối ngoại về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông; nhưng khẳng định quyền tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Washington thường xuyên cử tàu chiến thực hiện các chuyến tuần tra “tự do hàng hải” ở gần các đảo mà Trung Quốc quân sự hóa.

Trung Quốc phản đối các chuyến đi như vậy của tàu chiến Mỹ. Bắc Kinh cáo buộc các hoạt động của Mỹ là nhằm phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngược lại, Trung Quốc liên tiếp thực hiện các hoạt động quân sự ở Biển Đông. Kể từ đầu tháng này, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hoạt động ở Biển Nhật Bản, theo cái gọi là “huấn luyện định kỳ không nhắm tới bên nào”.

Trung Quốc cũng đã cho một cặp máy bay ném bom H-6 có khả năng hạt nhân tầm xa đi qua khu vực hôm 18/5, theo giới truyền thông Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Biden sắp có các cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong liên minh Bộ Tứ Quad (gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản). Bốn quốc gia đều có chung mối quan ngại là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Bắc Kinh coi liên minh Bộ Tứ là một phần kế hoạch của Mỹ nằm cản trở sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc.

Hôm 18/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích “các động thái tiêu cực” của Washington và Tokyo nhằm chống lại Bắc Kinh.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương nói trong cuộc gọi điện video với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, rằng: “Điều gây chú ý và cảnh giác là thực tế, ngay cả trước khi nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu cuộc gặp, cái gọi là luận điệu chung Nhật-Mỹ chống Trung Quốc đã nổi lên”.