Trong khi Trung Quốc phái đi những đoàn đánh bắt cá phi pháp trong vùng biển của Việt Nam, Bắc Kinh lại tố cáo ngược rằng ngư dân Việt Nam đánh bắt cá quá mức ở Biển Đông.

Thực tế này đang diễn ra và có nguy cơ gây căng thẳng hơn nữa tình hình Biển Đông. Tình trạng khai thác nghề cá quá mức có thể gây căng thẳng nghiêm trọng, thậm chí là xung đột vũ trang ở Biển Đông, theo nhận định của giới phân tích.

Ông Rashid Sumaila, giáo sư tại Đại học British Columbia ở Canada, nói với BenarNews hôm 5/1 rằng: “Xung đột âm ỉ mà chúng ta thấy ở Biển Đông chủ yếu là vì cá”.

Ông Sumaila là nhà nghiên cứu tại Viện Đại dương và Thủy sản của trường đại học British Columbia (Canada). Ông còn là nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách Công và Các vấn đề Toàn cầu, và là đồng tác giả của một báo cáo có tiêu đề “Chìm hay bơi: Tương lai của nghề cá ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Nghề cá là 1 nguyên nhân của tranh chấp Biển Đông

Báo cáo của giáo sư Sumaila đề cập đến các khả năng mà Biển Đông có thể bị tác động nghiêm trọng. Một kịch bản là nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C vào năm 2050, Biển Đông “có khả năng bị sụt giảm đáng kể các loài cá thương mại và các loài động vật không xương sống, khiến nhiều nền kinh tế đánh bắt cá trong khu vực có nguy cơ bị thất bại nặng nề”.

Nghề cá trong khu vực ở Biển Đông ước tính tạo ra 100 tỷ đô la hàng năm, hỗ trợ sinh kế cho khoảng 3,7 triệu người. Giới phân tích cho rằng nghề cá sẽ gặp rủi ro trong tương lai.

Theo báo cáo, Trung Quốc có nhu cầu ngày càng tăng đối với thức ăn làm từ cá, không chỉ cá cho con người. Vì vậy, đó là động lực chính dẫn đến việc đánh bắt quá mức ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

“Ngư nghiệp là một trong những lý do khiến Trung Quốc vướng vào tranh chấp với các nước láng giềng ở Biển Đông,” ông Sumaila nói.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước cần hành động ngay lập tức để cắt giảm hoạt động đánh bắt cá. Họ kêu gọi các nước cần tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn thảm họa khai thác quá mức đang diễn ra trong nghề cá ở Biển Đông.

Ngược lại, tình trạng tranh chấp gây áp lực lên nghề cá

Một số nhà nghiên cứu bao gồm John Quiggin, giáo sư kinh tế tại Đại học Queensland, có quan điểm khác. Ông cho rằng chính những tranh chấp và tình trạng vô luật pháp đã gây áp lực lên nghề cá.

“Các cuộc xung đột chưa được giải quyết làm tăng nguy cơ đánh bắt quá mức và khiến ngành này sụp đổ”, giáo sư Quiggin nói.

Ông cho rằng các quốc gia cần có quy định về hạn ngạch đánh bắt cá theo vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Ông Quiggin nói: “Kết quả tốt nhất ở Biển Đông sẽ là một thỏa thuận được thương lượng.”

Trong khi đó, Giáo Sumaila nói: “Điều tốt nhất mà các quốc gia có chung Biển Đông có thể làm là nhận ra giá trị to lớn của nghề cá trong vùng biển này và hợp tác để quản lý nghề cá bền vững.”

“Họ có thể học hỏi từ Na Uy và Nga, những nước đã quyết định hợp tác quản lý nghề cá tuyết Biển Barents ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và phương Tây lúc bấy giờ, vì họ nhận ra rằng nghề cá này quan trọng như thế nào đối với công dân của họ”.

“Tôi tin rằng điều này cũng có thể được thực hiện đối với Biển Đông”, giáo sư Sumaila nói.

Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đánh bắt quá mức ở Biển Đông

Trong khi hàng chục ngàn tàu cá của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông để đánh bắt cá phi pháp, thì chính Bắc Kinh lại tố ngược ngư dân Việt Nam đánh bắt quá mức ở Biển Đông.

Tổ chức Sáng kiến ​​Tham mưu Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc cáo buộc rằng việc đánh bắt cá trái phép, đặc biệt là của ngư dân Việt Nam, đã “phá hoại nghiêm trọng việc xây dựng lòng tin lẫn nhau trong khu vực và gây ra một mối đe dọa và thách thức to lớn đối với hợp tác hàng hải, bảo tồn nguồn lợi thủy sản và an ninh của các nước láng giềng.”

Trong một báo cáo mới nhất, SCSPI cáo buộc Việt Nam điều hành khoảng 9.000 tàu đánh cá ở Biển Đông và có xung đột đánh cá với Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.

Thực tế, Trung Quốc vi phạm nhiều nhất

Theo BenarNews, Trung Quốc đứng đầu về số lượng các tàu hoạt động bất hợp pháp, không có báo cáo và không được kiểm soát. Sáng kiến ​​toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã tạo ra Chỉ số đánh bắt cá bất hợp pháp toàn cầu, trong đó xếp hạng Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất trong năm 2019.

Với 800.000 tàu, đội tàu đánh cá của Trung Quốc cho đến nay là lớn nhất thế giới. Ngư dân Trung Quốc, với nguồn tài nguyên cạn kiệt trong nước, đã di chuyển đến các vùng biển xa xôi như Vịnh Guinea ở Tây Phi hoặc Quần đảo Galapagos ngoài khơi Ecuador để đánh bắt hải sản của những nước đó.

Ở Biển Đông, Trung Quốc bị cáo buộc điều hành một đội dân quân đánh cá có vũ trang để thực thi các yêu sách chủ quyền chống lại Việt Nam và các bên có tranh chấp khác.

RAND Corp., một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động “vùng xám” ở Biển Đông. Tức là Trung Quốc phái đi các đoàn đánh cá với số lượng áp đảo đối thủ. Phía sau chúng được bảo vệ bởi lực lượng hải cảnh, và thậm chí là cả tàu hải quân. Thủ đoạn này được thiết kế để Trung Quốc “chiến thắng mà không cần giao tranh”.