Từ lãnh đạo đến sinh viên, một bầu không khí “tự tin thái quá” đang bao trùm lấy Trung Quốc. Điều này sẽ khiến cho giới chức Trung Quốc phải trả giá, theo một nhà phân tích của hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei.

Trong bài bình luận trên Nikkei Asia hôm 20/1, nhà phân tích cấp cao Katsuji Nakazawa, nhận định “các chính sách liều lĩnh” của Bắc Kinh đang “làm tổn thương nền kinh tế và trì hoãn mục tiêu vượt qua Mỹ” của Trung Quốc.

Ông Nakazawa cho biết chính giới chuyên gia Trung Quốc cũng thừa nhận rằng giới lãnh đạo nước này đang “tự tin thái quá” với các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng.

“Tự tin quá mức có hại cho sự phát triển của Trung Quốc”, một nhà kinh tế Trung Quốc đã nói như vậy khi nói về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao vời vợi của Trung Quốc nhằm đuổi kịp Mỹ.

Chuyên gia này cho biết: “Với tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt, thì ngày Trung Quốc vượt qua Mỹ đang lùi xa, chứ không phải là đến gần hơn”.

Giới trẻ Trung Quốc đặc biệt tự tin thái quá về đất nước

Tự tin thái quá là một chủ đề đang được bàn tán rộng rãi ở Trung Quốc, theo Nikkei.

Giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong một bài giảng gần đây về những quan điểm thành kiến ​​đến khó tin của sinh viên ngày nay.

Ông Diêm cho biết, sinh viên đại học Trung Quốc sinh năm 2000 trở lên “thường có cảm giác là mình vượt trội và đầy tự tin; họ có xu hướng nhìn các nước khác với ánh mắt coi thường; nhìn quan hệ quốc tế thông qua niềm mơ tưởng; và tin rằng mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể đạt được một cách dễ dàng”.

“Họ cho rằng các giá trị phổ quát của loài người như hòa bình, đạo đức, công bằng và công lý là truyền thống cố hữu của Trung Quốc. Họ cho rằng chỉ có Trung Quốc là chính nghĩa; còn các nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây, là xấu xa.”

Nguồn gốc của sự “tự tin thái quá”

Theo nhà phân tích Nakazawa: “Cách học sinh Trung Quốc cho là kiêu ngạo và liều lĩnh là kết quả trực tiếp của giáo dục lòng yêu nước, vốn được giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc coi trọng.”

Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong) – một giáo sư tại Đại học Renmin của Trung Quốc và là phó hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Renmin – cho rằng Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2025 về GDP, sau đó vượt Mỹ vào năm 2035 về năng lực khoa học và công nghệ. Quyền lực quân sự tối cao của Trung Quốc ở cả Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ trở nên rõ ràng vào lúc đó, theo ông Kim.

Ông Kim nói rằng Mỹ sẽ không thể sánh được với Trung Quốc về năng lực sản xuất công nghiệp; và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sức mạnh quốc gia toàn diện, dẫn đến ảnh hưởng quốc tế lớn hơn.

Theo Nikkei, đằng sau sự tự tin của ông Kim là sự đình trệ kinh tế ở Mỹ. Nhưng ngược lại, tình hình kinh tế của Trung Quốc cũng trở nên tồi tệ vì đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tỉ lệ sinh của Trung Quốc duy trì ở mức thấp, khiến nước này đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế.

Cái giá phải trả của Trung Quốc

Tới nay, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia vẫn theo đuổi mục tiêu “Zero Covid”; áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt bất chấp những thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế.

Theo Nikkei, áp lực suy giảm mạnh sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ quý đầu tiên của năm 2022. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù họ kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nay; nhưng sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 5%.

Ngoài chính sách “Zero Covid”, còn có những lỗi do con người tạo ra. Các mệnh lệnh nhanh chóng và cứng rắn từ giới chức Trung Quốc “đang kéo nền kinh tế đi xuống”, theo Nikkei.

“Các chính sách đã làm tổn thương thị trường nhà ở, góp phần rất lớn vào nền kinh tế. Áp lực lên những gã khổng lồ công nghệ cũng như ngành công nghiệp trò chơi và giáo dục đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.”

Vào cuối năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự đoán rằng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt mức của Mỹ vào năm 2033, muộn hơn 5 năm so với dự báo trước đó.

JCER cho biết có 2 yếu tố khiến mục tiêu của Trung Quốc bị chậm lãi. Thứ nhất là tăng trưởng năng suất chậm lại do các quy định khắt khe hơn của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty tư nhân. Thứ hai là tình trạng thiếu lao động do dân số giảm trong thời gian dài.

Yếu tố đầu tiên là tác dụng phụ của các chính sách đột ngột và cực đoan của ông Tập, theo Nikkei. Tờ báo này bình luận: “Có thể nói chính ông Tập là một nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc.”

Một nguồn tin chính trị Trung Quốc tiết lộ: “Nếu Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào mùa thu không cải thiện được tình hình kinh tế, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyền lực của ông Tập.”