Ngày ấy, tuổi 18 không chỉ là những ước mơ, mà còn là những chuyến hành trình hướng về phía trước, không hẹn ngày trở lại. Những chàng trai vừa mới lớn, vừa hoàn thành lớp 10, chưa kịp thi đại học đã nhận được giấy triệu tập.

Tuổi 18 – Tuổi thanh xuân ra trận

Ngày ấy, tuổi 18 không chỉ có ước mơ mà còn có những chuyến đi về phía trước; không hẹn ngày về. Những chàng trai mới lớn, vừa học xong lớp 10 chưa kịp thi đại học đã nhận giấy triệu tập. Không được phép do dự chần chừ; chúng tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ.

Năm 1972, nhiều đợt tổng động viên thanh niên nhập ngũ; biết chờ đợi mình phía trước là sự sống chết nhưng không cho phép ai uỷ mỵ, lo sợ; và khí thế hừng hực thời đó; lo sợ không thể xâm nhập vào sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Mùa đông năm 1972, tiễn chúng tôi lên đường chỉ có đại diện đoàn thanh niên và người thân. Đến địa điểm tập trung, chúng tôi nhanh chóng nhận quân tư trang, nghe biên chế về các đơn vị. Mỗi người một hướng, người vào bộ binh, công binh, người vào đặc công, người đi học lái xe. Tôi được biên chế vào lực lượng vận tải chiến trường. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương; chúng tôi đeo ba lô lên vai, hành quân bộ từ quê nhà Thường Xuân Thanh Hoá ra Huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình.

Ký ức huấn luyện – Món nợ ân tình

Ba tháng huấn luyện quân sự của chàng trai tuổi 18 là những ngày tháng thử thách. Lăn lê, bò toài, vác ba lô nặng hành quân trên những chặng đường xa. Bao giọt mồ hôi đổ xuống.

Nhưng điều đọng lại trong tôi không là sự gian khổ trong huấn luyện; Điều để lai là tình người ấm áp của người dân Xóm Mền. xã Đoàn kết, huyện Yên Thuỷ, Hoà bình nơi chúng tôi đóng quân. Những gia đình người Mường nghèo khó nhưng thương chúng tôi như con cháu. Một nắm xôi nhỏ, một con gà nhép luộc cũng phần chúng tôi. Những đêm đông giá rét, tấm chăn mỏng không đủ ấm, họ sẵn sàng nhường chỗ nằm, nhặt nhạnh từng nhành củi để sưởi ấm cho chúng tôi. Tình cảm ấy, suốt đời chúng tôi không thể nào quên.

Nhiều năm sau, đồng đội tôi quay lại tìm nhưng Xóm Mền đã đổi thay. Những người xưa, ai còn ai mất, chẳng ai rõ. Món nợ ân tình ấy, mãi mãi chúng tôi mang nặng, khắc ghi.

Chúng tôi vào Nam “đi B”

Tuổi 18
Trường Sơn không chỉ có gian khổ, hiểm nguy mà còn đầy ắp tình người (Ảnh: internet)

Tạm biệt Xóm Mền, chúng tôi bước vào khóa huấn luyện lái xe. Kết thúc khóa học, nhận quân tư trang mới, leo lên xe bịt bạt kín mít, hướng về phương Nam.

Quảng Bình là nơi đầu tiên chúng tôi đến. Nửa đêm xe dừng lại; chúng tôi được đưa vào từng nhà dân; cứ thế là lăn ra bất cứ đâu, trên giường, trên võng, trên nền nhà để ngủ. Một ấn tượng đầu tiên là không nhà nào có cửa; không đồ đạc và hình như chỉ thấy toàn bộ đội. Sau này, đọc lịch sử chiến tranh; ngẫm lại; người dân Quảng Bình họ đã cống hiến quá nhiều cho cuộc chiến.

Chúng tôi đóng quân ở Quảng Bình một thời gian ngắn để bổ túc tay lái.Sát hach lại, đạt yêu cầu, tôi được biên chế về C1, D30, Cục hậu cần Đoàn 559. Từ đây, tôi cùng các đồng đội cứ 6 tháng mùa khô đưa quân trang, nhu yếu phẩm đến các đơn vị trên khắp nẻo đường Đông, Tây Trường Sơn, Những tên Đường 20 Quyết thắng, đường 14, 16, 22. Những địa danh Đèo Polonhich, cua tay áo, Lùm Bùm; đến Aso, A Lưới, Khe Sanh, Lao Bảo lên Bản Đông, sông Bạc…Những địa danh đã đi vào lịch sử chiến tranh.

Trường Sơn không chỉ có gian khổ, hiểm nguy mà còn đầy ắp tình người. Những trạm giao liên, những trạm xá với sự tận tình của các nữ y tá, hộ lý, bác sỹ; những bữa cơm vội bên đường, những tiếng cười nói của các nữ TNXP …

Chúng tôi bây giờ – Ký ức không phai

Chiến tranh kết thúc, trở về, mỗi người một cuộc sống. Những năm tháng khó khăn, những bộn bề cơm áo gạo tiền khiến nhiều người bặt vô âm tín. Mãi sau này, khi cuộc sống ổn định hơn, chúng tôi mới dần tìm lại được nhau.

Giờ đây, mỗi người đã qua thất thập, tóc ai cũng đã bạc, dáng không còn nhanh nhẹn. Nhưng ánh mắt khi nhắc về quá khứ vẫn sáng lên với bao điều muốn nói. Chúng tôi ôn lại những ngày gian khó, chuyện về những cung đường, những kỷ niệm chẳng thể nào quên và bùi ngùi nhắc tên nhiều đồng đội đã mất,

Mỗi tháng Tư về; Chúng tôi lại tụ họp. không chỉ gặp nhau để hoài niệm; mà còn để truyền lửa cho thế hệ sau. Để con cháu hiểu rằng, cha ông chúng đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh như thế nào. Những câu chuyện của chúng tôi không chỉ là ký ức; mà còn là bài học về lòng yêu nước, về tinh thần đồng đội; về một thời hào hùng không thể nào quên.