Ngày 14/9, cựu tỷ phú Charles “Chuck” Feeney, 89 tuổi, đặt bút ký lệnh đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ tài sản của ông đã được phân phát hết, trong đó ông cũng dành nhiều triệu USD giúp Việt Nam.

“Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng” – tỷ phú Mỹ Chuck Feeney giữ quan điểm như thế và đã làm đúng như thế. Khi cho đi, ông thường muốn tự thân xem xét đồng tiền mình hiến tặng có đến được đúng người, đúng việc hay không.

Theo báo Tuổi Trẻ, vị tỷ phú Mỹ 89 tuổi vừa hoàn thành mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình: cho đi tất cả khối tài sản 8 tỷ USD, chỉ chừa lại 2 triệu USD cho quãng đời còn lại. Quỹ từ thiện Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies) mà ông bí mật thành lập vào năm 1982 tuần qua đã chính thức kết thúc sứ mệnh của mình.

Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo VnExpress.

Hàng triệu người đã và đang hưởng lợi từ số tiền thiện nguyện của vị tỷ phú có triết lý “Cho đi khi còn sống”, trong đó có cả những người dân Việt Nam.

VietNambusinessinside đăng tải từ tài liệu của Quỹ Atlantic, ông Charles F. Feeney, người sáng lập Quỹ Từ thiện Atlantic, có những chuyến thăm dò sang Việt Nam cuối thập niên 1990.

Các dự án từ thiện của ông tại Việt Nam là tiến hành từ 1997, kết thúc năm 2015. Tổng cộng 297 dự án của Atlantic hiến tặng cho 97 cơ sở địa phương, với tổng số tiền là 381,6 triệu USD. Trong đó có một số dự án như:

– 15 triệu xây dựng trường RMIT tại Hà Nội.

– 1999-2005: Hàng trăm học bổng cho sinh viên Việt nam học Thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường Đại học Queensland (UQ).

– 11 các tổ chức tại Úc đã nhận được 68 triệu USD của Atlantic để làm việc tại Việt Nam.

– 2005–2016: 51,4 triệu cho xây dựng, cải tạo, trang thiết bị, đào đạo cán bộ và nâng cấp các trạm xá xã trong 8 tỉnh: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Thái Nguyên, Cà Mau, Đăk Lăk và Yên Bái.

– 2004–2006: 45 triệu nâng cấp và hỗ trợ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng.

– 2005–2014: 4 triệu xây dựng năng lực chăm sóc chữa trị về mắt tại 8 tỉnh trọng điểm.

– 2006: 4 triệu xây dựng và trang bị Khoa Mắt và Trung tâm Huấn luyện tại Bệnh viện Trung ương Huế.

– 2009–2012: 2 triệu củng cố năng lực đào tạo cho Viện Mắt Trung ương.

– 2009: 1 triệu cho Trung tâm Cộng đồng Huấn luyện Chăm sóc Mắt tại Bệnh viện Mắt TP. HCM.

– Những món hiến tặng cuối cùng ($2,5 triệu cho Sở Y tế Yên Bái; $1 triệu cho Đại học Y tế Công cộng).

Vào tối 19/9, Phan Thanh Tùng – một trong hàng trăm người Việt Nam được nhận học bổng du học Úc từ tỷ phú Chuck Feeney, nhớ lại buổi gặp mặt đặc biệt cách đây 15 năm chia sẻ với báo Tuổi Trẻ về người tỷ phú vĩ đại: “Cuộc gặp gỡ hôm ấy đã cho tôi cái nhìn khác về mục đích của đồng tiền kiếm ra. Trong đầu tôi nảy ra hàng loạt câu hỏi: Chuck Feeney là ai? Tại sao ông ấy lại cho những người xa lạ như tôi một số tiền lớn như vậy để ăn học?…”

Ảnh chụp màn hình hiển thị trên VietNambusinessinside.

Khi Tùng và các du học sinh Việt Nam khác ở Đại học Queensland đang tất bật chuẩn bị cho một bữa tiệc tất niên nhỏ, một người đàn ông tóc trắng, áo khoác ngả màu bước vào. “Đây là tỷ phú Chuck Feeney, người đã cho các bạn học bổng này”, người đàn ông trẻ hơn đi cùng lên tiếng giới thiệu.

Đó là lần đầu tiên Tùng nghe tới cái tên này và cũng là lần đầu anh biết số tiền 56.000 USD mà anh nhận được đến từ một người xa lạ cách anh nửa vòng trái đất. “Chuyến thăm bất ngờ hôm đó chỉ có đúng hai người, tỷ phú Feeney và người cộng sự. Ông ấy dường như không thích rình rang, không truyền thông tung hô gì cả, chỉ lặng lẽ vào trường thăm chúng tôi, bắt tay hỏi han từng người rồi về”, Tùng nhớ lại.

Cuộc gặp đó đã đi theo anh Tùng ở cuộc đời kiếm tiền sau này. Rồi đến lúc anh quyết định mở một quán bún chả với suy nghĩ đây cũng là một cách tạo công ăn việc làm cho cộng đồng. Khi mọi việc dần đi vào ổn định, Tùng bắt đầu tiếp nhận một số nhân viên đặc biệt: những người câm điếc.

Tùng tâm sự: “Tỷ phú Feeney có ảnh hưởng rất lớn đến cách tôi nhìn đồng tiền kiếm ra được và cách dạy con cái quý trọng tiền bạc. Nếu không có ông ấy, có lẽ tôi sẽ chẳng đủ tiền để theo đuổi việc học ở Úc, nên khi nghe quỹ từ thiện đóng cửa tôi có chút hụt hẫng giống như đang mất đi một thứ gì đó”.

Anh hy vọng các cựu du học sinh đã từng nhận học bổng của tỷ phú Feeney có thể chung tay lập một quỹ thiện nguyện dù không lớn lao nhưng cũng mang hơi hướng và triết lý “Cho đi khi còn sống” của Chuck Feeney.