Văn hoá – Giải trí 24h: Câu chuyện Huấn ‘Hoa Hồng’ lên mạng bán sách dạy làm giàu, Trung Quốc phát ca khúc về Biển Đông là những sự kiện đang được nhiều người theo dõi 24 giờ qua.

Huấn ‘Hoa Hồng’ – giang hồ mạng rao bán sách dạy làm giàu

Tối ngày 20/4, trang Fanpage Facebook có tới hơn 800 nghìn người theo dõi của Huấn ‘Hoa Hồng’ livestream giới thiệu về 2 “cuốn sách” do chính Huấn viết mang tên Bí kíp kinh doanh online và Đệ nhất kiếm tiền. Bìa “cuốn sách” có in hình của Huấn trong bộ đồ bảnh bao và đề bên dưới tên Nhà xuất bản SG.

Cho đến tối ngày 27/4, livestream này đã thu hút tới 41 ngàn lượt tương tác, 55 ngàn lượt bình luận cùng 5,1 ngàn lượt chia sẻ và gần 500 ngàn lượt xem.

Trong các bài đăng trên trang Fanpage, Huấn ‘Hoa Hồng’ quảng bá về “bộ sách” dạy làm giàu bằng cách kinh doanh, bán hàng qua mạng cũng như trong livestream. “Tác giả” cho biết “bộ sách” có giá 799.000 đồng. Huấn Hoa Hồng khẳng định “cuốn sách” được viết “cẩn thận, tỉ mỉ” tới cả việc hướng dẫn tư thế ngồi livestream thế nào, và hứa “tất cả những bí quyết kinh doanh thành công trên Facebook” của nhân vật này đều được chia sẻ hết trong “bộ sách”.

Huấn Hoa hồng - giang hồ mạng rao bán sách dạy làm giàu
Ảnh chụp màn hình Facebook Huấn Hoa Hồng.

Về vấn đề này, sáng ngày 27/4, trả lời với phóng viên báo Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông) nói đã biết sự việc này và cho rằng có thể hai “cuốn sách” của Huấn Hoa Hồng không phải xuất bản phẩm.

Theo vị lãnh đạo này, trên thực tế hoàn toàn không có nhà xuất bản nào được cấp phép có tên là Nhà xuất bản SG được in trên cuốn sách của Huấn.

Vì vậy, việc Huấn Hoa Hồng quảng bá bán trên Facebook là “một dạng đưa thông tin lên mạng”, đưa bản thảo lên mạng để khai thác kinh doanh. Do đó, thẩm quyền xử lý vụ việc là Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông).

Tranh luận khi đề xuất dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý

Ngày 20/2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử.

Theo thuyết minh của TAND tối cao trên báo Tuổi Trẻ Online, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” – Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Tranh luận khi đề xuất dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý
Ảnh: TAND tối cao.

Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao là 5,3m. Có 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án.

  • Mẫu số 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo.
  • Mẫu số 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị.
  • Mẫu số 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý.

Đã có rất nhiều ý kiến góp ý đối với việc dựng biểu tượng công lý của ngành tòa án. Tuy nhiên, theo báo Tuổi Trẻ, ý kiến phản đối lại nhiều hơn đồng tình. Một số chuyên gia còn thẳng thắn cho rằng việc TAND tối cao tự ý lựa chọn biểu tượng công lý là tùy tiện, “thừa giấy vẽ voi”…

Theo một cán bộ ngành tòa án, nhìn tổng thể thì cả ba mẫu đều có nhược điểm rất trầm trọng là giống tượng Lý Thái Tổ, tính chất sao chép rõ ràng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến độc giả sau khi đọc bài viết của Tuổi Trẻ Online đã chia sẻ:

Duy Sơn: “Tôi thấy không cần đặt tượng để biểu tượng cho cán cân công lý. Hoàn thiện hệ thống toà án xét xử đúng người đúng tội không oan sai là điều xã hội mong muốn”.

Quang Duy: “Việt Nam hiện có tổng cộng 707 đơn vị cấp huyện, gồm: 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 49 quận và 529 huyện, thêm 63 tòa án cấp tỉnh, 3 tòa cấp cao và tòa tối cao nữa là khoảng 774 tòa án. Xây dựng 774 tượng là quá lãng phí. Chưa kể bộ luật Hình thư chỉ chuyên về Hình sự, trong khi luật Hồng Đức thời Lê mới là bộ luật chung nhất các lĩnh vực”.

Vợ chồng Ông Cao Thắng – Đông Nhi ủng hộ 250 triệu đồng chống dịch

Mới đây, đại diện truyền thông của Đông Nhi – Ông Cao Thắng đã xác nhận thông tin với phóng viên báo Zing rằng, khi tham gia một đêm nhạc trực tuyến cùng đông đảo nghệ sĩ nổi tiếng nhằm quyên góp chống dịch Covid-19, vợ chồng Ông Cao Thắng – Đông Nhi ủng hộ 250 triệu đồng cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để gửi đến các y, bác sĩ và các cán bộ đang trực tiếp tham gia chống dịch tuyến đầu.

Vợ chồng Ông Cao Thắng - Đông Nhi ủng hộ 250 triệu đồng chống dịch
Ảnh Facebook Đông Nhi.

Bên cạnh đó trong chương trình, cặp vợ chồng biểu diễn ca khúc Ngày đôi ta là của nhau. Đây là bài hát có giai điệu, ca từ ngọt ngào được cặp đôi phát hành vào thời điểm họ tổ chức hôn lễ.

Đông Nhi cũng thể hiện thêm bài hát Vì em quá yêu anh.

Diễn viên Minh Luân phát 4,5 tấn gạo cho người dân miền Tây

Mới đây trên trang Facebook Minh Luân có đăng tải những khoảnh khắc ấm lòng khi đi phát gạo trong 4 ngày ở miền Tây.

“Kết thúc hành trình 4 ngày phát gạo ở miền Tây… Với 4,5 tấn gạo và 150 thùng mì đã đến tay người khó khăn, người cần được tất cả mọi người, quan tâm, giúp đỡ…

Tuy không nhiều giá trị về vật chất, nhưng tấm lòng luôn mong muốn những người nghèo, bán vé số bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ phần nào giảm được khó khăn trước mắt ! Của ít lòng nhiều, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát…”.

Diễn viên Minh Luân phát 4,5 tấn gạo cho người dân miền Tây
Ảnh chụp màn hình Facebook Minh Luân Pham.

Trong thời gian nghỉ tránh dịch Covid-19, Minh Luân trở về nhà, cải tạo khu vườn rộng hàng nghìn m2 của gia đình ở Đồng Tháp. Anh làm các việc như đào ao thả cá, trồng cây ăn quả.

Bài hát chống dịch Covid-19 của Trung Quốc bị dân Philippines bóc trần

Bài hát có tên Iisang Dagat (tạm dịch: Một Biển), mới đây được đại sứ quán Trung Quốc tại Manila phát hành rộng rãi trên mạng xã hội, đã khiến người dân Philippines rất không hài lòng.

“Vì tình yêu của bạn chảy như ngọn sóng; Tay trong tay, chúng ta tiến tới một tương lai tươi sáng; Bạn và tôi chúng ta cùng chung một biển; Bàn tay của bạn tôi sẽ không bao giờ buông”. Đó là những ca từ trong đoạn video dài gần 4 phút được Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines phát đi trên tất cả mạng xã hội cơ quan này có tài khoản.

Bài hát chống dịch Covid-19 của Trung Quốc bị dân Philippines bóc trần
Ảnh: SCMP.

“Không có cái gì gọi là ‘một biển’ ở đây cả”, một người dùng bình luận dưới video bài hát. Nhiều người khác cũng bình luận tương tự, nhắc đến chuyện tranh chấp giữa hai nước trên một phần Biển Đông.

“Sao không chọn tên là ‘một thế giới’, ‘một cuộc chiến’ hay ‘một mục tiêu’ mà cứ phải là ‘một biển’? Cái tên này rõ ràng không phù hợp”, Rufino Biazon – Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Philippines, đăng trên Twitter.

Tính đến trưa ngày 25/4 theo giờ địa phương, MV “Một Biển” của đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được hơn 45.000 lượt dislike trên Youtube. Ca sĩ người Philippines gốc Hoa Johnvid Bangayan cũng hứng vô vàn chỉ trích từ người dân Philippines, vì cho rằng người này nhận tiền để tuyên truyền cho yêu sách của Trung Quốc.

Kingdom thu hút khán giả Việt Nam trong thời Covid-19

Trong thời Covid-19, Kingdom (Vương triều xác sống) là một trong những series thu hút khán giả Việt Nam.

Ra mắt mùa hai từ tháng 3, phim vào top 10 được quan tâm trên Netflix trong hơn một tháng. Giới phê bình Âu Mỹ khen phim với 93% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, trong đó nhiều người nói series cùng Parasite minh chứng cho tiến bộ của làng phim Hàn Quốc.

Kingdom là một trong những series thu hút khán giả Việt Nam trong thời Covid-19
Ảnh: Netflix.

Nội dung Kingdom được dựa trên bộ webcomic The Kingdom of the Gods của tác giả Kim Eun-hee – người cũng đảm nhận vị trí biên kịch. Trước năm 2016, bà Kim từng nhiều lần bị từ chối khi muốn chuyển thể truyện thành phim truyền hình, do các nhà sản xuất e ngại sự bạo lực, máu me của dòng phim zombie.

Câu chuyện phim diễn ra vào triều đại Joseon, mở đầu với việc thái tử Lee Chang cùng cận vệ thân tín Mu-Yeong rời kinh đô Hanyang để điều tra bí ẩn về bệnh tình của hoàng thượng. Nhân cơ hội này, lãnh tướng nham hiểm Cho Hak-ju và con gái là vương hậu Cho tìm cách phế truất thái tử.

Trên đường đi tìm chân tướng về vua cha, Lee Chang bất ngờ đương đầu với sự bùng phát của một dịch bệnh quái ác biến con người thành những thây ma khát máu hung hãn, gieo rắc mầm bệnh qua vết cắn. Với sự trợ giúp của nữ y sĩ Seo-bi và thợ săn bí ẩn Yeong-shin, thái tử vừa tìm cách ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, vừa đương đầu những mưu ma chước quỷ của Cho Hak-ju.

Bộ phim được đánh giá lôi cuốn bởi thông điệp không bao giờ cũ: Những kẻ có quyền lực, ăn sung mặc sướng trong khi bách tính đang lầm than vì dịch bệnh đều chuốc lấy kết cục bi thảm. Trong một bộ phim đề tài quái vật, kẻ đáng sợ nhất không phải zombie mà là con người với sự ích kỷ, vô cảm trước đồng loại cùng lòng tham không đáy. 

Cha con Jennifer Aniston hòa thuận lại nhờ… Covid-19

Ngôi sao trong phim Friends – nữ diễn viên Jennifer Aniston đã tha thứ cho cha, John Aniston (86 tuổi), dù ông rời đi không lời từ biệt lúc cô còn bé.

Một nguồn tin thân cận của ông John Aniston nói với tờ Daily Mail (Anh) rằng mối quan hệ giữa hai cha con Jennifer Aniston trước đây không thân thiết. Số là ông John đã bỏ mẹ con cô khi nữ diễn viên mới 10 tuổi.

Nữ diễn viên cùng cha khi bé và hiện tại (ảnh: Getty Images).

“Jennifer Aniston không nói chuyện với cha mình từ lâu nhưng kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19, cô đã nghe điện thoại của ông gần như mỗi ngày. Đó không chỉ là những cuộc trò chuyện ngắn gọn. Có vẻ như cô ấy đã nhận ra cuộc sống rất ngắn ngủi và muốn mối quan hệ của mình với cha tốt nhất có thể. Ông ấy vui mừng vì họ đã hòa giải”.

Bản tin Giải trí 24h ngày 27/4 xin tạm dựng tại đây. Tin 360 xin kính chào và hẹn gặp lại quý độc giả trong các bản tin tiếp theo!