Sáng nay (ngày 3/4) giá vàng trong nước bật tăng, mức chênh gần 300.000 đồng/lượng so với phiên giao dịch hôm qua. Tín hiệu đi lên của giá vàng khiến nhiều người đầu tư băn khoăn đây đã là thời điểm thích hợp để “lướt sóng”.

Mở phiên hôm nay, các doanh nghiệp trong nước đã điều chỉnh giá vàng miếng tăng 200.000-300.000 đồng/lượng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 150.000 đồng/lượng với giao dịch vàng miếng, mức mua vào – bán ra khoảng 47,2 – 48,3 triệu đồng/lượng. Tỷ giá này được giữ ổn định đến tận trưa nay. Theo tổng kết của báo Zing, đây cũng là vùng giá cao nhất của vàng SJC kể từ tháng 3 đến nay.

Giá vàng SJC niêm yết sáng nay.

Cùng thời điểm, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI điều chỉnh tăng 300.000 đồng mỗi lượng vàng ở cả hai chiều mua và bán, với mức mua vào – bán ra lần lượt là 46,8 – 47,8 triệu/lượng. Dù là doanh nghiệp tăng mạnh nhất sáng nay nhưng giá DOJI đưa ra cho cả chiều mua và bán vẫn thấp nhất thị trường. Mức chênh mua vào bán ra lớn nhất hôm nay thuộc về PNJ, khi người mua vàng tại đây, nếu bán ra lập tức chịu khoản lỗ 1,3 triệu mỗi lượng giao dịch, tương đương 2,7% giá mua.

Giá vàng trong nước tăng theo biến động của vàng thế giới. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, vàng bật tăng trong bối cảnh số lượng người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng mạnh. Số liệu mới công bố cho thấy số lượng người nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu tăng 6,6 triệu người trong tuần gần nhất, mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Cùng với đó, cổ phiếu giảm mạnh khiến giới đầu tư chuyển sang tích trữ vào vàng như một kênh dự trữ an toàn trong bối cảnh kinh tế đầy ảm đạm.

Có nên “lướt sóng” vàng”?

Đặt ra câu hỏi: Giá vàng trong nước quay đầu tăng vọt, có nên mua vào; tác giả Khương Duy trên báo Lao Động cho rằng, nhiều đơn vị kinh doanh hiện vẫn điều chỉnh chênh lệch mua vào – bán ra ở mức cao khiến người mua khó có khả năng lãi hoặc hòa vốn.

Cũng với câu hỏi tương tự, trong bài “Mua vàng, nên chờ giá tốt” đăng trên Báo Đầu tư sáng ¾, ông Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol (Anh)) chỉ ra: Trong bối cảnh hiện tại, vàng không phải chỉ có một chiều đi lên. Việc giới đầu tư cổ phiếu và những công cụ rủi ro hơn giữ vàng trong tài khoản có thể tiềm ẩn rủi ro vàng giảm giá mạnh. Đó là khi cổ phiếu mất giá, nhiều nhà đầu tư muốn tiếp tục giữ tài khoản, phải đóng thêm tiền ký quỹ (margin) hoặc để bù lỗ tất toán hợp đồng, thì họ sẽ phải chọn cách bán các tài sản khác. Vàng là một trong số đó.

Bên cạnh đó, diễn biến giá vàng trong nước hiện tại không theo sát diễn biến giá quốc tế do nhiều can thiệp của Chính phủ từ mấy năm nay để tách biệt thị trường vàng khỏi hoạt động vay mượn, đầu cơ và gần như thuần túy là một thị trường mua bán vàng vật chất. Sự chênh lệch lớn của giá mua và giá bán vàng hiện tại cũng tạo ra nhiều rủi ro cho người muốn “lướt sóng” vàng.

“Nói cách khác, giá vàng sẽ vẫn còn nhiều biến động mạnh, rủi ro cao, không hề thấp hơn cổ phiếu nếu muốn mua đi bán lại trong ngắn hạn. Nhưng nó sẽ là một điểm đến tốt cho người muốn bảo toàn tài sản và sức mua đồng tiền của mình trong vòng 12 đến 18 tháng đầy bất ổn sắp tới. Nếu có tầm nhìn dài hạn như vậy thì không cần phải mua vàng ở bất cứ mức giá nào. Hãy đợi một đợt giảm giá mạnh của vàng rồi mua vào. Với tình thế biến động mạnh của giá vàng như hiện tại, cơ hội đó sẽ đến không chỉ một lần”, ông Tuấn kết luận.