Không chỉ ở Việt Nam, mà trên khắp thế giới, rất nhiều người đã tiêm đầy đủ vắc xin nhưng vẫn mắc Covid-19. Lý giải về hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng tình trạng này do nhiều yếu tố kết hợp lại.

Yếu tố nổi bật nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Biến thể này khả năng lây lan nhanh chóng, nó xuất hiện tại nhiều quốc gia vào đúng mùa du lịch, nghỉ lễ ở nhiều nơi.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 11 năm 2021. Hiện nó đã lan tới hơn 100 quốc gia.

Các nhà khoa học cho biết, biến thể này đáng lo ngại vì nó có chứa hơn 50 đột biến; trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai. Cấu trúc này có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.

Omicron hiện là biến chủng phổ biến ở nhiều quốc gia. Ví dụ tại Mỹ, biến thể này đã khiến sô ca nhiễm mới tăng cao kỉ lục. Hơn 1 triệu người ở Mỹ được xác định là nhiễm Covid-19 vào ngày 3/1, tăng gần gấp đôi kỷ lục 4 ngày trước là 590.000 ca. Tại một số khu vực của Mỹ, 90% ca bệnh mới là do biến thể Omicron.

Ông Louis Mansky, nhà nghiên cứu virus tại Đại học Minnesota (Mỹ), cho biết nhiều người có thể nhầm tưởng vắc xin sẽ ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm. Tuy nhiên, vắc xin thực chất chủ yếu chỉ là ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng. Như vậy tiêm đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm. Hơn nữa, hiệu quả của vắc xin suy giảm trong vài tháng.

Một số nhà khoa học cho rằng tiêm chủng vẫn đang phát huy tác dụng trong việc ngăn ngừa diễn biến nặng. Một số nước đang xem xét tiêm tăng cường mũi thứ 4.

Ngược lại, một số nhà khoa học cảnh báo rằng việc tiêm tăng cường liên tiếp như vậy là điều chưa từng có; các nhà sản xuất vắc xin cũng chưa có thời gian xem xét kĩ lưỡng điều đó sẽ có ảnh hưởng đối với cơ thể như thế nào. Vì vậy, các nhà khoa học này khuyến cáo cảnh giác về việc tiêm các mũi tăng cường.

Trong khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng, một số thông tin cho rằng biến thể này gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn so với Delta. Một số người hi vọng Omicron có thể là sự mở đầu cho cuộc kết thúc của dịch bệnh. Nghĩa là, việc Omicron lây lan rộng, có thể khiến nhiều người nhiễm ở dạng nhẹ. Sau khi những người này phục hồi, họ có khả năng miễn dịch cao hơn so với việc tiêm phòng. Như vậy đó có thể là tín hiệu lạc quan cho việc kết thúc dịch bệnh.

Dù thế nào, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng khẩu trang, tránh tụ tập đông người, tiêm phòng và tiêm tăng cường. Mặc dù các mũi tiêm không đảm bảo tránh được nhiễm bệnh, nhưng người nhiễm có khả năng sẽ bị nhẹ hơn và làm giảm nguy cơ chuyển biến nặng hơn.