Video kêu gọi tiêm phòng Covid khiến người Úc nổi giận
Một chiến dịch kêu gọi tiêm phòng Covid-19 của chính phủ liên bang Úc đã khiến công chúng nổi giận, phản đối. Vì sao người dân Úc tức giận với video này?
Chiến dịch mang tên “Arm Yourself” (tạm dịch: Hãy trang bị cho bản thân) tiêu tốn 41 triệu đô la Úc (khoảng 702 tỷ Việt Nam đồng). Thông qua chiến dịch này, chính phủ liên bang kêu gọi người Úc đi tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19.
Theo The Epoch Times, đoạn phim quảng cáo dài 30 giây, được phát sóng trên kênh truyền hình Sydney vào Chủ nhật (11/7). Trong phim có hình ảnh một phụ nữ trẻ dường như là bệnh nhân Covid-19. Cô gái nằm trên giường bệnh, hoảng sợ và khó thở. Máy đo nhịp tim của cô kêu bíp bíp. Sau đó, video hiện lên thông điệp: “Covid-19 có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Hãy ở nhà. Hãy xét nghiệm. Hãy đăng ký tiêm chủng.”
Đoạn video này đã khiến nhiều người Australia tức giận.
Nội dung chính
Video thiếu tế nhị
“Quảng cáo này nên được gỡ bỏ ngay lập tức”, giáo sư trợ giảng Bill Bowtell viết trong một bài đăng trên Twitter.
Ông cho biết ở Sydney cũng có một cô gái trẻ nhiễm Covid phải dùng máy thở. Cô cũng trạc tuổi với nhân vật trong video quảng cáo.
“Quảng cáo thiếu tế nhị này chỉ làm gia đình và bạn bè cô ấy thêm căng thẳng. Nó bị nhận thức sai về mọi mặt”, ông cho biết.
This ad should be immediately taken off air. Today in Sydney a young girl with Covid – about the same age as the actor in the ad – is on a ventilator fighting for her life. This insensitive ad can only distress her family and friends. It is misconceived in every way. @JoshButler https://t.co/9FfT9jJNDH
— Bill Bowtell AO (@billbowtell) July 11, 2021
Ông Bowtell là một nhà tư vấn sức khỏe chiến lược tại Đại học NSW và từng làm việc trong một chiến dịch nổi tiếng chống HIV / AIDS năm 1987 ở Úc.
Video không phản ánh đúng thực tế
Các nhân viên y tế làm việc với bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng cho biết những hình ảnh trong video hiển thị không chính xác cách bệnh nhân được điều trị trong ICU.
Trong một bài đăng khác trên Twitter, tiến sĩ Sonia Fullerton, một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ có trụ sở tại Melbourne, cho biết ICU và các đồng nghiệp của cô sẽ không để ai đó bị như vậy.
Video có diễn viên trẻ, nhưng chưa có vắc xin phù hợp cho người trẻ tuổi
Một số ý kiến bình luận về việc chính phủ có nên tác động vào quyền quyết định của người dân về việc có tiêm phòng Covid-19 hay không; trong khi hiện nay vẫn có những quan ngại về tình trạng xuất hiện các cục máu đông sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca của Anh.
Một loại vắc xin khác được lựa chọn cho tiêm chủng là vắc xin Pfizer của Mỹ. Nhưng hầu hết những người dưới 40 tuổi chưa đủ điều kiện sử dụng loại vắc xin Pfizer. Dù vậy, chính phủ Úc lại đăng quảng cáo kêu gọi người dân đi tiêm với nhân vật quảng cáo là người trẻ tuổi. Điều đó thu hút sự chỉ trích từ công chúng.
Người bình luận như vậy là Jill Stark, một cựu nhà văn cấp cao của The Sunday Age. Cô viết trên Twitter rằng cô rất buồn vì quảng cáo này sử dụng một người trẻ tuổi chưa thể tiêm chủng theo khuyến nghị của chính phủ.
“Thật là lộn xộn. Tại sao người ta lại sử dụng một người trẻ tuổi trong quảng cáo đáng sợ của mình để cảnh báo rằng họ có thể sẽ bị bệnh nặng vì COVID; trong khi những người trẻ tuổi hiện nay không thể tiêm chủng vì chính phủ hết sức vụng về trong việc triển khai vắc xin?”, Stark viết.
Video không giải thích được vì sao nên tiêm chủng
Huấn luyện viên, doanh nhân Siimon Reynolds nói với Financial Review rằng quảng cáo trên chỉ đưa ra lời kêu gọi “hãy tiêm phòng”; nhưng lại không đưa ra lý do tại sao mọi người nên làm như vậy.
“Quảng cáo không giải đáp được bất kỳ nguyên nhân nào khiến nhiều người Úc không muốn tiêm chủng”, ông nói.
Quan chức y tế lên tiếng bảo vệ video quảng cáo tiêm chủng
Giám đốc Y tế liên bang Paul Kelly đã đứng ra bảo vệ video quảng cáo tiêm chủng. Ông giải thích rằng video khơi gợi nỗi sợ hãi nhằm mục đích gây sốc cho mọi người, khiến họ đi tiêm vắc xin.
“Chúng tôi làm điều này vì tình hình ở Sydney”, ông nói.
Người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm vắc xin, Trung tướng John Frewen đồng ý. Ông thừa nhận quảng cáo này là “hung hăng và đối đầu”. Nhưng ông cho biết mục đích là để “giúp mọi người hiểu được những hậu quả rất nghiêm trọng của COVID và mang lại cảm giác khẩn cấp” đối với các lệnh tiêm chủng và điều trị tại nhà.
Chính phủ của Thủ tướng Úc Morrison bị chỉ trích về nguồn cung vắc xin thấp. Ông cam kết sẽ có thêm vắc xin Pfizer và Moderna từ nước ngoài trong những tháng tới.