Bé trai nằm trên ghế vừa lắc lư vừa ăn kẹo, bất ngờ viên kẹo rơi mắc vào cổ họng khiến bé giãy giụa…

Theo nội dung video đăng tải trên trang Giao thông Quốc gia, bé trai khoảng 3-4 tuổi đang nằm chơi trên ghế. Nhưng do vừa nằm ăn kẹo vừa lắc lư chiếc ghế nên vô tình bé bị hóc kẹo. Trong giây lát, bé trai bỗng dưng giãy giụa, chân đạp loạn xạ, tay đưa lên đầu tỏ vẻ rất khó chịu. Sau đó cậu bé đứng dậy, cố tìm cách để đưa chiếc kẹo ra nhưng không được, chỉ ú ớ, mặt mũi tím tái.

Ngay lúc đó, có lẽ do nghe thấy tiếng kêu của con trai, người bố đã kịp thời xuất hiện, tiến hành sơ cứu, bế dốc ngược bé lên để viên kẹo rơi ra ngoài, cứu con trai một phen thoát nạn.

Mời quý độc giả xem video:

Tình huống trên cũng lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh có con nhỏ, nên hạn chế cho con ăn những loại kẹo cứng dạng viên nhỏ, trái cây nhỏ có hạt như (nhãn, vải, mận) hay đồ chơi có hình dạng tương tự, tránh trường hợp bé nuốt phải dị vật gây nguy hiểm.

Cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật

Dưới đây là một số cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị hóc dị vật được báo Nhịp Sống Việt đăng tải, cụ thể:

Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ không dùng tay móc họng trẻ. Điều này trong nhiều trường hợp sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, trầy xước họng gây sưng tấy, trẻ càng khó thở hơn.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, bố mẹ cần phải tiến hành thủ thuật Heimlich để can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới. Thủ thuật này được thực hiện như sau:

Đặt trẻ nằm sấp dọc theo cẳng tay, dùng gót của bàn tay thuận đập vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương vai) khoảng 5 lần liên tục. Lực đập cần chắc chắn.

Sau 5 lần đập lưng mà chưa thấy dị vật văng ra, đường thở chưa được thông, tiếp tục đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng an toàn, dùng 2 ngón tay giữa ấn thẳng 1 góc 90 độ vào giữa xương ức (xương to giữa ngực trẻ). Động tác này cũng thực hiện 5 lần.

Sau khi thực hiện sơ cứu như trên mà chưa loại bỏ được dị vật khỏi đường thở của trẻ, cần tiếp tục lặp lại các động tác sơ cứu trên trong khi chờ xe cấp cứu đến.