Việt Nam nói gì khi Mỹ bác ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc ở Biển Đông?
Sau khi Mỹ công bố báo cáo bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về việc này.
Báo Vnexpress đưa tin, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao đưa ra tuyên bố trong bản thông cáo ngày 14/1.
Cụ thể, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam về báo cáo của Mỹ, bà Hằng cho biết: “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo số 150 về các ranh giới biển”.
Bà Hằng nhắc lại quan điểm nhất quán và rõ ràng của Việt Nam về tranh chấp Biển Đông là “luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”.
Báo cáo của Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học (thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) cũng đề cập đến UNCLOS và khẳng định yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là vi phạm Công ước này.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã “tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp” và đòi hỏi quyền “tài phán độc quyền đối với hầu hết Biển Đông”.
“Vì lý do đó, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách này nhằm ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới.”
Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm 47 trang. Đây là bản cập nhật của một bài nghiên cứu tiến hành từ năm 2014, trong đó phía Mỹ bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt các hoạt động phi pháp và cưỡng chế trên Biển Đông”.
“Đường 9 đoạn” của Trung Quốc là những nét vẽ mà Bắc Kinh đơn phương đòi hỏi chủ quyền vô lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tiếp bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam để biến chúng thành các tiền đồn quân sự trên biển.
Báo cáo của Mỹ được đưa ra trong khi Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ kể từ thời Tổng thống Donald Trump đã thiết lập một lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông vượt xa các chính quyền tiền nhiệm. Vài ngày trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Trump đã ra lệnh trừng phạt các tổ chức thúc đẩy yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.