Phân Viện Khoa học Hình sự từ chối thực hiện giám định tổn thương cơ thể bé V.A.; Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM không đề nghị truy tố Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, là cha ruột của bé V.A) về tội ‘giết người’.

Đã có kết luận điều tra bổ sung

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án bé gái N.T.V.A (8 tuổi, ngụ quận 1, quận Bình Thạnh) bị bạo hành đến chết. Hồ sơ kết luận đã được chuyển sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố hai bị can liên quan.

Trong đó, bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) bị đề nghị truy tố về tội “giết người” và “hành hạ người khác”.

Công an giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố Nguyễn Kim Trung Thái về tội “hành hạ người khác” và “che giấu tội phạm”.

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm trung tuần tháng 7 vừa qua, Toà Gia đình và Người chưa thành niên thuộc TAND TP.HCM đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bởi luật sư bảo vệ cho người bị hại đề nghị HĐXX xác định tỷ lệ thương tích của cháu V.A vào các ngày 7, 10, và 12/12/2021, nhằm xem xét xử lý các bị cáo hành vi “cố ý gây thương tích”. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét và xác định Thái đồng phạm tội danh “giết người” với bị cáo Trang.

Các luật sư cũng kiến nghị thay đổi thẩm quyền xét xử sang toà hình sự.

Đến nay, khi công an đưa kết luận điều tra bổ sung, những yêu cầu của luật sư được giải quyết với kết luận: Không truy tố bị can Thái về tội “giết người”; không chuyển vụ việc sang tòa hình sự.

Với yêu cầu giám định lại thương tích của bé V. A., ngày 7/9, Phân Viện Khoa học Hình sự đã trả lời từ chối thực hiện yêu cầu này. Lý do Phân Viện đưa ra là hồ sơ bệnh án của bé V.A. tại bệnh viện không thể hiện các thương tích bị gây ra vào các ngày trên.

Thực trạng tiếp dân nơi công quyền

Ông Dương Thanh Bình – Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, tiếp dân tại các cơ quan công quyền theo kiểu né tránh, đùn đẩy, thiếu công tâm… đã khiến nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp.

“Tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp. Người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó tiếp dân định kỳ” – ông Bình nói. Có nơi còn bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thừa nhận có tình trạng “ngại”, “trốn tránh” tiếp dân.

“Lịch tiếp công dân công khai nhưng ở ngoài bảo vệ gác thì ai đến được…”, ông Định nói.

Tổng cục Thuế bốc thăm

Việc bốc thăm nhằm chọn ra 71 cán bộ, trong đó 25 người cấp trưởng phòng và chi cục trưởng chi cục thuế để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, theo một thông báo từ Tổng cục Thuế.

Theo VnExpress, trước Tổng cục Thuế, Đà Nẵng đã bốc thăm để xác minh tài sản của ba người của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hai người của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Tổng hợp.

Bộ Tài chính đề xuất nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày

Quan điểm của Bộ Tài chính là chọn phương án nghỉ Tết từ 30 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng.

Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án nghỉ Tết. Ngoài phương án nghỉ 9 ngày nêu trên, còn phương án nghỉ 7 ngày.

Hiện các Bộ Nội vụ, Giao thông Vận tải nghiêng về phương án nghỉ 7 ngày. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án mới – nghỉ 8 ngày (từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng, làm bù thứ bảy).

Mỹ xem xét trừng phạt Trung Quốc

Giới chức Mỹ đang xem xét đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc để ngăn chặn nước này xâm lược Đài Loan, theo các nguồn tin thông thạo về vấn đề này. Straits Times cho biết, các cuộc vận động hành lang riêng biệt của Washington và Đài Bắc đối với các phái viên EU đã gia tăng khi tình hình eo biển Đài Loan ngày càng trở nên căng thẳng.

Các nguồn tin không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về các phương án đang được xem xét. Nhưng ý tưởng trừng phạt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một trong những mắt xích lớn nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu đã đặt ra nghi vấn về tính khả thi.

Nazak Nikakhtar, cựu quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc là một cuộc tập trận phức tạp hơn nhiều so với các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh vướng vào nền kinh tế Trung Quốc”.

Philippines tăng cường phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

Chỉ trong hơn 70 ngày dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Philippines đã có 52 động thái phản đối Bắc Kinh về Biển Đông. Theo Bloomberg, điều này báo hiệu sự phản đối từ chính phủ mới trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Teresita Daza, cho biết trong một thông điệp qua điện thoại hôm 13/9 rằng nước này đã đưa ra các phản đối ngoại giao do Trung Quốc “xâm nhập” và “hiện diện bất hợp pháp” ở Biển Đông, bao gồm cả việc tiến hành nghiên cứu khoa học hàng hải.