Nga rút lui hoàn toàn khỏi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Quân đội Nga đã quyết định rút lui toàn bộ lực lượng khỏi nhà máy điện Chernobyl của Ukraine, sau khi các binh sĩ bị nhiễm phóng xạ vì đào chiến hào.
“Không còn bất kỳ người ngoài nào trên lãnh thổ của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl”, Energoatom, cơ quan giám sát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, cho biết trên Facebook.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (IAEA) cũng xác nhận rằng họ đã nhận được thông báo từ Ukraine rằng các lực lượng Nga đã trao lại quyền kiểm soát nhà máy điện cho Ukraine và “các đoàn quân đã di chuyển”.
#Ukraine informed IAEA today that Russian forces that had been in control of #Chornobyl Nuclear Power Plant since 24 Feb have, in writing, transferred control of the NPP to Ukrainian personnel and moved convoys of troops. https://t.co/DkBXEJpDu8 pic.twitter.com/guITblxwXP
— IAEA – International Atomic Energy Agency (@iaeaorg) March 31, 2022
Binh lính Nga bị nhiễm phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Al Jazeera đưa tin, Energoatom cho biết các binh sĩ Nga đã bị nhiễm phóng xạ với “liều lượng đáng kể” khi họ đào các chiến hào tại khu vực này.
Các binh sĩ “hoảng sợ khi thấy dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật”; nó “xuất hiện rất nhanh”. Sau đó, họ bắt đầu chuẩn bị rời đi, theo Energoatom.
Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy Chernobyl đã bị nổ, gây ra thảm họa rò rỉ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Sự cố Chernobyl khiến ít nhất 32 người thiệt mạng; và khoảng 11.000 người bị ung thư tuyến giáp, khả năng là do bị nhiễm phóng xạ từ sự cố này.
Sau đó, lò phản ứng số 4 đã được bao bọc bằng một lớp bê tông dày và một khu đất lớn để ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ.
Các binh sĩ Nga đã đào bới khu đất để thành lập các chiến hào. Đây có thể là nguyên nhân khiến họ bị phơi nhiễm phóng xạ.
Bước thụt lùi của Nga tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Quân đội Nga đã tấn công và giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24/2/2022.
Lý do Nga muốn kiểm soát một nhà máy không còn hoạt động như Chernobyl là vì vị trí chiến lược của nó, theo nhận định của giới quan sát.
Khi chiếm được Chernobyl, Nga sẽ giành được lối tấn công nhanh nhất từ Belarus (đồng minh của Nga) tới thủ đô Kiev của Ukraine.
Việc rút quân khỏi nhà máy Chernobyl được coi là một bước thụt lùi đáng kể của Nga. Giới phân tích đánh giá quân đội Nga đang thực thi rất tồi tệ ở Ukraine. Nhưng các cố vấn quân sự Nga quá sợ hãi, không dám nói sự thật này với Tổng thống Vladimir Putin.