Hà Nội: ‘Loạn giá’ giá thuốc Tamiflu bởi cúm A tăng cao bất thường
Bệnh cúm mùa trên địa bàn Hà Nội gia tăng bất thường vào giữa mùa hè khiến giá thuốc đặc trị Tamiflu tăng cao nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên tuỳ tiện sử dụng thuốc này.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Hà Nội, đến tháng 7/2022 đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm A. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá chủ yếu người dân mắc cúm thông thường, không có độc lực mạnh.
Với thuốc Tamiflu (thuốc chuyên điều trị cúm A), Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công khai giá trên website: Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên do năm nay cúm A diễn biến bất thường khi số ca mắc tăng vào mùa hè nên nhiều cửa hàng không có thuốc Tamiflu để bán, thị trường trở nên khan hiếm, giá dao động mạnh và tăng cao bất thường.
Giá thuốc Tamiflu biến động
Tháng 7/2022, chị Nga (người dân Hà Nội) có triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, đau người. Chị Nga nhận định mình mắc cúm và mua thuốc Tamiflu với giá 800.000 đồng/hộp/10 viên. Chị cho báo Tuổi Trẻ biết: “Trước đó, năm ngoái chị có mua thuốc với giá hơn 500.000 đồng/hộp”.
Tại một cửa hàng thuốc ở quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: “Cửa hàng thuốc mới nhập Tamiflu hôm qua. Bình thường mỗi hộp có giá hơn 400.000 đồng, nhưng nay nhập vào giá cao hơn nên bán ra cũng cao hơn. Nhiều người không có để mua, giá có khi lên đến 1 triệu đồng/hộp”.
Nhiều cửa hàng thuốc khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí tại cùng một cửa hàng giá còn thay đổi theo ngày, hôm qua giá thuốc là 580.000 đồng/hộp nhưng hôm nay đã lên 650.000 đồng/hộp.
Nhiều nơi, thuốc Tamiflu còn được quảng cáo là hàng “xách tay” cũng có giá bán lên tới 680.000-750.000 đồng/hộp.
Tamiflu là thuốc kê đơn, không được tuỳ ý sử dụng
Ngoài nguyên nhân do cúm A diễn biến bất thường, việc lạm dụng thuốc cũng khiến Tamiflu khan hiếm. Người dân nên có kiến thức phổ thông về bệnh cúm A để tránh tiền mất tật mang.
TS.BS Nguyễn Thành Nam – giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết việc sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh. Ngoài Tamiflu, bác sĩ còn dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị.
“Người bệnh bị viêm phổi siêu vi cấp tính do cúm mới cân nhắc dùng Tamiflu hoặc người có bệnh nền tiểu đường mắc cúm A, có khả năng diễn biến nặng hơn mới nên dùng Tamiflu.
Tamiflu không sử dụng đại trà do bệnh nhân mắc cúm đa số tự khỏi. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc, không dự trữ thuốc Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.
Trong khi 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Chính vì vậy các phụ huynh thường có tâm lý lo lắng và tự ý cho con dùng thuốc.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM) chia sẻ trên báo Phụ Nữ Mới: “Tamiflu chỉ có hàm lượng duy nhất dùng cho người lớn và rất khó dùng cho trẻ em. Chỉ điều dưỡng và bác sĩ mới biết cách chia liều sao cho đúng theo lứa tuổi.
Do đó nếu phụ huynh tự mua Tamiflu điều trị cho con, rất dễ dẫn đến quá liều hoặc thiếu liều. Tamiflu mà dùng không đúng liều, dễ gây kháng thuốc sẽ rất khó điều trị về sau”.
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu sử dụng cho trẻ. Thuốc này dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đã được Bệnh viện Nhi trung ương triển khai cho thấy, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ, kể từ lúc có triệu chứng sốt, thì không khác gì nhóm bệnh nhân không dùng.
Vấn đề quan trọng khi trẻ mắc cúm A là phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế tiếp xúc để tránh bội nhiễm. Bên cạnh đó, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm: