Vì sao ông Putin và Tập Cận Bình vắng mặt ở Đại Hội đồng LHQ?
Giới quan sát đang chú ý đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đang diễn ra tại New York, Mỹ.
Trong bảy ngày kể từ ngày 20, sẽ có khoảng 150 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ phát biểu. Nhưng cả Trung Quốc và Nga đều chỉ cử ngoại trưởng của mình tham dự Đại hội đồng LHQ.
Sự vắng mặt của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin làm dấy lên những nghi vấn.
Ông Ngụy Bách Cốc (Wei Baigu), phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nga tại Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan, đã phân tích về vấn đề này với SOH. Ông cho biết sự vắng mặt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga chủ yếu là do các yếu tố trong nước của họ.
“Tập Cận Bình, chúng ta có thể biết chắc chắn, đó là ông ấy sẽ sớm (triệu tập) Đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào tháng tới. Ngoài ra, khi ông ấy đến Liên Hợp Quốc, có vẻ như ông ấy sẽ không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào ở đó”, ông Ngụy nói.
Còn đối với Tổng thống Nga, ông Ngụy cho rằng vì ông Putin mới đưa ra bài phát biểu huy động quân sự và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân vào ngày 21/9.
“Ông ấy có một bài phát biểu quan trọng như vậy, tất nhiên ông ấy sẽ không đến New York để tham dự Đại hội đồng LHQ. Nếu ông Putin đến LHQ, tôi nghĩ ông ấy sẽ bị chỉ trích ở khắp mọi nơi, vì vậy ông ấy sẽ không muốn đến Đại hội đồng LHQ”, theo Phó giáo sư Ngụy Bách Cốc.
Ông Trịnh Khâm Mô (Zheng Qinmo), Trưởng khoa Ngoại giao Đại học Đạm Giang, Đài Loan, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông Trịnh còn cho rằng ông Tập Cận Bình và ông Putin có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Nếu họ đến Mỹ để tham dự cuộc họp, họ có thể bộc lộ ra vấn đề sức khỏe. Mà sức khỏe là vấn đề quan trọng, thuộc hàng “bí mật quốc gia”. Nếu lộ tin tiêu cực về sức khỏe của lãnh đạo, nó “có thể ảnh hưởng đến địa vị của họ trên trường quốc tế, đặc biệt là ở trong nước”.
Ông Trịnh cho biết với tình hình quốc tế hiện nay, LHQ, bao gồm cả Hội đồng Bảo an LHQ, không có nhiều vai trò, vì bản thân Nga, một thành viên của Hội đồng Bảo an, là kẻ xâm lược.
“Vì vậy về cơ bản thể chế này đã mất chức năng duy trì hòa bình. Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí đang phá hủy trật tự quốc tế, họ là một tác nhân thách thức các quy định quốc tế, vì vậy họ thực sự không phù hợp với mục đích của LHQ”, ông Trịnh nói.
Ông tin rằng trong tương lai, Trung Quốc và Nga chỉ có thể hợp tác với một số quốc gia trong các tổ chức khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nhằm đối đầu với phương Tây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ qua video vào ngày 21/9. Ông kêu gọi LHQ trừng phạt hành vi xâm lược của Nga, kêu gọi thành lập tòa án đặc biệt và quỹ bồi thường, đồng thời yêu cầu tước bỏ quyền phủ quyết của Moscow tại Hội đồng bảo an LHQ.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ cùng ngày, Tổng thống Mỹ Biden đã lên án nghiêm khắc cuộc chiến xâm lược Ukraine của Tổng thống Putin, gọi đây là hành vi “vi phạm vô liêm sỉ” đối với Hiến chương LHQ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào ngày 20/9 cho biết việc Nga xâm lược Ukraine là sự trở lại của chủ nghĩa đế quốc. Ông Macron cũng nói rằng các quốc gia im lặng hoặc “bí mật đồng lõa” với Nga đang góp phần làm xói mòn của trật tự toàn cầu.
Trước khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, ĐCSTQ tuyên bố rằng tình hữu nghị Trung-Nga không có giới hạn. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, Trung Quốc tuyên bố vẫn “trung lập” và từ chối lên án Nga. Một vài ngày trước, khi Li Zhanshu, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhân vật cấp cao thứ ba của ĐCSTQ, đã đến thăm Nga.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang “đặt cược nhầm” vào Nga. Và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù mà toàn thế giới đều cảnh giác.
Có thể bạn quan tâm: