Sự cố đường ống Nord Stream: Thông điệp chiến tranh?
Mạch sống của châu Âu nối với năng lượng Nga đã chính thức bị cắt đứt, bởi sự cố tại đường ống Nord Stream 1 và 2. Có một điều chắc chắn, các vụ nổ xảy ra với Nord Stream không phải là ngẫu nhiên, mà là một chuỗi các sự kiện kỳ lạ không thể trùng hợp hơn, vào thời điểm châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ chưa từng có. Vậy ai là thủ phạm?
Bất kỳ thế lực nào phá hủy các đường ống dân sự quan trọng này, đều là một hành động điên rồ có tính toán, với mục đích tàn phá thêm nền kinh tế châu Âu, và đẩy nguy cơ chiến tranh toàn diện với Nga lên một nấc thang nguy hiểm nữa.
Tấn công cố ý bằng thuốc nổ?
Theo truyền thông đưa tin, cả hai đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (NS1) và Nord Stream 2 (NS 2) đều bị mất áp suất và bị nổ vỡ trong đêm 26/9, kéo theo nhiều luồng khí mê-tan sủi bọt trên mặt biển Baltic.
Các “vụ nổ” lớn dưới nước đã được Thụy Điển phát hiện ở những khu vực chính xác tại biển Baltic, nơi hệ thống đường ống Nord Stream hiện đang bị rò rỉ khí, làm dấy lên nghi vấn về hành động phá hoại.
Có khá nhiều yếu tố cho thấy NS 1 và 2 đã bị phá hủy một cách cố ý. Các đoạn đường ống bị hư hỏng đều nằm ở độ sâu “70-90 mét dưới mực nước biển”.
Vì vậy, các phương tiện thông thường sẽ khó lặn xuống được độ sâu này, và phải được thực hiện bởi các lực lượng đặc biệt như người nhái thuộc lực lượng hải quân, tàu ngầm, hoặc thiết bị lặn không người lái (ROV).
Thêm nữa, rất ít khả năng đường ống bị vỡ do tai nạn hoặc sự cố ngẫu nhiên, bởi hệ thống NS được thiết kế bằng thép rất dày.
Tờ Guardian cho biết, “bản thân ống thép có thành 4,1 cm và được tráng bằng bê tông cốt thép dày tới 11 cm. Mỗi đoạn ống nặng 11 tấn, tương đương 24-25 tấn sau khi đổ bê tông”.
Thực tế, các vụ nổ lớn đến mức đã được ghi nhận trên thang độ Richter. Mạng lưới Địa chấn Quốc gia Thụy Điển đã ghi nhận hai vụ nổ lớn tại cùng khu vực biển với nơi rò rỉ đường ống Nord Stream.
“Vụ nổ đầu tiên xảy ra vào lúc 2:03 sáng thứ Hai theo giờ Thụy Điển với cường độ 1,9 độ Richter, tiếp theo là vụ nổ thứ hai vào lúc 7:04 cùng ngày với cường độ 2,3 độ Richter”.
Tất nhiên, động đất không phải là nguyên nhân phá hủy các đường ống này. Nhà địa chấn học Bjorn Lund tại Mạng lưới địa chấn quốc gia Thụy Điển cho biết, dữ liệu địa chấn do ông và các đồng nghiệp Bắc Âu thu thập cho thấy, đây là các vụ nổ diễn ra dưới nước chứ không phải động đất hay lở đất.
Các nhà quan sát nhận định, để phá hủy một đường ống thép kiên cố dưới biển này, cần phải có nhiều các thiết bị lặn không người lái (ROV).
Vết rò rỉ lớn nhất được ghi nhận có mức độ “bong bóng nổi trên mặt biển có đường kính rộng tới 1 km”. Quân đội Đan Mạch đã công bố một clip vào sáng ngày 27/9, cho thấy vùng biển gần đảo Bornholm của Đan Mạch đang khuấy động khi khí sủi bọt lên bề mặt.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết, có thể phải mất tới một tuần mới có thể ngăn khí thoát ra biển.
Vì vậy, có vẻ như đây là một hành động phá hoại có chủ ý, và đó là điều mà nhiều quan chức châu Âu hiện đang cáo buộc.
Các quan chức Đức, Mỹ và Đan Mạch đều tuyên bố thiệt hại “chưa từng có” đối với các đường ống, và đây là kết quả của một “hành động có chủ ý”.
Tờ Der Tagesspiegel dẫn lời một quan chức Đức giấu tên cho biết: “Chúng tôi không thể tưởng tượng rằng đây không phải là một vụ tấn công có chủ đích. Mọi thứ đều chống lại đây là sự trùng hợp”.
Sự cố xảy ra cũng đúng vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng, và cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu, đặc biệt là ngành công nghiệp của Đức phụ thuộc chính vào năng lượng giá rẻ từ Nga.
Nếu không có khí đốt của Nga, châu Âu sẽ bị phi công nghiệp hóa và phá sản.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng tình huống hiện tại rất bất thường. Có tới ba đường ống bị rò rỉ và khó có thể tưởng tượng được rằng vụ việc chỉ là tình cờ”.
Trong khi ấy, một trong những cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng đổ lỗi vụ việc cho Nga bằng đoạn tweet như sau:
“’Rò rỉ khí đốt’ từ NS-1 không gì khác là một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn với EU. [Nga] muốn làm mất ổn định tình hình kinh tế ở châu Âu và gây ra sự hoảng loạn trước mùa đông. Các phản ứng tốt nhất là hãy đầu tư an ninh – gửi xe tăng cho [Ukraine]. Đặc biệt là những người Đức…”
Hiện các bên đều đang nghi ngờ và đổ lỗi cho nhau. Nga, Mỹ, Đức, Ba Lan và thậm chí cả Ukraine cũng đang được cho là phía chịu trách nhiệm trước sự cố. Vậy câu hỏi giờ đây là:
Ai là thủ phạm gây ra sự cố Nord Stream?
Liệu có khả năng Nga đã tự phá hủy các đường ống dẫn của chính mình để tạo ra sự khan hiếm thị trường, “tăng giá khí đốt”, để gây hấn với EU như phía Ukraine cáo buộc? Chúng ta sẽ cùng phân tích những sự kiện ngay sau đây:
- NGA LÀ THỦ PHẠM?
Tờ Telegraph của Anh cáo buộc Putin gây ra vụ nổ NS, tuy nhiên tờ báo này đã không có bất kỳ bằng chứng logic nào cho thấy Nga là thủ phạm.
Thực tế NS 2 được tạo ra để giúp nước Đức độc lập năng lượng không phải phụ thuộc vào các đường ống chạy qua Ba Lan và Ukraine. Chính thủ tướng Scholz đã đóng sầm cơ hội phát triển của nước Đức vào tháng 2, khi ông có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.
Kênh abcnews của Mỹ hôm 8/2 viết rằng: “Đức tỏ ra miễn cưỡng đóng cửa Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga, chưa đi vào hoạt động, sẽ chuyển khí đốt trực tiếp đến Đức, bỏ qua Ukraine”.
Thực tế, chính Tổng thống Putin trong bài phát biểu gần đây nhất hôm 16/9, ông đã một lần nữa đề nghị Đức mở NS 2 để Nga vận chuyển khí đốt.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu Nga là thủ phạm gây ra vụ nổ tại các cơ sở dẫn khí đốt ở Biển Baltic như truyền thông phương Tây cáo buộc, thì phải chăng Tổng thống Putin sẽ gây thiệt hại cho đường ống dẫn khí đốt của Na Uy đến châu Âu, hơn là các đường ống NS mà Nga đang sở hữu?
Lưu ý là NS 1 và 2 là những tài sản có giá trị đắt đỏ và bền vững của Nga. Người ta ước tính rằng, chỉ riêng lượng khí thoát ra tại 3 điểm rò rỉ trên hệ thống NS, đã thổi bay khoảng 600 đến 800 triệu đô la mỗi ngày.
Cần nhấn mạnh là, cuộc tấn công vào hệ thống đường ống NS hôm 26/9 vừa qua không phải là chưa từng xảy ra.
Năm 2015, tờ Pipeline Journal đưa tin rằng: “Quân đội Thụy Điển đã phá hủy thành công một Phương tiện dưới nước không người lái (UUV) có gắn chất nổ được tìm thấy gần nhánh số 2 của hệ thống đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Nord Stream”.
“Danh tính quốc gia sở hữu chiếc UUV này cho đến nay vẫn chưa được xác minh, [Jesper Stolpe, phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Thụy Điển,] cho biết”.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu Nga có động cơ gì để tự phá hủy các đường ống đắt đỏ mà họ đang sở hữu? Đặc biệt khi năng lượng chính là đòn bẩy cho hệ thống tài chính của nước này?
Lưu ý là, trong suốt cuộc xung đột tại Ukraine, Nga vẫn là bên cung cấp khí đốt cho châu Âu như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Ba Lan, Ukraine và Đức đã chặn các đường ống dẫn khí đốt cả trên đất liền và dưới biển dẫn khí đốt đến Đức.
Ba Lan đã từ chối trả bằng đồng rúp khi mua khí đốt của Nga. Vì vậy nước này đã đóng cửa đường ống Yamal vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của mình, nhưng vẫn tiếp tục tiêu thụ khí đốt của Nga từ Đức thông qua đường ống Nord Stream I.
Phải chăng các chính trị gia phương Tây đã không còn lý trí khi cáo buộc Nga một cách phi logic?
Vậy nếu không phải là Nga thì ai là thủ phạm? Liệu các tác nhân tiềm năng đằng sau sự cố bí ẩn này có thể là Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Ukraine hay là NATO?
Giờ chúng ta tiếp tục cùng tìm hiểu với những dữ kiện tiếp theo.
2. BA LAN CÓ VÔ TỘI?
Có thể nói Ba Lan là quốc gia chống Nga kịch liệt nhất tại EU, và cũng là quốc gia đã cố gắng ngăn cản hoặc cản trở việc xây dựng NS 2 mạnh mẽ nhất có lẽ chỉ đứng sau Mỹ.
Còn nhớ vào tháng 4 năm 2021, tờ Maritime từng đưa tin rằng, “Giám đốc chi nhánh của Nord Stream 2 từng cáo buộc Ba Lan triển khai tàu chiến và máy bay tuần tra M-28 quân sự” quanh khu vực có hệ thống NS, và rằng “những hành động như vậy là khiêu khích và có thể dẫn đến hư hỏng đường ống dẫn khí”.
Ba Lan từng phản đối mạnh mẽ việc phát triển NS 2, bởi lẽ dễ hiểu là tuyến đường ống dưới biển này, sẽ cung cấp khí đốt trực tiếp cho các khách hàng Tây Âu thay vì phải đi qua các mạng lưới đường ống trên đất liền ở Ba Lan và Ukraine.
Tất nhiên, cả Ba Lan và Ukraine – vốn không ưa gì Nga – sẽ mất đi một nguồn phí trung chuyển đáng kể một khi NS 2 đi vào hoạt động.
Một tháng sau đó, vào tháng 5/2021, Ba Lan đã phản ứng giận dữ trước quyết định của Tổng thống Mỹ, khi ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2.
Ba Lan từng cảnh báo rằng, động thái này của Mỹ có thể đe dọa an ninh năng lượng trên khắp Trung và Đông Âu.
Quay trở lại thời điểm hiện tại, thật tình cờ là vụ nổ đường ống NS 1 và 2 vào tối 26/9 vừa qua, lại xảy ra cùng ngày các quan chức châu Âu khai trương “đường ống Baltic mới” giữa Ba Lan và Na uy, nhằm cắt đứt sự phụ thuộc vào Nga.
Đường ống Baltic mới dài 900 km được khai trương hôm 26/9.
Euronews cho biết: “Đường ống sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên từ thềm Na Uy qua Đan Mạch và qua Biển Baltic đến Ba Lan. Đây là trọng tâm trong chiến lược của Ba Lan nhằm đa dạng hóa khỏi Nga”.
Đường ống Baltic chỉ có công suất 10 tỷ mét khối mỗi năm, trong khi hệ thống Nord Stream có thể mang tới 110 mét khối mỗi năm và là lượng khí đốt cần thiết để duy trì hoạt động của các ngành công nghiệp của Châu Âu.
Chưa hết, ngày 27/9, chính trị gia nổi tiếng của Ba Lan – ông Radek Sikorski đã tweet một dòng vô cùng ngắn gọn nhưng cực kỳ chấn động. Ông Sikorski tweet: “Cảm ơn nước Mỹ”.
Điều đáng nói là, Sikorski từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan từ năm 2005 – 2007, và từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Hiện ông Radek Sikorski là thành viên của Quốc hội châu Âu.
Câu tweet “Cảm ơn nước Mỹ” của Radek Sikorski đã hàm ý chỉ đích danh Hoa Kỳ là thủ phạm phá hoại hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga.
Không dừng lại đó, ông Sikorski sau đó còn tweet bằng tiếng Ba Lan rằng, thiệt hại đối với Nord Stream đồng nghĩa là Nga nếu muốn tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu, giờ đây sẽ phải “nói chuyện với các quốc gia kiểm soát đường ống dẫn khí Yamal của Ukraine và Ba Lan”. Ông Sikorski còn kết luận hàm ý khen Mỹ rằng “Làm tốt lắm”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tự hỏi, liệu dòng tweet của ông Sikorsky có giống như một “tuyên bố chính thức rằng đây là một vụ tấn công khủng bố”.
Trong khi đó, Phó đại sứ Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyanskiy đã cảm ơn chính trị gia Ba Lan vì đã “làm sáng tỏ ai đứng đằng sau việc nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng dân sự theo kiểu khủng bố này!”. (rt)
Liệu có phải do ngẫu hứng mà ông Sikorski đã phấn khích tiết lộ đồng minh Mỹ đã làm một việc tày đình này giúp Ba Lan?
Rất nhanh chóng, Ngoại trưởng Ba Lan Stanisław Żaryn, đã tố cáo tuyên bố của ông Sikorki là “tuyên truyền của Nga”, gọi đây là “một chiến dịch bôi nhọ Ba Lan, Mỹ và Ukraine, cáo buộc phương Tây gây hấn chống lại # NS1 và # NS2 .
Ngoại trưởng Ba Lan tweet: “Việc xác thực lời nói dối của Nga vào thời điểm đặc biệt này gây nguy hiểm cho an ninh của Ba Lan. Thật là một hành động vô trách nhiệm!”.
Rõ ràng sự cố nổ đường ống Nord Stream sẽ khiến việc vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức và Trung Âu hiện giờ chỉ có thể thực hiện được qua đường ống Yamal trên lãnh thổ Ba Lan, hoặc mạng lưới đường ống của Ukraine.
Nên có thể nói, Ba Lan và Ukraine có lẽ là vui mừng nhất cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Vậy Đức thì thế nào? Cho đến này, chính quyền của Thủ tướng Scholz vẫn có vẻ kín tiếng trước sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai vận mệnh của nước này.
3. ĐỨC PHẢI CHĂNG CÓ LIÊN ĐỚI?
Không một chút do dự, các quan chức Đức tuyên bố rằng, “Rò rỉ khí đốt trong đường ống Nord Stream có thể do phá hoại”.
Có nhiều sự kiện không hề ngẫu nhiên xảy ra xung quanh sự cố rò rỉ đường ống NS, mà ngạc nhiên nhất chính là sự cố này diễn ra chỉ một ngày sau cuộc biểu tình của người dân Đức yêu cầu chính phủ mở đường ống Nord Stream 2…
Hàng nghìn người đã đổ xuống đường ở thị trấn ven biển Lubmin, miền đông bắc nước Đức hôm Chủ nhật, kêu gọi các quan chức nước này đưa dự án đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động.
Có một số nghi ngờ rằng, khả năng Đức có thể bật đèn xanh cho ai đó gây rò rỉ các đường ống để giảm bớt áp lực chính trị về việc phải mở NS 2, hoặc khôi phục việc sử dụng NS 1. Nhưng tất cả vẫn chỉ là suy đoán.
Lưu ý là, chính phủ của Thủ tướng Scholz là do những người cánh tả nắm quyền, vốn luôn tôn thờ chính sách Năng lượng Xanh theo Chủ nghĩa toàn cầu.
Các chính trị gia cánh tả này sẵn sàng hy sinh nền kinh tế hùng mạnh của nước Đức, và thậm chí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck còn từng khuyên người dân tắm ít hơn, hạn chế sử dụng vòi hoa sen và bình nước nóng chỉ để nhằm làm tổn thương Putin.
Tuy nhiên, nước Mỹ, mà đúng hơn dưới sự điều hành của chính quyền Joe Biden hiện đang bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công NS, bởi không ai khác ngoài Joe Biden, đã từng công khai tuyên bố rằng, các đường ống NS sẽ “không còn nữa” nếu Nga tấn công Ukraine.
4. MỸ VÀ NATO ĐỨNG SAU VỤ TẤN CÔNG NS1 và NS2?
Mỹ được cho là đã từng cảnh báo Đức, khi tờ Der Spiegel từng đưa tin rằng, CIA đã cảnh báo vào mùa hè rằng, đường ống NS 2 có thể sẽ là mục tiêu bị phá hoại.
Điều này gợi nhớ đến lời cảnh báo của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2 khi chỉ ít ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông Biden tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ chấm dứt đường ống Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine.
Trong cuộc họp báo giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Biden tại Nhà Trắng hôm 7/2, ông Biden nói: “Nếu Nga xâm lược thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ chấm dứt nó.”
Khi được phóng viên hỏi lại rằng, “ông sẽ làm điều đó như thế nào, vì … dự án nằm trong tầm kiểm soát của Đức?”, Tổng thống Biden trả lời: “Tôi hứa với bạn, chúng tôi sẽ có thể làm được điều đó.”
Vào ngày 27/2, Tổng thống Biden đã xử phạt công ty sở hữu đường ống này.
Tương tự như vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vào tháng 1 đã tuyên bố rằng: “Nếu Nga xâm lược Ukraine, bằng cách này hay cách khác, Nord Stream 2 sẽ không tiến về phía trước”.
Những sự kiện như vậy liệu có xảy ra một cách tình cờ không?
Điều đáng chú ý là, NS 2 chưa bao giờ đi vào hoạt động, và đường ống NS 1 hiện đang ngừng cung cấp khí đốt cho Đức do lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, cũng như đòn trả đũa qua lại giữa Nga và châu Âu.
Cũng cần lưu ý rằng, trong các cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga gần đây, ông Putin luôn nhắc lại lập trường muốn Đức mở NS 2 để Nga vận chuyển khí đốt, nhưng đều bị Thủ tướng Đức từ chối.
Thêm một chi tiết nữa, NS 1 và 2 nằm ở biển Baltic. Vị trí địa lý và độ sâu nông của vùng biển này dường như thích hợp cho tàu ngầm của Mỹ, Anh hoặc NATO gây thiệt hại một cách dễ dàng hệ thống NS.
Ngoài ra, các vị trí rò rỉ của NS nằm ở lưu vực Bornholm, có độ sâu trung bình là 43m. Độ sâu đủ nông này cũng cho phép các hoạt động lặn chuyên dụng, cũng như sử dụng các phương tiện lặn điều khiển từ xa hoạt động dễ dàng.
Hơn nữa, vùng biển Baltic nơi xảy ra 3 vụ nổ đường ống NS đều do NATO kiểm soát. Hạm đội 6 của Mỹ cũng đã tham gia diễn tập cùng với đồng minh trong cuộc tập trận Baltops 22 diễn ra tại biển Baltic vào tháng 6, nhưng hạm đội này mới vừa rời Biển Baltic chỉ vài ngày trước đó.
Tàu “USS Kearsarge” là tàu chiến lớn nhất của Hải quân Mỹ đã hoạt động ở Biển Baltic trong vòng 30 năm qua. Một trong số các phần diễn tập trong cuộc tập trận Baltops của tàu Kearsange ở Biển Baltic là để thử nghiệm các công nghệ phá hủy mìn dưới biển.
Có thông tin cho rằng, chỉ vài ngày trước khi xảy ra sự cố rò rỉ NS, tàu USS Kearsarge đã ở khu vực ngoài khơi Bornholm của Đan Mạch, cũng là vị trí nơi đường ống NS bị phá nổ. Nó chỉ cách vị trí đường ống dẫn khí Nord Stream-1 30 km và cách tuyến đường Nord Stream-2 khoảng 50km.
Quân đội Mỹ không phải là lực lượng duy nhất ở gần khu vực đường ống bị hư hại. Chỉ cách 100 km về phía nam là căn cứ hải quân Ba Lan Kolobrzeg, nơi có các tàu đặt mìn và Tiểu đoàn Công binh Chiến đấu Hải quân Kołobrzeg số 8 neo đậu. Các kỹ sư tác chiến hải quân Ba Lan là những chuyên gia trong việc thổi tung bất cứ thứ gì ở dưới nước, có thể là mìn hoặc đường ống.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu CIA và NATO có liên quan đến sự cố nổ đường ống NS 1 và 2 hay không?
Việc đánh bom các đường ống dân sự có tính hệ trọng này được cho một hành động khiêu khích điên rồ, và có khả năng sẽ tàn phá thêm nữa nền kinh tế của châu Âu, và dẫn đến nguy cơ đối đầu toàn diện với nước Nga.
Có một thực tế là, cuộc tấn công phá hoại vào đường ống Nord Stream 2 và 2 hôm 26/9 vốn vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức, phải chăng có nghĩa là có một cuộc chiến chống lại nước Đức đang bước vào giai đoạn nóng nhất?
Vụ phá hủy hệ thống NS càng cho thấy rõ một nước cờ cực kỳ tinh vi và nguy hiểm của thế lực toàn cầu.
Phải chăng, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, với vô số các hành động khiêu khích tại Donbass, Crimea, hay nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, và đỉnh điểm là sự cố nổ đường ống NS, là được thiết kế để nhằm kích động và tiêu diệt nước Nga, phá hủy nước Đức, và biến châu Âu thành một lục địa yếu ớt và lệ thuộc, nhằm củng cố vị thế cho một thế lực toàn cầu?
Mời độc giả theo dõi tiếp kỳ 2 sẽ đăng vào lúc 19h30 ngày 30/9.
Xem thêm: Ba rủi ro nguy hiểm khiến Châu Âu dễ dàng trở thành ‘con tin’ của Putin