Châu Âu đang chạy nước rút trong những tuần cuối cùng khi mùa đông đang đến. Tuy nhiên nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của châu Âu đều đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, và khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào nước Nga của Tổng thống Putin.

Trong mảng tối u ám bị bởi khủng hoảng năng lượng và lạm phát, châu Âu le lói một điểm sáng hy vọng tại Ý với chiến thắng của phe cánh hữu, báo hiệu một làn sóng chính phủ tương lai biết đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Mặt đất châu Âu đang rung chuyển

EU hân hoan thông báo khối này đang tiến nhanh trong việc lấp đầy kho lưu trữ khí đốt của mình, và hiện đã đi trước 9 tuần so với thời điểm này vào năm ngoái. Đức thậm chí đang đặt mục tiêu đạt 95%, và hiện đã ở mức 85%

Các nhà phân tích của Standard Chartered PLC nói rằng, vũ khí khí đốt của Putin đã mất hiệu quả và châu Âu sẽ trải qua một mùa đông “thoải mái” mà không cần khí đốt của Nga.

Trong bối cảnh ấy, tờ Le monde của Pháp có bài viết: “Khi mùa Đông đến gần, cuộc chiến toàn cầu về khí tự nhiên hóa lỏng – LNG bắt đầu” 

Theo bài báo, kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, các tàu vận chuyển LNG thay vì di chuyển trên các tuyến hàng hải quen thuộc đến Châu Á, thì giờ đây đã xuất hiện nhiều hơn trên các bờ biển của Châu Âu.

Điều này cho thấy, châu Âu dễ bị tổn thương trên mọi mặt năng lượng, và bóng ma về sự sụp đổ các nền kinh tế EU đang làm chao đảo chính quyền Joe Biden ở bên kia bán cầu. 

CNN cũng có tiêu đề một bài viết: “Nỗi sợ hãi lớn nhất’ khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.”

Bài báo cho biết chính quyền Biden “đang làm việc điên cuồng đằng sau hậu trường để neo giữ cho các đồng minh châu Âu đoàn kết”, khi tác động từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã tác động đến họ. Tất nhiên, một khi tác động đến châu Âu thì cũng có thể ảnh hưởng đến Mỹ. 

Thật vậy, các lệnh trừng phạt đã vượt ra khỏi mọi tính toán của chính quyền Biden. Thủ tướng Hungary Orban đã từng chỉ ra rằng, các lệnh trừng phạt chống Nga “không làm rung chuyển Moscow”, nhưng đã khiến châu Âu bay mất 5 chính phủ và đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị tồi tệ chưa từng thấy. 

Giờ đây, nỗi lo của Mỹ về một châu Âu rạn vỡ đang trở thành hiện thực, 

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã kêu gọi EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga chậm nhất là vào cuối năm, để giảm lạm phát đang tăng vọt không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu.

Ông cũng không phải là người duy nhất kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt. Hy Lạp là một trong những quốc gia châu Âu gần đây nhất đặt câu hỏi về các chính sách trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. 

Tại cuộc họp báo ở Thessaloniki hôm 11/9, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố rằng, châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga một cách liều lĩnh mà không quan tâm đến hậu quả. 

Thủ tướng Mitsotakis nói: “Thời điểm chúng tôi áp đặt các lệnh trừng phạt cực kỳ rộng rãi này đối với Nga, lệnh trừng phạt nghiêm trọng nhất từ ​​trước đến nay, chúng tôi biết rằng chúng tôi đã khiến xã hội của mình phải trải qua một quá trình rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã được cảnh báo rằng, đây là cái giá mà chúng tôi phải trả cho sự lựa chọn này.”

Khi giới lãnh đạo châu Âu phớt lờ ý dân, họ đã phải trả giá bằng việc bất tín nhiệm mà mới đây nhất là nữ Thủ tướng Thụy Điển đã buộc phải từ chức, nối dài thêm danh sách các chính phủ Anh, Ý, Bulgari, Estonia đã nhiệt tình tham gia cùng với Mỹ trong một chiến dịch trừng phạt lớn chống lại Nga. 

Chiến thắng long trời lở đất của Liên minh Cánh hữu của bà Giorgia Meloni khi giành được đa số trong các cuộc bầu cử ở Ý, đã báo hiệu một làn sóng cánh hữu sẽ lên nắm quyền tại châu Âu. Trong đó, chính trường Thụy Điển của hai tuần trước – vốn thường nghiêng theo thiên tả – là một ví dụ.

Hẳn nhiên điều này khiến bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen sẽ không mấy vui vẻ. 

Đã có một sự rạn nứt nghiêm trọng giữa các thành viên và quan chức não bộ tại Brussel. 

Theo Politico, Hungary, Ba Lan và Ý đã phản ứng trước những nhận xét  “tai tiếng” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, rằng EU có “công cụ” để đối phó với một quốc gia thành viên nếu mọi thứ không đi theo đúng quỹ đạo mà Brussel mong muốn. 

Vậy Brussel có công cụ gì để trừng phạt? Đơn giản đó là cắt tiền hỗ trợ đối với các chính phủ mà Brussel cho là ‘cứng đầu’. 

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki tuyên bố: “Bà ấy nói rằng Brussels có các công cụ để kỷ luật Italy nếu nước này thành lập một chính phủ không có lợi cho Brussels” “Đây có phải là châu Âu mà chúng tôi mong muốn? … “Vị quan chức đó ở Brussels đã ra lệnh chính phủ phải như thế nào? “Đây không phải là quy định của pháp luật; đó là một sự sai khiến và thiếu pháp quyền”. 

Có thể nói, EU không chỉ đang run rẩy lo sợ vì thiếu năng lượng, mà còn đang bị chấn sang tâm lý do kết quả bầu cử chấn động tại Ý vừa qua. 

Như tờ WSJ lưu ý,  cuộc bầu cử ở Ý là “thử nghiệm lớn đầu tiên về sự gắn kết chính trị của Liên minh châu Âu, vì nó đối đầu với nỗ lực của Nga trong việc vẽ lại trật tự của lục địa sau Chiến tranh Lạnh. 

“Việc hạn chế cung cấp khí đốt tự nhiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khơi dậy một cuộc khủng hoảng năng lượng – giá cả, kết hợp với các áp lực lạm phát khác, dự kiến ​​sẽ đẩy phần lớn châu Âu vào cuộc suy thoái trong mùa đông này”. 

Đúng vậy, châu Âu hiện đang chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, mà phần lớn đều là do cuộc chiến trừng phạt của giới lãnh đạo châu Âu phát động để chống lại Nga. 

“Kịch bản mùa Đông đen tối” cho châu Âu

Liệu các quan chức EU có đủ lý trí để nhận thức ra một thực tế, rằng châu Âu hoặc sẽ phải gỡ bỏ lệnh trừng phạt để tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga, hoặc phải giảm tiêu thụ năng lượng và phải đối mặt với “kịch bản của nhiều mùa đông tăm tối”. 

Sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và việc quan chức EU từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đang khiến cuộc sống của người dân toàn châu Âu gặp nhiều khó khăn.

Việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, nói thẳng ra là điều bất khả thi đối với châu Âu, không chỉ năm nay mà còn vài năm tới, hoặc các ngành công nghiệp châu Âu sẽ phải khai tử hàng loạt. 

Nghiên cứu của công ty tư vấn Yakov & Partners chỉ ra rằng, để đáp ứng nhu cầu cho toàn EU cho đến cuối năm 2022, các quốc gia châu Âu sẽ phải duy trì nhập khẩu khí đốt từ Nga, hoặc phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt từ 7 đến 12 tỷ mét khối. 

Điều đáng nó là, mức giảm khổng lồ này “chỉ có thể thực hiện khi một số ngành công nghiệp sản xuất đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần”. 

Tuy nhiên, ngay cả khi mùa đông ôn hòa, không khắc nghiệt thì sản lượng sản xuất trong mọi ngành công nghiệp của châu Âu dự kiến ​​cũng sẽ giảm. Báo cáo chỉ ra rằng: 70% công suất sản xuất phân đạm ở EU đã bị ngừng, sản xuất nhôm giảm 25% và sản xuất thép giảm 5% do thiếu khí đốt tự nhiên của Nga.

Theo Chuyên gia Elena Kuznetsova cho biết: “Theo viễn cảnh của năm 2023, việc loại bỏ khí đốt của Nga đồng nghĩa với việc thâm hụt 40-60 tỷ mét khối đối với các nước châu Âu, ngay cả khi vẫn duy trì tỷ lệ tiết kiệm khí đốt hiện tại cho cả năm 2023”.

Lưu ý là, 60 tỷ mét khối khí đốt này tương đương với lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của cả Pháp và Ba Lan cộng lại. Hoặc tương đương với tổng lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của các ngành sản xuất phân bón, hóa dầu, luyện kim và tất cả các ngành kỹ thuật cộng lại.

Không giống như truyền thông dòng chính tuyên truyền, rằng “Cuộc chiến năng lượng của Vladimir Putin với châu Âu dường như sắp thất bại”, và các chính trị gia châu Âu nuôi  hy vọng Nga đang trên bờ vực sụp đổ, thì thực tế Nga đang thắng giòn giã trong cuộc chiến năng lượng này.

Có một viễn cảnh đáng sợ là: Châu Âu sẽ là một nơi lạnh lẽo và tăm tối nếu không thể đạt được các thỏa thuận và nhượng bộ với Nga. Các quan chức EU dường như đang trừng phạt chính mình bằng các biện pháp trừng phạt này nhiều hơn so với Nga.

Để đối phó với việc Nga hạn chế hoặc cắt nguồn cung cấp khí đốt, giới lãnh đạo EU trong những tháng qua đã có các cuộc chạy đua tranh giành nguồn khí đốt từ khắp nơi: Châu Phi, châu Á, và châu Mỹ. 

Tất nhiên, khi cần thiết giới lãnh đạo Brussel sẽ tô vẽ với các cử tri của mình, và mô tả công việc tuyệt vời mà họ đã làm, trong khi phớt lời không đề cập đến việc chính họ là những người đã đưa ra quyết định ngu ngốc, đưa quốc gia của họ vào cuộc khủng hoảng này ngay từ đầu.

Hậu quả là các doanh nghiệp, gia đình và cá nhân phải hứng chịu sự thiếu thốn năng lượng cũng như gánh nặng chi phí tăng cao, do các quyết định chính sách thiếu khôn ngoan của các nhà lãnh đạo của họ gây ra.

Kế hoạch của châu Âu được xây dựng dựa trên hy vọng hão huyền rằng, người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá năng lượng cao hơn, rằng Nga và Putin không đáng tin cậy, và chính sách Năng lượng Xanh với hệ thống pin dự trữ sẽ đủ mạnh để đáp ứng những lúc “gió không thổi và Mặt trời không ló dạng”.

Các chính trị gia châu Âu và các nhà môi giới năng lượng đã chứng tỏ sự kém cỏi của họ trong việc quản lý nguồn cung cấp năng lượng vào năm 2021, khi họ từ chối các đề nghị hợp đồng dài hạn với Nga, và thay vào đó, họ đánh cược họ có thể mua khí đốt giá rẻ trên thị trường giao ngay – một canh bạc mà họ đã thua và thua rất nặng. (apnews)

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên trong cuộc khủng hoảng năng lượng 2022 này, giới lãnh đạo châu Âu đã không có bất kỳ ý tưởng nào hay ho nhằm thay thế nguồn cung năng lượng giá rẻ của Nga, ngoài cách đi khắp nơi và trả giá thật cao miễn là có khí đốt mang về. 

Mỹ, châu Phi và Trung Quốc đang  trở thành những nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng mọi rủi ro luôn phát sinh khiến châu Âu nhiều phen đau tim và mỏi mệt.

Rủi ro lớn trong ngành sản xuất LNG của Mỹ

Năm 2022 này, Mỹ bỗng trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới khi vận chuyển mặt hàng này đến cả châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. 

Cũng chỉ trong năm nay, 5 nhà sản xuất   đã ký kết hơn 20 thỏa thuận dài hạn để cung cấp hơn 30 triệu tấn khí đốt một năm cho khách hàng châu Âu và châu Á.

Việc Nga đóng hoàn toàn đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt đến Đức càng thúc đẩy EU mong muốn loại bỏ khí đốt của Nga nhanh hơn. Sự cấp bách đó đã dẫn đến việc châu Âu thay thế châu Á trở thành khách hàng số 1 của Mỹ. Thực tế, châu Âu hiện nhận tới 65% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ

Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng, thay vì phụ thuộc vào Nga, châu Âu lại đang phải phụ thuộc chính vào nguồn LNG của Mỹ, và điều này sẽ mang đến một loại rủi ro khác cho châu Âu. 

Đặt tất cả trứng vào giỏ LNG của Mỹ, đồng nghĩa châu Âu hoàn toàn dựa vào Mẹ Thiên nhiên. Vì sao lại nói như vậy? Bởi nguồn cung LNG của Mỹ có thể không dễ bị tổn thương trước đối thủ Nga, nhưng lại dễ bị tổn thương bởi thời tiết khắc nghiệt và các mùa mưa bão dữ dội sẽ làm gián đoạn sản lượng và xuất khẩu. 

Tất nhiên bất cứ một sự gián đoạn nào ở Mỹ, chắc chắn sẽ khiến châu Âu khụy ngã. Vì sao lại như vậy? Vì phần lớn các cơ sở xuất khẩu LNG ở Mỹ đều được đặt dọc theo Bờ Vịnh và phần lớn khí đốt cung cấp cho các cơ sở đó đều đến từ các cảng ở New Mexico, Texas cho đến Louisiana. 

Điều đáng nói là tất cả các khu vực này đều thường xuyên xảy ra bão tố. Khi các cơn bão ập đến, mọi thứ từ khí hóa lỏng cho đến vận chuyển, từ khai thác cho đến sản xuất đều có nguy cơ bị gián đoạn.

Nhiều trận cuồng phong gần đây đã dẫn đến sự gián đoạn ở các mức độ khác nhau đối với thị trường LNG của Mỹ. Ví dụ cơn bão Laura năm 2020 đã gây ra gián đoạn hai tuần tại cơ sở xuất khẩu LNG của trạm Sabine Pass và hơn một tháng tại Cameron LNG bang Louisiana.  

Năm 2021, bão Ida đã khiến sản lượng khí đốt ngoài khơi bị cắt giảm nghiêm trọng và kéo dài.

Thêm vào đó là những nguy cơ tiềm ẩn trong toàn bộ chuỗi sản xuất tại Mỹ, cũng gây thót tim cho châu Âu. Vụ hỏa hoạn hồi tháng 6 tại trạm khí đốt Freeport ở bang Texas, đã thổi bay gần 20% công suất xuất khẩu LNG của Mỹ, khiến châu Âu một phen hốt hoảng. 

Freeport LNG được cho là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất sang châu Âu, và vụ hỏa hoạn đã cho thấy có tác động hậu quả lớn thế nào đến sự phụ thuộc của châu Âu.

Hàng loạt các vụ cháy nổ tại các cơ sở sản xuất dầu khí tại Mỹ đã khiến nguồn cung bị gián đoạn trầm trọng.

Gần đây nhất, hôm 21/9, nhà máy lọc dầu BP-Husky Toledo ở Oregon, bang Ohio (Mỹ), đã rung chuyển bởi một vụ nổ. 

Nhà máy lọc dầu này xử lý tới 160.000 thùng dầu thô mỗi ngày, cung cấp cho vùng Trung Tây nước Mỹ xăng, dầu diesel, nhiên liệu máy bay, propan, nhựa đường và các sản phẩm khác.  Vụ cháy tại nhà máy lọc dầu này có khả năng sẽ gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp vùng Trung Tây của nước Mỹ. 

Kể từ tháng 6 trở lại đây, đã có ít nhất 4 cơ sở khí đốt tự nhiên ở Mỹ, đã phát nổ hoặc bốc cháy, bao gồm: 

  • Vụ nổ cơ sở Freeport vào ngày 8/6 (reuters)
  • Vụ nổ nhà máy lọc dầu Petro Star ở Valdez, bang Alaska vào ngày 27/6 (adn)
  • Vụ nổ đường ống Chuyển giao Năng lượng ở Wallis, Texas  vào ngày 7/7 (abc13)
  • Và vụ nổ cơ sở khí đốt Oneok tại Oklahoma vào ngày 10/7

Các vụ nổ này tại Mỹ đã làm gián đoạn đáng kể lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, trong bối cảnh Nga đang dần siết chặt nguồn khí đốt lên toàn châu Âu.

Không có cách nào khác, giới lãnh đạo châu Âu lại lên đường tìm thêm nguồn cung mới trong quá trình đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Và châu Phi là đích tới.

Châu Phi bất ổn bởi các cuộc nổi dậy của phiến quân

Mặc dù châu Âu được cho là khá muộn màng khi tìm đến châu Phi,  nhưng EU đã bắt đầu xem xét nghiêm túc về nguồn cung trong tương lai tại lục địa này.

 Đáng chú ý nhất, Mozambique đang sẵn sàng vận chuyển lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên đến châu Âu vào thời điểm quan trọng này.  (bloomberg)

Nhưng niềm vui chưa tày gang thì Mozambique lại chứa đầy những lỗ hổng rủi ro, dưới dạng bất ổn chính trị và các cuộc nổi dậy của phiến quân. 

Dự án LNG Mozambique của Pháp là TotalEnergies đã bị quân nổi dậy đe dọa. Trong tâm điểm của cuộc nổi dậy, TotalEnergies đã công bố kế hoạch nối lại dự án trị giá 20 tỷ đô la vào cuối năm nay, dự kiến ​​trạm khí đốt này sẽ sản xuất 13,1 triệu tấn LNG mỗi năm. Đó là chỉ khi tập đoàn năng lượng TotalEnergies phải đạt được các thỏa thuận với cả quân nổi dây.

Vì vậy mọi thứ dường như chưa có gì là chắc chắn tại châu Phi. Tuy nhiên sự lạc quan của giới lãnh đạo EU luôn “có thừa”, bất chấp thực tế nghiệt ngã.  

EU dự định tăng gấp 5 lần hỗ trợ tài chính lên 15 triệu USD để chống lại các chiến binh nổi loạn hoạt động gần các dự án khí đốt của Mozambique. Ngoài ra, EU còn cam kết cung cấp cho quân đội nước này thêm 45 triệu euro, và cho phái bộ giữ gìn hòa bình tại đây 2,9 triệu euro.

Nhưng ngay cả khi đổ nhiều triệu euro chỉ để mua một chút an toàn cho việc khai thác khí đốt, thì điều đó vẫn không làm EU bớt lo lắng bằng mối quan hệ giữa nước Nga và châu Phi. 

Điều khiến phương Tây lo lắng nhất là việc châu Phi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lúa mì của Nga, và EU coi đây cũng là một loại vũ khí hóa chiến lược giúp nâng tầm ảnh hưởng của Moscow ở lục địa này. 

Sự hiện diện ngày càng sâu của Nga ở châu Phi đang thách thức các dự án tân thuộc địa của các nước châu Âu, và một lần nữa EU lại quay sang cầu cạnh châu Á.

Trung Quốc có giải cứu được cơn khát của châu Âu?

Trong cơn “khát” năng lượng của mình, Châu Âu đang tận lực ‘hút’ các nguồn cung khí đốt ở khắp mọi nơi trên thế giới, và sẵn sàng chấp nhận chịu các khoản tăng giá đáng kể trong cả khâu vận chuyển. 

Tờ Financial Times cho biết, “nỗi lo thiếu khí đốt vào mùa đông của châu Âu có thể đã được xóa tan, nhờ một hiệp sĩ trắng bất ngờ: Trung Quốc.” 

Tờ Asia.nikkei cũng lưu ý rằng, “người mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới đang bán lại một số lô hàng LNG dư thừa do nhu cầu năng lượng trong nước yếu. Điều này đã cung cấp cho thị trường giao ngay nguồn cung dồi dào mà châu Âu đã khai thác, bất chấp giá cao.”

Tuy nhiên cả 2 tờ báo trên đều phớt lờ hoặc có lẽ là ‘cố ý’ đề cập đến nguồn cung LNG “dư thừa” – “thặng dư” của Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc không “thặng dư” hay dư thừa, mà bản chất là Bắc Kinh đã điên cuồng nhập khẩu một lượng lớn LNG từ Nga để mua đi bán lại với giá “cắt cổ” cho châu Âu.

Như vậy với 53 triệu tấn khí đốt mà EU mua từ tất cả các nguồn bao gồm từ Trung Quốc, đã giúp EU nâng tỷ lệ lấp đầy kho chứa khí đốt lên 77%, gần đạt mức theo kế hoạch đề ra là 85% vào tháng 11. (asia.nikkei)

Tuy nhiên châu Âu cũng dễ dàng bị thâm hụt 20-30 tỷ mét khối, nếu nhu cầu về LNG của Trung Quốc phục hồi vào mùa đông. Thêm nữa, tháng 11 cũng là thời điểm bắt đầu cho mùa đông lạnh giá tại châu Âu, lượng khí đốt dự trữ này sẽ nhanh chóng giảm để duy trì hệ thống sưởi ấm trên toàn EU. 

Và châu Âu chưa kịp thở phào, sẽ lại tiếp tục cầu cạnh các nguồn cung khí đốt khác, trong đó không thể thiếu Trung Quốc.

Với việc châu Âu quyết liệt ruồng bỏ năng lượng của Nga chỉ để chứng tỏ với thế giới rằng, EU sẽ không tài trợ cho ‘chế độ của Putin’, trong khi thực tế họ đang trả thêm nhiều tiền hơn cho cả hai ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin. 

Có một thực tế là, một trong những lý do khiến giá xăng giảm nhẹ gần đây ở châu Á là do một lượng đáng kể dầu giá rẻ của Nga đã quay trở lại thị trường quốc tế, thông qua một lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt. Lỗ hổng cho phép các sản phẩm đã được thay đổi cơ bản, được phép giao dịch trên thị trường quốc tế. 

Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là bán dầu thô của Nga là một hành vi vi phạm lệnh trừng phạt, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc lại có thể bán xăng được tinh chế từ dầu thô của Nga rõ ràng là OK.

Dù sao Financial Time cũng đã thừa nhận một sự thật, rằng các lệnh trừng phạt Nga càng lâu dài thì Trung Quốc càng có ảnh hưởng tới các quyết sách của châu Âu. 

Tờ này viết: “Châu Âu càng trở nên tuyệt vọng về nguồn cung cấp năng lượng của mình, thì các quyết định chính sách của Trung Quốc sẽ càng có sức ảnh hưởng đến khối. Khi châu Âu cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng, thì điều trớ trêu là nước này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”

Rõ ràng mọi tính toán của châu Âu để nhằm duy trì một nguồn cung khí đốt ổn định đều thất bại. Tổng thống Putin vẫn đang kiên nhẫn chờ mùa đông tới, và khi Nga đóng van khí đốt hoàn toàn, lúc đó châu Âu mới thật sự bước vào những ngày đen tối nhất…

Xem thêm: Nga – Trung liên thủ dồn dập: Mỹ đối phó hai mặt trận cùng lúc?