Mục điểm tin cập nhật trên các trang báo sáng 24/7 xin gửi đến quý vị những nội dung chính sau

Tin trong nước:

  • Đà Lạt: Mưa lớn, sạt lở gây tắc nghẽn; sơ tán hàng chục du khách khỏi khách sạn
  • Châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Điện Biên, phá hoại 20ha hoa màu, 40ha rừng tre nứa
  • Bộ Y tế kêu gọi dân giảm ăn muối để phòng ‘sát thủ số một tại Việt Nam’
  • ‘Nhiều nước sốc khi doanh nghiệp Nhật chọn sang Việt Nam đầu tư’
  • Dầu khí – Biển Đông: Sự ngang ngược của Bắc Kinh khiến Hà Nội mất 1 tỷ đô la

Tin thế giới:

  • Tình hình lũ nghiêm trọng, Trung Quốc nói cần theo dõi sát sao đập Tam Hiệp
  • Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật kêu gọi Trung Quốc xuống thang căng thẳng biên giới Ấn – Trung
  • Liên Hiệp Quốc đề nghị cấp thu nhập tạm thời cho người nghèo đề giúp chống Covid-19
  • Virus corona tiếp tục lây lan ở châu Á

Sau đây là những nội dung chi tiết

Tin trong nước

(Thanh Niên) – Đà Lạt: Mưa lớn, sạt lở gây tắc nghẽn; sơ tán hàng chục du khách khỏi khách sạn. Đầu giờ chiều 23/7, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) mưa lớn kéo dài làm nhiều bờ ta-luy sạt lở, hàng loạt cây thông bật gốc, chắn ngang đường Yersin và đèo Prenn khiến giao thông tắc nghẽn.

Trên đường Ngô Thì Sỹ, phường 4, mưa lớn làm bờ taluy dài 16 m, cao 4 m với kết cấu cọc khoan nhồi bằng bêtông bị sụt lún, đổ xuống dưới. Một khách sạn 4 tầng có nguy cơ sập. 44 người đã được yêu cầu sơ tán, trong đó có 30 du khách ra khỏi khu vực sạt lở.

Nhiều năm nay, Đà Lạt liên tục xảy ra tình trạng ngập và sạt lở mỗi khi mưa lớn. Tháng trước, trong cuộc thi chạy, nam vận động viên bị lũ cuốn tử vong. Theo các chuyên gia, việc đô thị hóa quá nhanh, rừng nội ô bị chặt phá, nhà kính nông nghiệp mọc lên như “nấm” là nguyên nhân gây tình trạng trên.

(Tuổi Trẻ) – Châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Điện Biên, phá hoại 20ha hoa màu, 40ha rừng tre nứa. Thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, từ ngày 20-7 trên 4 bản Bú Nhù Khó, Tá Miếu, Tả Gó Ky và A Pa Chải của xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phát hiện châu chấu (mật độ khoảng 100-200 con/m2, di cư không ổn định) bay từ hướng biên giới Trung Quốc sang phá hoại rừng tre, nứa, hoa màu tại địa phương.

Tính đến 15h ngày 23/7, đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang 4 bản của xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé đã phá hoại khoảng 20ha hoa màu, trong đó có 5ha thiệt hại đến 70% và phá khoảng 40ha rừng tre nứa.

Vào tháng trước, giới chức Trung Quốc phát cảnh báo, từ nay đến tháng 9, một phần của đất nước có thể bị tàn phá bởi nạn châu chấu sau khi bầy châu chấu tre lưng vàng đã phá hủy khoảng 65km2 đồng ruộng tại Phổ Nhĩ thuộc tỉnh Vân Nam.

(VnExpress) – Bộ Y tế kêu gọi dân giảm ăn muối để phòng ‘sát thủ số một tại Việt Nam’. Bộ Y tế ngày 23/7 kêu gọi công chúng giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Các bệnh tim mạch đang là sát thủ số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% số ca bệnh tử vong toàn quốc.

Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc. Đặc biệt, gần 60% người bị tăng huyết áp song chưa được phát hiện, trên 80% chưa được quản lý điều trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 g muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê. Tuy nhiên, đa số người Việt đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, gần 10 g mỗi người mỗi ngày song chỉ 16% số người được hỏi ý kiến nói rằng bản thân có ăn mặn.

(VnExpress) – ‘Nhiều nước sốc khi doanh nghiệp Nhật chọn sang Việt Nam đầu tư’. Tại cuộc họp báo ngày 23/7, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến.

“Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn gây sốc cho các quốc gia lân cận”, ông nói.

Đại diện của Jetro cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhưng không có nghĩa là dịch chuyển hoàn toàn nhà máy từ nước này sang nước khác.

(RFI) – Dầu khí – Biển Đông: Sự ngang ngược của Bắc Kinh khiến Hà Nội mất 1 tỷ đô la. Sự ngang ngược của Bắc Kinh tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông buộc Hà Nội phải hủy nhiều hợp đồng khai thác dầu khí với các tập đoàn nước ngoài. Chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton, trên trang mạng The Diplomat, hôm qua 22/7, cho biết Việt Nam có thể đã phải trả khoảng 1 tỷ đô la đền bù cho hai công ty Tây Ban Nha và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Tháng Bảy năm 2017, tập đoàn Repsol, đối tác của PetroVietnam, đã ra lệnh hủy khoan thăm dò theo kế hoạch ở lô 135-136/03. Tiếp theo đó, vào tháng 8/2018 Repsol đã được lệnh dừng khoan lô 07/03 gần đó (một dự án nằm trong khu vực « Cá Rồng Đỏ »). Theo chuyên gia Bill Hayton, Repsol đấu thầu thăm dò tại 13 lô dầu khí của Việt Nam, mà hai trong số những dự án đó nằm ở rìa ngoài của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và lọt hẳn trong đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.

Trong khoảng thời gian này, Bắc Kinh đã điều một đội tàu chiến gồm 40 chiếc đến vùng ngoài khơi đảo Hải Nam, cách địa điểm các giàn khoan khoảng hai ngày di chuyển, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dùng vũ lực, nếu hoạt động thăm dò tiếp diễn.

Tin thế giới

(Thanh Niên) – Tình hình lũ nghiêm trọng, Trung Quốc nói cần theo dõi sát sao đập Tam Hiệp. Bộ Thủy lợi Trung Quốc hôm nay 23/7 cảnh báo mực nước ở 93 con sông ở nước này vẫn vượt mức cảnh báo và hồ chứa của đập Tam Hiệp cần phải được theo dõi sát sao khi nước lũ sắp dâng lên.

“Tình hình kiểm soát lũ hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và không thể lơ là”, Bộ Thủy Lợi Trung Quốc nhấn mạnh. Hai thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu ở bờ biển phía đông Trung Quốc hứng đợt mưa to kỷ lục hôm 22/7. Ngoài ra, sáng sớm 23/7, các tỉnh  Giang Tây và An Huy dọc sông Dương Tử đã ban hành báo động đỏ mới vì mưa lũ.

Lúc 8 giờ sáng 18/7, dòng nước lũ đổ về hồ chứa của đập Tam Hiệp với vận tốc 63.000 m3/giây và tình trạng này kéo dài tới 18 giờ đồng hồ trước khi lưu lượng nước giảm xuống còn 46.000 m3/giây.

Tính đến 14 giờ ngày 19/7, đập Tam Hiệp giữ 14 tỷ m3 nước trong mùa lũ chính năm nay và nhằm giảm áp lực nước trong hồ chứa, giới chức đã cho mở 7 cổng xả lũ, theo Tân Hoa xã. 

(PTI/RFI) – Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật kêu gọi Trung Quốc xuống thang căng thẳng biên giới Ấn – Trung. Dự luật được thông qua ngày 21/7, một hôm sau khi Hạ Viện Mỹ nhất trí thông qua một điều khoản sửa đổi Luật Ủy Quyền Quốc Phòng (NDAA), tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Ấn Độ tại vùng thung lũng Galwan và thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như ở Biển Đông.

(Reuters/RFI) – Liên Hiệp Quốc đề nghị cấp thu nhập tạm thời cho người nghèo đề giúp chống Covid-19. Một báo cáo của Chương Trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP, được công bố hôm nay, 23/7, cho rằng biện pháp cấp thu nhập cơ bản tạm thời cho những người nghèo nhất trên thế giới, đồng nghĩa với việc 2,7 tỷ người tại 132 quốc gia sẽ được ở nhà, qua đó giúp làm giảm số ca nhiễm Covid-19.

(Reuters/RFI) – Virus corona tiếp tục lây lan ở châu Á.  Ngày 23/7, Hồng Kông ghi nhận thêm 118 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Virus lây lan nhanh hơn tại đặc khu hành chính này từ hai tuần nay và hiện vẫn ở mức « nghiêm trọng » theo  một phát ngôn viên chính phủ. Hàn Quốc có thêm 60 ca nhiễm mới, và đây là con số cao nhất trong 18 ngày gần đây. Dù có dấu hiệu giảm, nhưng số ca nhiễm mới trong vòng một ngày ở Singapore vẫn vượt 350 ca, phần lớn là người lao động nước ngoài. Còn tại Ấn Độ, lần đầu tiên trong vòng 49 ngày qua, số ca nhiễm mới ở thủ đô New Delhi đã xuống ngưỡng 1.000.

Cập nhật tối 23/7: Bắt giam con gái hành hạ mẹ ruột gần 90 tuổi; Gần 100 người Việt nhiễm Covid -19 cầu cứu