400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động ở Trường Sa và Hoàng Sa: Việt Nam nói gì?
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và đưa 400 doanh nghiệp ra hoạt động ở Trường Sa, Hoàng Sa.
- Tàu khu trục Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc
- Biển Đông: Việt Nam có thể đàm phán để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
- Tướng Philippines: Biển Đông có nguy cơ bùng phát xung đột quân sự
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 15/10, trả lời câu hỏi của phóng viên VTC News đề nghị bình luận về thông tin của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) nói rằng, Trung Quốc có 400 doanh nghiệp trên cái gọi là thành phố Tam Sa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Hành động này không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình ở Biển Đông, khu vực và thế giới”, bà Hằng nói.
Khi được yêu cầu nêu quan điểm về tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho rằng, các nước thuộc Bộ tứ kim cương (QUAD – gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) nên tăng cường hợp tác với ASEAN trong một số lĩnh vực, trong đó có bảo đảm tự do trên biển, bà Hằng nêu rõ:
“ASEAN luôn hoan nghênh các sáng kiến, ý tưởng đóng góp vào hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực. Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đặt mục đích chính cho Năm Chủ tịch là xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.
Tam Sa là khái niệm được Trung Quốc đưa ra từ ngày 24/7/2012, đề cập tới một thành phố ở Biển Đông gồm Tây Sa, Nam Sa, và Trung Sa, được Trung Quốc coi như trực thuộc tỉnh Hải Nam của nước này, và đặt chính quyền ở đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam).
Theo Tuổi Trẻ Online, đây là cách Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, vì “thành phố Tam Sa” này chính là những khu vực Trung Quốc chiếm đóng và tuyên bố trái phép.
Tây Sa chính là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Nam Sa là tên Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Trung Sa là bãi Macclesfield.
Hồi tháng 9 qua, Sáng kiến Minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài viết về các hoạt động của Trung Quốc ở cái gọi là “Tây Sa”, trong đó cho thấy từ năm 2012, nơi đây đã có hơn 400 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động.