Chuyến đi cuối cùng của cậu bé tí hon K’rể
Đinh Văn K’rể đã kết thúc hành trình cổ tích ở nhân gian bằng lần trở về với ngôi làng Gò Da (xã Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà, Quảng Ngãi). Ngày cậu bé tí hon K’rể 11 tuổi nặng 4,3kg trở về, trời đổ mưa tầm tã suốt dọc đường từ bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi tới gia đình.
- Cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể đã qua đời
- Ánh Hoa – Bà mẹ hồn hậu trên màn ảnh qua đời do tai biến mạch máu
- Tổng hợp trưa 7/10: Mưa lớn có thể gây lũ lịch sử ở miền Trung; Ca sĩ Tuấn Phương qua đời
Sau 4 ngày nhập viện vì đột quỵ, trái tim cậu bé tí hon Đinh Văn K’rể ngừng đập vào ngày 9/11. Theo Pháp luật và Bạn đọc, người thân đã vượt 70km để đưa em về quê. Trong đó thầy giáo Đinh Văn Cương cùng những người yêu quý K’rể đã cùng em đi bộ vượt đoạn đường núi dài 10km dưới trời mưa tầm tã để về với ngôi nhà nhỏ trên đỉnh núi.
Tiễn K’rể đoạn đường cuối về với núi rừng, trời mưa tầm tã đường đất khó đi nhưng vẫn có rất đông người thân, dân làng ra đầu đường để đón. Do ảnh hưởng của mưa bão khiến đường đất sạt lở, mọi người phải đi bộ qua đoạn đường rừng dài 10km để đưa K’rể về với gia đình.
Trước đó, muốn để K’rể được bên người thân khi trái tim em vẫn còn nhịp sống, các bác sĩ đã quyết định cho cậu bé xuất viện về nhà. Suốt cả đoạn đường dài, K’rể nằm gọn trong lòng người thân, còn thầy Cương luôn đi bên cạnh, bóp bình ô xy để cậu bé có thể về được ngôi nhà nhỏ của mình, được gặp gia đình, gặp anh em và nhìn núi rừng quê hương lần cuối trước khi rời cõi tạm.
Theo kênh Youtube “Tí hon K’Rể & Rio family”, buổi tối qua cả làng Gò Da không ngủ. Những tiếng khóc than dấm dứt suốt đêm trong mái nhà loang ánh điện của K’rể. Thi thể cậu bé tí hon được quàn trong nhà sàn, bên cạnh những người thân thuộc trước khi được an táng theo phong tục địa phương.
Gắn bó và chăm sóc bé K’Rể như con đẻ suốt nhiều năm, thầy giáo Đinh Văn Cương xót xa với sự ra đi đột ngột của cậu học trò đặc biệt nhất trong cuộc đời làm giáo viên.
“K’Rễ qua đời, tôi đau đớn như mất đứa con của mình. Hôm nay, tôi cùng dân làng lội bùn băng rừng hơn 8 km đưa con về làng Gò Da mà như đứt từng khúc ruột”, thầy giáo Cương nói với Zing.
Thay lời chào, tri ân của cậu học trò – người con bé nhỏ của mình gửi lại mọi người, thầy Cương đăng trên mạng xã hội: “Trước khi con ra đi về với ông bà, tổ tiên, con cảm ơn cuộc đời này đã cho con những tháng ngày vui vẻ, hạnh phúc và không quên cảm ơn cha mẹ, người đã sinh thành ra con, cảm ơn các ông bà, các bác, các cô, dù ở rất xa hay gần nhưng vẫn quan tâm đến con.
Cảm ơn các thầy, cô giáo, là cha mẹ thứ hai của con đã dạy con các kĩ năng và cách sống làm người, cảm ơn các bạn, các em đã chia sẻ tình cảm với K’rể và cảm ơn tất cả những tấm lòng nhân ái, cảm ơn tất cả mọi sự yêu thương và cảm ơn các bác sĩ đã tận tình khám, chữa bệnh cho con...
Con sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, nhưng con lại nhận được bao nhiêu những tình cảm đặc biệt của tất cả mọi người. Con xin kính chào tất cả. Ở nơi ấy con sẽ luôn phù hộ cho tất cả mọi người. Con xin vĩnh biệt...
Theo các chuyên gia y tế, K’Rễ có thể mắc hội chứng Seckel, hay còn gọi là tật “người lùn, đầu chim”. Đây là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, là bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể số 3 và số 18.
Tỷ lệ bệnh này ở trẻ ước tính 1/10.000 đến 1/4.000 trẻ sinh sống. Đặc điểm chung nhận dạng của những bé mắc hội chứng này là vóc dáng thấp bé, nhẹ cân lúc sinh, kích thước đầu rất nhỏ, não nhỏ, trán thụt, mắt to, tai đóng thấp, mũi nhô ra có hình như mỏ chim, cằm tương đối nhỏ.
Y học thế giới chưa tìm được nguyên nhân và phương pháp chữa trị căn bệnh mà K’rễ đang mắc phải. Cả Việt Nam mới xác nhận có 7-8 trường hợp. Phần lớn đã qua đời.