Trung Quốc triển khai hàng chục chiến đấu cơ khi tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông sau khi TT Biden nhậm chức. Phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và điều máy bay chiến đấu bay vào khu vực phòng thủ của Đài Loan.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông sau khi TT Biden nhậm chức
Theo The Economic Times ngày 25/1, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ ra thông báo ngày 23/1 rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (TRCSG) đã tiến vào Biển Đông. Nhóm tác chiến này bao gồm USS Theodore Roosevelt (CVN 71), Cánh quân Tàu sân bay (CVW) 11, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Bunker Hill (CG 52), Hải đội Khu trục 23 và các tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Russell (DDG 59) và USS John Finn (DDG 113).
Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, lực lượng hàng không mẫu hạm của Mỹ đã hiện diện ở Biển Đông.
Việc này diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc thông qua luật trao quyền cho lực lượng tuần duyên của họ bắn vào các tàu nước ngoài và phá dỡ các công trình được xây dựng trong vùng biển tranh chấp. Cụ thể là cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, hôm thứ Sáu đã thông qua luật tuần duyên cho phép lực lượng tuần duyên sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để ngăn chặn các mối đe dọa do tàu nước ngoài gây ra trong vùng biển “thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”.
Trung Quốc phản đối bằng cả lời nói và hành động
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/1, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã chỉ trích Mỹ vì đã cử nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Theodore Roosevelt dẫn đầu tới Biển Đông. Ông Triệu nói: “Sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực nếu Hoa Kỳ thường xuyên cử tàu và máy bay quân sự đến Biển Đông để phô trương thế lực”.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nói thêm, “Chúng tôi kêu gọi phía Hoa Kỳ nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung – Mỹ, xử lý một cách thận trọng và đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan; kiềm chế không gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào đối với “Đài Loan độc lập” để tránh làm tổn hại quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Đồng thời Trung Quốc đã triển khai hơn chục máy bay chiến đấu tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan; thay vì chỉ có máy bay trinh sát như thường thấy trong những tuần trước.
Phía Đài Loan cho biết vào ngày 24/1, có 8 máy bay ném bom và 4 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay vào khu vực phòng thủ của Đài Loan, giữa Đài Loan lục địa và quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông. Sau đó vào ngày 25/1, đã có thêm 15 máy bay Trung Quốc đã bay vào vùng không phận của Đài Loan.
Như vậy, bất chấp Nhà Trắng có Tổng tư lệnh mới, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang với việc Trung Quốc dồn lực triển khai quân sự ở Biển Đông sau khi Mỹ ra chính sách hợp tác chặt chẽ với Đài Loan.