Dưới thời Biden, Mỹ đang bắt đầu giống với Trung Quốc
Một học giả người Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định rằng một số biểu hiện ở Mỹ hiện nay rất giống với các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Wesley J. Smith là chủ tịch Trung tâm Khả năng Xuất chúng của Con người thuộc Viện Khám phá (Mỹ). Trong bài bình luận đăng trên The Epoch Times hôm 21/7/2021, ông Smith cho rằng: “Ngày nay, Trung Quốc theo chủ nghĩa phát xít về kinh tế hơn là chủ nghĩa cộng sản”.
Ông đề cập đến “sức ảnh hưởng ngày càng tăng của người tiêu dùng” Trung Quốc. Ngày nay, nhiều công ty nước ngoài tự kiểm duyệt mình theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì muốn chen chân vào thị trường hơn tỷ dân của Trung Quốc.
“Việc mạo phạm chính quyền có nguy cơ giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng của họ”, ông Smith nói về các công ty bị ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Sự lầm tưởng của Mỹ
Ông Smith đề cập đến việc Mỹ từng tạo điều kiện cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và những cơ hội khác để phát triển kinh tế.
“Tại sao các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ lại hợp tác trong việc biến Trung Quốc lạc hậu thành đối thủ thách thức nhất của chúng ta?”, ông Smith nêu vấn đề.
“Họ hy vọng rằng một khi Trung Quốc thịnh vượng, nó sẽ ngày càng phát triển tự do. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Ngược lại, Trung Quốc thậm chí còn chuyên chế hơn so với 20 năm trước. Hơn nữa, ảnh hưởng độc tài của nước này đã lan rộng ra ngoài biên giới của nó, đến mức chúng ta đang trở nên giống Trung Quốc hơn thay vì giống như chúng ta.”
Mỹ đang trở nên giống Trung Quốc như thế nào?
Ông Smith cho biết: “Tất nhiên, Hoa Kỳ không làm gì giống với nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, cuộc đàn áp tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công, hay tình trạng áp chế Hồng Kông. Nhưng điều đó không nên khiến chúng ta lạc quan”,
“Quyền lực ở Hoa Kỳ ngày càng tập trung vào một đội ngũ ưu tú gồm những người đi theo hệ tư tưởng cấp tiến về chính trị — các chính trị gia, học giả, lãnh đạo công đoàn giáo viên, giám đốc điều hành công ty đa quốc gia, nhà báo và những tay sai đắc lực của Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn).”
Nhà nghiên cứu bình luận: “Thực tế hiện tại của đời sống dân sự đã dẫn đến các chính sách có sự tương đồng đáng lo ngại với Trung Quốc.”
Ví dụ: Văn hóa bãi bỏ và hệ thống chấm điểm công dân
Ông Smith nêu một ví dụ là “văn hóa bãi bỏ” hay “văn hóa tẩy chay” (Cancel Culture) đang gia tăng ở Mỹ. Ông cho rằng văn hóa này là một hình thức trừng phạt người khác khi họ không có quan điểm phù hợp với mình. Điều đó tương tự như cách ĐCSTQ “chấm điểm tín nhiệm” của công dân; sau đó trừng phạt những người không làm theo tiêu chuẩn mà chính quyền đặt ra.
Tại Mỹ, ông Smith cho biết: “Nếu bạn dùng ‘sai’ để mô tả về người chuyển giới, thì bạn có thể sẽ bị thất nghiệp. Nếu trang mạng xã hội của bạn phản ánh thái độ hiện bị coi là phân biệt chủng tộc — dù chúng không có ý như vậy — thì có thể bạn sẽ bị hủy bỏ giấy nhập học vào một đại học lớn. Nếu bạn viết sai ý kiến về chính sách COVID thì tài khoản mạng xã hội của bạn sẽ bị đình chỉ.”
“Và giờ đây, cả chính quyền liên bang cũng đã tham gia vào trò hủy bỏ. Mới tuần trước, chính quyền Biden thông báo rằng họ đang phối hợp với Facebook để gắn cờ các bài đăng nhằm kiểm duyệt các thông tin mà chính phủ cho là ‘thông tin sai lệch’ về vắc xin.”
Ông Smith cho rằng việc này “có vẻ tương tự một cách đáng lo ngại với phương thức chuyên chế mà ĐCSTQ triển khai để kiểm soát thông tin đối với người dân Trung Quốc”.
Tổng thống Joe Biden gần đây nói rằng thế giới đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa “chế độ chuyên quyền và dân chủ”.
Ông Smith cho rằng ông Biden nói đúng; nhưng “điều trớ trêu” là chính quyền Biden đang trở nên “chuyên quyền” thay vì dân chủ.
“Chúng ta chắc chắn không thành một chế độ độc tài như Trung Quốc, nhưng quả đúng như châm ngôn nổi tiếng ‘Chúng ta đã gặp kẻ thù và họ đang trở thành chính chúng ta”, ông Smith viết.