Hiệu quả chống biến thể Delta của vắc xin Pfizer, AstraZeneca giảm sau 3 tháng
Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh) phát hiện hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của các loại vắc xin COVID-19 phổ biến đối với biến thể Delta giảm dần trong 3 tháng. Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng bảo vệ đối với người đã tiêm 2 mũi vắc xin tương đương với người từng nhiễm Covid-19.
Tờ The Epoch Times đưa tin nghiên cứu do Đại học Oxford và cơ quan Thống kê quốc gia (Anh) thực hiện được công bố hôm 19/8 dựa trên việc xem xét hơn 3 triệu xét nghiệm PCR từ khắp nước Anh trong bối cảnh biến thể Delta phổ biến trong năm nay.
“Những người đã tiêm vắc xin sau khi bị nhiễm COVID-19 thậm chí được bảo vệ nhiều hơn những người đã tiêm vắc xin mà chưa từng nhiễm COVID-19”, Đại học Oxford cho biết.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm virus của vắc xin do AstraZeneca và Pfizer sản xuất giảm xuống sau vài tháng nhưng nó vẫn có tác dụng bảo vệ chống lại biến thể Delta. Theo đó, khoảng 90 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 của vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca, hiệu quả ngăn chặn lây nhiễm giảm xuống lần lượt còn 75% và 61%. Tỷ lệ này giảm xuống mức tương ứng là 85% và 68% trong 2 tuần đầu sau khi tiêm mũi thứ 2.
Họ nói thêm rằng: “Hai liều của hai loại vắc-xin ít nhất vẫn cung cấp mức độ bảo vệ tương tự như những người từng nhiễm COVID-19”.
Nghiên cứu cũng phát hiện những người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm đầy đủ vắc xin có tải lượng virus tương đương với những người không tiêm bị bệnh.
Simon Clarke, phó giáo sư về vi sinh tế bào tại Đại học Reading, cho biết: “Chúng tôi đang thấy dữ liệu thực tế về hiệu quả hoạt động của hai loại vắc-xin chứ không phải dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, và các bộ dữ liệu đều cho thấy biến thể Delta đã làm giảm hiệu quả của cả Pfizer và AstraZeneca như thế nào”.
Các nhà nghiên cứu không dự báo khả năng bảo vệ của vắc xin sẽ giảm thêm bao nhiêu theo thời gian, tuy nhiên họ cho rằng hiệu quả của hai loại vắc xin trên sẽ ở mức độ bằng nhau trong vòng 4-5 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.
Một phát hiện khác từ nghiên cứu là một mũi vắc xin Moderna có hiệu quả tương tự hoặc cao hơn so với liều đơn của các loại vắc xin khác đối với biến thể Delta.
Phát hiện từ nghiên cứu mới của Đại học Oxford phù hợp với phân tích của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng được công bố hôm 19/8 khi chính phủ Mỹ lên kế hoạch tiêm bổ sung mũi thứ 3 bắt đầu từ ngày 20/9 tới, theo Reuters.
Trong khi đó, Israel hồi tháng trước đã bắt đầu tiêm liều vắc xin thứ 3 của Pfizer để đối phó đợt bùng phát mới do biến thể Delta gây ra. Nhiều nước châu Âu cũng có kế hoạch bắt đầu tiêm bổ sung cho những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.