Thế giới 19/12: Tàu hải dương học Mỹ tới Biển Đông để làm gì?
Bắc Kinh cáo buộc tàu hải dương học Mỹ tới Biển Đông để chống lại Trung Quốc. Dưới đây là bản tin thế giới ngày 19/12/2021:
Nội dung chính
Trung Quốc diễn giải sai sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông
Theo National Interests (NI), Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang tăng cường hỗ trợ chiến tranh tàu ngầm chống lại Bắc Kinh. Tờ Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng việc Mỹ cử tàu hải dương học Mỹ ở Biển Đông là nhằm “thu thập dữ liệu địa lý và thủy văn dưới nước để hỗ trợ chiến tranh tàu ngầm chống Trung Quốc trong khu vực”.
NI viết: “Bất chấp ngôn từ cực đoan, khiêu khích mà tờ báo Trung Quốc sử dụng, sự hiện diện thực tế của con tàu này có thể không phải là một nhiệm vụ chiến tranh, mà là một nỗ lực thiết lập bản đồ khu vực tốt hơn nhằm tránh tai nạn trên vùng biển quốc tế”.
Bài báo của NI cho biết Hải quân Hoa Kỳ có thể muốn thực hiện một số biện pháp bổ sung để đối phó với sự cố gần đây, đó là tàu ngầm Mỹ va phải mỏm núi dưới nước ở Biển Đông.
Tập Cận Bình chỉ đạo giới chức Trung Quốc “hãy đánh trả” phương Tây
Theo SCMP, một cuốn sách mới công bố gần đây đã trích dẫn những câu nói của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2014. Trong đó, ông Tập yêu cầu các quan chức Trung Quốc: “Hãy đánh trả khi bị chỉ trích về nhân quyền”.
Chỉ đạo này được đưa ra khi chính quyền Trung Quốc thường xuyên đối mặt với những lời chỉ trích về vi phạm nhân quyền từ các quốc gia phương Tây.
Bộ trưởng Brexit của Anh từ chức
Ông Lord Frost, Bộ trưởng Brexit, đã từ chức khỏi chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Frost là người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Vương quốc Anh về Thỏa thuận rút khỏi EU và Nghị định thư Bắc Ireland.
Theo BBC, trong một bức thư gửi cho ông Johnson, ông Frost nói rằng Brexit hiện đã xong, nhưng ông có “lo ngại về hướng đi hiện tại”.
Ông Frost nói rằng việc từ chức của ông sẽ có “hiệu lực ngay lập tức” và bày tỏ mong muốn thấy một nền kinh tế có “thuế thấp”.
Lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko tìm kiếm hỗ trợ từ Trung Quốc
Theo SCMP, ông Lukashenko đang tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh phương Tây gia tăng áp lực với về cuộc khủng hoảng người tị nạn EU và việc ông bị chỉ trích là gian lận bầu cử.
Tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông gọi ông Lukashenko là “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”. Ông giữ chức tổng thống Belarus 27 năm qua.