Bắt giám đốc phòng thí nghiệm Trung Quốc bị nghi làm lây lan virus Corona
Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm lâm sàng Kingmed Trịnh Châu tại Trung Quốc bị bắt và điều tra về cáo buộc làm lây lan virus Corona, cảnh sát cho biết.
Tờ SCMP đưa tin một giám đốc phòng thí nghiệm y khoa ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vừa bị bắt vì “nghi vấn phạm tội hình sự” khiến virus Corona lây lan, trong lúc tỉnh này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch.
Thông tin được xác nhận trong một tuyên bố đưa ra hôm 12/1 của cảnh sát thành phố Hứa Xương, tỉnh Hà Nam.
Nghi can họ Trương là quản lý khu vực của Trung tâm Thí nghiệm lâm sàng Kingmed Trịnh Châu. Ông bị bắt giữ vì nghi ngờ vi phạm Luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm và “có hành vi làm lây lan virus Corona hoặc làm gia tăng nghiêm trọng nguy cơ lây nhiễm dịch”.
Cảnh sát cho biết vụ việc đang được tiến hành điều tra.
Cùng ngày, công ty mẹ của Kingmed Trịnh Châu là Tập đoàn chẩn đoán Kingmed Quảng Châu cũng xác nhận một nhân viên của mình bị bắt.
Một tuyên bố khác sau đó của Kingmed Quảng Châu bác bỏ các tin đồn về việc bị điều tra vì “ngụy tạo dữ liệu” và “làm mất mẫu xét nghiệm”. “Chúng tôi kêu gọi công chúng không bịa đặt, lan truyền hay phát tán các thông tin sai lệch”, theo thông cáo.
Theo một quan chức thành phố Trịnh Châu, thủ phủ Hà Nam, phòng thí nghiệm Kingmed đã được trao hợp đồng xét nghiệm Covid-19 hàng loạt tại Vũ Châu, thành phố Hứa Xương. Tuy nhiên, hợp đồng đã bị hủy sau một số khiếu nại liên quan việc xử lý các mẫu xét nghiệm.
Vũ Châu là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch mới nhất ở tỉnh Hà Nam. Hơn 1,1 triệu dân tại thành phố này đã bị phong tỏa suốt hơn 1 tuần, đồng thời bị xét nghiệm bắt buộc hàng loạt.
Đây không phải lần đầu tiên tại Trung Quốc mà nhân viên y tế hoặc người dân bị bắt vì vi phạm các quy định kiểm soát Covid-19. Quản lý họ Trương là trường hợp thứ hai liên quan tới phòng thí nghiệm.
Vào năm ngoái, một phòng thí nghiệm tại tỉnh Hà Bắc bị đình chỉ hoạt động và một quản lý bị bắt vì “gây nguy hiểm cho an toàn cộng đồng”, sau khi khiến 300.000 người phải xét nghiệm lại vì nhầm lẫn kết quả.