Nga trong ‘bão’ trừng phạt: Lạm phát tăng phi mã, đồng rúp mất giá kỷ lục
Công ty nghiên cứu Capital Economics dự đoán “sự giảm giá mạnh của đồng rúp và các biện pháp trừng phạt của nước khác lên Nga sẽ làm gia tăng đáng kể lạm phát ở nước này trong những tháng tới”, theo Businesstimes.
Dữ liệu do Cục Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Nga đã tăng nhanh trong nhiều tháng qua và đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 2/2022.
Theo AFP, tỉ lệ lạm phát của Nga vào tháng trước là 9,15%. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ này vượt quá 9% kể từ tháng 1/2016. Trong khi đó, giá lương thực tăng gần 11,5%.
Tỉ lệ lạm phát trong tháng 2 cao gấp đôi so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Dữ liệu này chưa tính tới sức ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tình trạng lạm phát đã tác động đến sức mua của những người Nga có ít tiền tiết kiệm, và khiến nhà chức trách nước này đau đầu trong những tháng gần đây.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây có khả năng đẩy giá nhiều hàng hóa tại Nga lên cao hơn nữa, đặc biệt khi đồng rúp đã mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến mọi hàng hóa mà Nga nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.
Giá đồng rúp ngày 9/3 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục bất chấp các biện pháp mà Nga đưa ra nhằm củng cố nền kinh tế và bảo vệ đồng tiền này trước đòn trừng phạt, theo Reuters. Ngân hàng Trung ương Nga trước đó đã tăng gấp đôi lãi suất lên 20% và chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp khẩn cấp khác.
Hiện Mỹ và các đồng minh đang xem xét cấm vận dầu thô từ Nga. Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index lưu ý rằng “lệnh cấm này có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga”.
Tuần qua, các nhà kinh tế đã bắt đầu hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Theo đó, JPMorgan Chase & Co và Goldman Sachs cùng đưa ra dự báo GDP Nga giảm 7% năm nay. Trong khi đó, Bloomberg Economics cho rằng mức giảm sẽ đến 9%. Năm 1998, nền kinh tế này mất 5,3% trong bối cảnh vỡ nợ.