Ấn Độ biến lệnh trừng phạt Nga của G7 trở thành con số 0
Cuộc điện đàm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Nga Putin hôm 16/12 đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ song phương vào thời điểm Nga đang hứng chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.
Bất chấp truyền thông phương Tây đưa tin rằng, Ấn Độ đang rời xa Nga, rằng Thủ tướng Modi chỉ trích Putin…, thực tế ngược lại ngày càng cho thấy Ấn Độ đang tăng cường quan hệ kinh tế với Nga, và cho thấy rõ ràng mối quan hệ song phương Nga-Ấn đã chi phối cuộc trò chuyện giữa hai nguyên thủ hôm 16/12 vừa qua như tuyên bố của 2 chính phủ.
Điều quan trọng là Thủ tướng Modi cho thấy lập trường kiên định của nước này trước áp lực của phương Tây, khi cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng leo thang vì Mỹ và NATO không còn lựa chọn nào khác bằng cách ngăn chặn mọi con đường dẫn tới chiến thắng của Nga, mà quyết định triển khai tên lửa Patriot của chính quyền Biden là một bước leo thang lớn.
Theo TASS, Moscow đã xác nhận rằng Mỹ đã lên kế hoạch, chủ mưu và trang bị cho Ukraine khả năng quân sự để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga – trên thực tế là hàng trăm km – bao gồm cả việc tấn công căn cứ không quân ở Engels, nơi các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đang đóng quân. Ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường chưa bao giờ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạt nhân của nhau.
Vì vậy, Thủ tướng Modi đã chọn đúng thời điểm gay cấn này để thảo luận về “mức độ hợp tác song phương cao, trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền Nga-Ấn Độ”, bao gồm các lĩnh vực then chốt về năng lượng, thương mại và đầu tư, hợp tác quốc phòng và an ninh, đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây.
Nói cách khác, thông điệp ngầm truyền tải hàm ý rằng, Ấn Độ sẽ không cho phép nước này trở thành “con tin” bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp lên Nga.
Đối với Ấn Độ, việc định hướng lại chính sách ngoại giao kinh tế của Nga đối với khu vực châu Á mang đến những cơ hội kinh doanh to lớn. Ai có thể nghĩ 9 tháng trước Nga sẽ trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Ấn Độ, vượt qua cả Iraq, Ả Rập Saudi và Mỹ?
Theo Reuters, Ấn Độ đã mua khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu dầu Urals của Nga được vận chuyển bằng đường biển trong tháng 11, trong khi EU chiếm 25%, Thổ Nhĩ Kỳ 15% và Trung Quốc 5%.
Các số liệu tháng 11 cho thấy trong khi Nga cung cấp 909.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho Ấn Độ, thì các số liệu tương ứng của Iraq là (861.000), Ả Rập Saudi (570.000,) và Mỹ (405.000).
Trước đó, Ấn Độ đã không ủng hộ mức giá trần đối với dầu của Nga do các nước G7 áp đặt. Tờ Indian Express của Ấn Độ hôm 6/12 đã viết như sau:
“Bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, Ấn Độ đã quyết định không chỉ tiếp tục mà còn tăng gấp đôi thương mại với Moscow trong “tương lai gần”. Hiện tại, lập trường của New Delhi vẫn là không cam kết đối với bất kỳ thỏa thuận giới hạn giá nào như vậy.
Điều đau hơn nữa với chính quyền Biden là “Vào ngày 9/11, Ngoại trưởng Jaishankar và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp nhau tại Moscow, và Ấn Độ đã nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục mua vũ khí từ Moscow.
Ngoại trưởng Jaishankar tuyên bố “…Tuy nhiên, với tư cách là người tiêu dùng dầu khí lớn thứ ba thế giới, với tư cách là người tiêu dùng có mức thu nhập không cao, nghĩa vụ cơ bản của chúng tôi là đảm bảo rằng người tiêu dùng Ấn Độ có khả năng tiếp cận tốt nhất theo các điều khoản có lợi nhất đối với thị trường quốc tế. Và về khía cạnh đó, thành thật mà nói, chúng tôi đã thấy rằng mối quan hệ Ấn Độ-Nga đã mang lại lợi ích cho chúng tôi. Vì vậy, nếu nó mang lại lợi ích cho tôi, tôi muốn tiếp tục quan hệ này”.
Chuyến thăm Moscow của Ngoại trưởng Jaishankar hồi tháng 11 đã tập trung vào danh sách 500 mặt hàng mà Nga muốn nhập khẩu từ Ấn Độ, trong đó Ấn Độ cam kết sẵn sàng cung cấp cho Nga, bao gồm các phụ tùng thay thế cần thiết cho máy bay, ô tô và tàu hỏa.
Điều đáng nói là trong mối quan hệ hợp tác này, Ấn Độ sẽ đóng vai trò như một quốc gia “trung chuyển” đối với “nhập khẩu song song” của Nga. Nghĩa là người Nga không chỉ có thể mua hàng hóa của Ấn Độ từ Ấn Độ mà còn mua được cả các sản phẩm khác từ các nước thứ ba.
Đây được cho là đòn giáng mạnh vào Mỹ và EU khi phương Tây muốn siết chặt chuỗi cung ứng công nghệ cung cấp cho các ngành công nghiệp kinh tế lẫn quốc phòng của Nga.
Lưu ý là ngay sau khi G7 áp dụng giá trần và lệnh cấm dầu thô Nga của EU, xuất khẩu của Nga đã tăng gần 17%. Theo Bloomberg, từ ngày 5 đến ngày 9/12, các chuyến vận chuyển dầu ra nước ngoài của Nga đạt 3,45 triệu thùng mỗi ngày. Đây là một trong những con số cao nhất cho xuất khẩu của Nga trong năm nay, mà đích đến là Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong khi ấy, Nga kiên quyết áp dụng lệnh cấm vận đối với các nguồn cung cấp dầu cho G7 và Australia. Nhật báo Rossyiskaya Gazeta của Nga đưa tin như sau: “Không có cơ chế thực sự nào có thể thực thi những hạn chế này của [G7]… đã có khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga rời các cảng của Nga mà không cho biết điểm đến cuối cùng. Đó gọi là “khu thương mại xám”, cho phép các thương nhân mua nguyên liệu thô của Nga mà không có nguy cơ bị áp các lệnh trừng phạt thứ cấp…”
Điều thú vị là không chỉ cái gọi là “vùng xám” của Nga đang mở rộng tăng dần đều, mà bên cạnh đó ngay cả các thành viên EU cũng có thể mua được dầu của Nga thông qua bên thứ ba.
Mục tiêu mấu chốt của chính quyền Biden không phải là hạn chế khối lượng dầu xuất khẩu của Nga, mà là làm giảm nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên không phải điều gì Tổng thống Biden muốn đều thành hiện thực.
Những toan tính đầy thực dụng của chính quyền Biden mới đây càng cho thấy kế hoạch cô lập, loại Nga ra khỏi thị trường toàn cầu là hoàn toàn bất khả thi khi hôm 15/12 vừa qua, Mỹ tiếp tục đưa tỷ phú người Nga Vladimir Potanin vào danh sách đen, nhưng lại miễn trừ hai công ty lớn nhất của ông này khỏi phạm vi trừng phạt là công ty MMC Norilsk Nickel và Tinkoff Bank.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì thị phần của công ty MMC trên thị trường niken cao cấp thế giới chiếm tới 17%, palađi 38%, bạch kim 10%, rhodium 7%, đồng và coban 2% mỗi loại. Cho nên nếu Mỹ trừng phạt công ty Nga này, có thể làm trầm trọng thêm thị trường kim loại màu trên thế giới và có thể gây tổn hại cho chính các nhà sản xuất Mỹ.
Rõ ràng, việc Mỹ và EU tiếp tục vũ khí hóa các lệnh trừng phạt chống lại Nga trong tháng 12 này tiếp tục phản tác dụng. Việc Thủ tướng Modi củng cố mối quan hệ của ông với Tổng thống Putin cũng trong tháng 12 này, càng cho thấy Ấn Độ coi nhẹ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chỉ 1 ngày sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga – Ấn, Phái đoàn thường trực của Liên bang Nga tại EU tuyên bố rằng, việc EU liên tục mở rộng các biện pháp trừng phạt – với vòng trừng phạt thứ 9 – đã vi phạm các quy tắc quốc tế cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới, và điều này chỉ dẫn đến sự gia tăng số lượng các quốc gia ngày càng nghiêng về quan điểm của Nga.
Như vậy trên mặt trận ngoại giao và kinh tế, người Nga vẫn đang chiếm ưu thế bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Có thể bạn quan tâm: