Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất lo lắng về tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đến Biển Đông, theo Nikkei Asia.

“Đối với ASEAN, các chuyên gia cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine đi đôi với các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông”, theo Nikkei.

Các nước ASEAN lo ngại rằng, nếu hành động của Nga không bị trả giá, thì nó “có thể sẽ gây ra những tác động lan tỏa trong khu vực” Đông Nam Á.

“Những gì đang xảy ra ở Ukraine bây giờ có liên quan đến chúng tôi. Nếu quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’, thì thế giới sẽ là nơi nguy hiểm đối với các nước nhỏ. Đây là lý do tại sao Singapore trung thành ủng hộ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên Twitter.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người đồng cấp Malaysia, Ismail Sabri Yaakob, đã trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine trong cuộc hội đàm tại Phnom Penh ngày 24/2.

Ông Hun Sen nói với các phóng viên Straits Times, một tờ báo tiếng Anh ở Singapore: “Mặc dù chúng tôi ở rất xa và là một đất nước nhỏ, nhưng các vấn đề quốc tế như thế này khiến chúng tôi rất quan tâm”.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 6/3, các ngoại trưởng ASEAN cho biết họ “quan ngại sâu sắc về tình hình đang diễn biến và các hành động thù địch có vũ trang ở Ukraine”, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa”. Tuy vậy, bản tuyên bố không đưa ra lời trách cứ rõ ràng nào đối với Nga. Khi Nga chiếm Crimea từ Ukraine vào năm 2014, ASEAN không đưa ra tuyên bố nào.

Đại hội đồng LHQ hôm thứ Tư đã áp đảo thông qua một nghị quyết lên án cuộc tấn công của Nga đối với Ukraine. Trong số 10 thành viên của ASEAN, 8 thành viên đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết, 2 thành viên là Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng.

Các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương biểu quyết về Nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine (ảnh chụp màn hình Nikkei Asia).
Các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương biểu quyết về Nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine (ảnh chụp màn hình Nikkei Asia).

Một quan chức Đông Nam Á chỉ rõ: Nga từng sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, dưới thời Tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ. Sau đó Trung Quốc đã gia tăng bành trướng ở Biển Đông.

Hiện nay, dưới chính quyền của ông Joe Biden (cũng thuộc Đảng Dân chủ), Nga đã xâm lược Ukraine. Vì vậy, vị quan chức lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng kiểm soát Biển Đông.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên liên quan nỗ lực ngoại giao.

Nikkei nhận định Việt Nam có quan hệ sâu sắc với Nga từ thời Liên Xô, nên Việt Nam thường không lên tiếng về những vấn đề liên quan đến Nga. Nhưng hiện nay, do Việt Nam đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, nên “quốc gia Đông Nam Á này có thể đã lên tiếng, báo động về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể tràn sang khu vực của mình”, theo Nikkei.