Bệnh nhân Covid-19 số 243 lây cho chị dâu và hàng xóm đối diện mà không lây cho vợ. Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng mấu chốt ở căn bệnh mà người vợ mắc phải.

Theo kết quả điều tra dịch tễ Bộ Y tế công bố, bệnh nhân số 243 đã có 23 ngày sinh hoạt trong cộng đồng, đi đến nhiều nơi và tiếp xúc nhiều người. Ngay sau đó, hai trong số những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này cũng đã được xác nhận dương tính với virus corona Vũ Hán, gồm chị dâu của bệnh nhân và hàng xóm đối diện.

Không ít người đặt ra câu hỏi: Tại sao người gối ấp tay kề của bệnh nhân 243 không sao, trong khi chị dâu và hàng xóm là những người tần suất tiếp xúc thấp hơn lại mắc Covid-19?

Bác sĩ Trần Văn Phúc hiện công tác tại BV Xanh Pôn có nhận định riêng khi viết trên trang cá nhân giải thích về vấn đề này. Theo bác sĩ, mấu chốt của mọi chuyện nằm ở việc người vợ dùng thuốc chloroquine hoặc hydroxychloroquine để trị căn bệnh Lupus ban đỏ mà bà đã nhiễm trong vòng 12 năm qua.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Xanh Pôn – ảnh trên báo Kiến thức.

BS. Phúc cho biết, “chloroquine hay hydroxychloroquine là thuốc trước đây dùng để điều trị sốt rét, về sau được kê đơn cho các trường hợp bị HIV, bệnh khớp mãn tính, đặc biệt cần dùng với bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống”.

Vị bác sĩ này cũng lấy thêm dẫn chứng từ 3 nghiên cứu trong ống nghiệm từ các năm 2003-2005 được đánh giá rất cao, đều cho thấy chloroquine có tác dụng mạnh mẽ với chủng virus cực độc gây đại dịch SARS năm 2003. Mới đây Giáo sư Vương Mẫn Lệ cùng các chuyên gia đa ngành ở Hồ Bắc cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng bên cạnh hoạt động chống virus, chloroquine còn có tác động điều chỉnh miễn dịch, giúp tăng cường tác dụng chống virus trong cơ thể. 

Chloroquine hoặc hydroxychloroquine cũng là loại thuốc mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn để điều trị bệnh COVID-19, nhưng sau đó chính Cục này đã tạm bác bỏ.

Nói về tác dụng của thuốc như vậy, nhưng BS. Trần Văn Phúc thận trọng cảnh báo: “Chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc độc bảng B, có thể gây tai nạn chết người, nên khi kê đơn điều trị cho bệnh nhân nội trú, điều dưỡng phát thuốc thường yêu cầu bệnh nhân uống ngay trước mặt”.

Chloroquine, hydroxychloroquine
Chloroquine/hydroxychloroquine là thuốc độc bảng B, có thể gây ngộ độc hoặc tử vong – ảnh trên Tuổi trẻ.

Việt Nam đã có trường hợp phải nhập viện cấp cứu khi dùng Chloroquine không đúng chỉ dẫn, thế giới có người tử vong khi dùng thuốc đó không đúng cách. BS. Phúc khuyên mọi người không nên tự ý mua thuốc về tích trữ để phòng Covid-19, tránh làm tổn hại đến sức khỏe của chính mình, đồng thời lưu ý về chloroquine sau đây:

– Thời gian bán hủy của thuốc rất dài
– Thuốc cực độc với máu
– Thuốc có thể gây suy gan và thận
– Thuốc nguy hiểm với tim
– Thuốc có thể gây tổn thương ở mắt
– Tương tác với nhiều loại thuốc khác

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam trao đổi với Báo Người Lao Động cho rằng đến thời điểm này chưa thể khẳng định đâu là ca F0 ở khu vực bệnh nhân 243 sinh sống. Có thể cả hai bệnh nhân nói trên đều nhiễm bệnh từ một nguồn lây bệnh khác chứ chưa chắc từ ca 243. Bản thân những người này cùng tham dự một đám cưới người trong làng nên chưa thể khẳng định ai là người nhiễm bệnh cho ai. Còn trong trường hợp vì sao những người thân bệnh nhân 243 không lây bệnh từ người đàn ông này mà hàng xóm lại nhiễm bệnh thì có thể do cảm nhiễm của mỗi người khác nhau.

Đây không phải trường hợp đầu tiên có tình huống lây nhiễm như trên. Trước đó người Trung Quốc đầu tiên ghi nhận nhiễm bệnh ở Việt Nam cũng chỉ lây nhiễm cho con mà không lây cho vợ trong khi 3 người cùng di chuyển từ Hà Nội qua Nha Trang vào Sài Gòn. Hay trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc lây bệnh từ bà ngoại nhưng người mẹ thường xuyên chăm sóc con nhỏ nhiều ngày thì lại âm tính.

Quá trình điều tra dịch tễ các ca nhiễm từ đầu mùa dịch cho thấy nhiều trường hợp không nhiễm bệnh trong khi tiếp xúc gần và nhiều thời gian với ca mắc trong khi người tiếp xúc ít hơn thì bị lây nhiễm.