Trước phản ánh của chị Trần Ngọc A. (40 tuổi, ở Khu đô thị Times City 458 Minh Khai, Hà Nội) về việc nhân viên y tế yêu cầu phải thanh toán tiền mặt mới cho vào bệnh viện cấp cứu, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đang xác minh làm rõ.

Báo Lao Động dẫn lời Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội – ông Nguyễn Thành cho biết, sáng 1/9, đơn vị đã nhận được đơn phản ánh của chị A. “Hiện chúng tôi đang tiến hành xác minh làm rõ vụ việc này. Đơn vị sẽ kiểm tra lại cụ thể, ai tham gia kíp trực sáng 28/8. Quan điểm là trung tâm xử lý đúng người, đúng tội, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó”.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thu theo quy định của thành phố. Hiện, Trung tâm chưa có hình thức thu qua chuyển khoản vì đơn vị thực hiện lưu động nên khó triển khai, ông Thành thông tin thêm.

Trung bình một năm Trung tâm phục vụ 28.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ thu của khoảng 14.000 người, một nửa còn lại không thu được đó là những người tai nạn, không mang tiền, ốm đau không có tiền, Trung tâm đều phục vụ miễn phí.

“Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kể từ 1/1/2020 đến nay, đơn vị chưa thu một đồng nào của bất kỳ người dân nào có triệu chứng Covid-19 hay nhiễm Covid-19”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhân viên y tế yêu cầu bệnh nhân thanh toán tiền mặt mới cho nhập viện

Báo Dân Việt dẫn lời chị A. cho biết, sáng 28/8, người em của chị là Vương Tuyết M. (30 tuổi) có biểu hiện sốt cao 40 độ, do hôm trước mới tiêm vaccine nên gọi xe cấp cứu 115 để đi bệnh viện.

Chị A. kể lại: “Hôm đó thế nào mà em gái tôi cùng chồng đều bị sốt cao hơn 40 độ. Trước đó chỉ có em tôi đi tiêm vaccine nên gia đình tôi cũng lo lắng vì sợ nhiễm Covid-19. Nhà lại có hai con nhỏ. Tôi muốn đi cùng nhưng nhân viên y tế bảo tôi không có đồ bảo hộ. Thêm nữa, hai cháu nhỏ ở nhà, chồng của M. cũng sốt nên tôi đành ở nhà chăm sóc cho các cháu”.

Tới khoảng 5h50 sáng cùng ngày, xe cấp cứu tới đón chị M. đến Bệnh viện Hồng Ngọc (số 55 Yên Ninh, quận Ba Đình). Suốt chặng đường giữa chị A. và em gái vẫn nhắn tin liên lạc với nhau. Vì quá lo lắng mắc Covid-19 nên chị M. đã sơ suất quên mang tiền mặt. Khi đến cửa Bệnh viện Hồng Ngọc, nhân viên cấp cứu yêu cầu thanh toán 720.000 đồng. Lúc này bệnh nhân đề nghị được thanh toán chuyển khoản nhưng nhân viên y tế không đồng ý.

“Em gái gọi về bảo tôi mang tiền đến trả cho xe cấp cứu. Tôi cứ tưởng em nói đùa, vì tại sao không chuyển khoản? Em tôi bảo là thật chứ không đùa. Dù em tôi đang rất mệt, họ cũng nhất định không cho em tôi xuống xe để nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải thanh toán bằng được tiền mặt.

cầu cứu
Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Nhịp Sống Việt.

Dù em tôi có năn nỉ thế nào họ cũng giữ lại trên xe, liên tục thúc giục tìm người thân quen, bạn bè quanh khu vực đấy để nhờ mang tiền mặt đến thanh toán mới được phép ra khỏi xe để vào viện. Thậm chí em tôi kể nữ nhân viên cấp cứu đi cùng còn nói rất khó nghe bảo nguyên tắc đi cấp cứu phải mang tiền mặt trong người”, chị A. kể lại.

Chị A. hay, vì thời điểm này thành phố đang thực hiện giãn cách, người dân không được phép ra khỏi nhà nên chị M. không thể thực hiện được yêu cầu của các nhân viên y tế.

“Khi không thể lo được tiền mặt, tài xế xe cứu thương này còn chửi mắng em tôi thậm tệ trước sự chứng kiến của bác sĩ, y tá đi cùng và một số nhân viên đang làm việc tại vị trí cửa chính của bệnh viện. Trong tình huống cấp bách thêm nữa lại là người đang nghi nhiễm Covid-19 nhưng nhân viên Trung tâm cấp cứu nhất quyết không cho em gái tôi xuống xe vào bệnh viện cấp cứu”, chị A. kể tiếp.

Sau cuộc điện thoại của em gái gọi về cầu cứu, chị A. đã liên lạc lại vào số tổng đài của Trung tâm cấp cứu 115 để phản ánh sự việc thì được một người xưng là Nguyễn Hữu Liên ở bộ phận điều phối cấp cứu của Trung tâm y tế 115 trả lời là có thể thanh toán qua chuyển khoản và nói sẽ giải quyết sự việc ngay bây giờ.

Sau đó, chị M. mới có thể xuống xe vào viện sau 30-40 phút ở trên xe cấp cứu. Chị M. ký vào tờ giấy với nội dung “bệnh nhân không mang tiền”. “Tôi thử hỏi nếu trong tình huống cấp bách như thế, em gái tôi có bị làm sao ai sẽ chịu trách nhiệm”, chị A.” đặt ra câu hỏi.