“Kinh quỷ dữ” là một trong những cuốn sách kỳ lạ, huyền bí nhất lịch sử. Liệu có phải chủ nhân của nó đã bán linh hồn cho ma quỷ như lời đồn?

Truyền thuyết “kinh quỷ dữ”

“Kinh quỷ dữ” còn được biết đến với tên gọi Codex Gigas hay Giant Book, là cuốn sách viết tay lớn nhất thời Trung cổ còn tồn tại đến ngày nay. Cuốn sách được cho là ra đời vào đầu thế kỷ 13 tại tu viện Benedictine, Bohemia, Cộng Hòa Séc.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn "Kinh Quỷ dữ"
Kinh quỷ dữ rộng 49cm, cao 92cm, dày gần 22cm với trọng lượng tổng cộng lên tới 74kg. (ảnh: Pinterest)

Tương truyền, vào thời Trung cổ, có một tu sĩ vì vi phạm các lời thề thánh khiết nên bị giam hãm sau 4 bức tường trong tu viện. Để tránh hình phạt này, ông hứa sẽ viết một cuốn sách làm rạng danh đời đời cho tu viện và ông sẽ chỉ hoàn thành nó trong vòng 1 đêm.

Cho tới nửa đêm, vị tu sĩ vẫn không thể thực hiện được lời hứa. Trong lúc tuyệt vọng, thay vì cầu xin Chúa, ông ta đã cầu xin quỷ Satan giúp đỡ; với thỏa thuận đổi linh hồn của mình lấy cuốn sách. Ma quỷ đã đồng ý. Nó cũng để lại bút tích ma quỷ trong tác phẩm bằng cách vẽ thêm bức chân dung tự họa chính mình.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn "Kinh Quỷ dữ"
Ảnh minh hoạ cho truyền thuyết nguồn gốc cuốn kinh khổng lồ (ảnh: Vnwriter).

Truyền thuyết này không rõ là hư hay thực, tuy nhiên khi tận mắt xem cuốn sách nhiều người đã không khỏi kinh hãi. Tổng thể của cuốn sách thật khó để người ta tin rằng nó thực sự tồn tại.

Những điều khó tin

Kích thước khổng lồ của kinh quỷ dữ

“Kinh quỷ dữ” hiện đang được lưu giữ trong Viện Bảo tàng quốc gia Thụy Điển ở Stockholm.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn "Kinh Quỷ dữ"
Mặc dù bị đồn là cuốn sách bị nguyền rủa, “kinh quỷ dữ” vẫn được người ta bảo quản rất cẩn thận (ảnh: Pakakert).

Cuốn sách bí ẩn này có bìa bằng gỗ bọc da thuộc, các góc được bảo vệ, trang trí bởi viền kim loại. Các trang sách bên trong đều làm từ da mịn. Kích thước cuốn sách “khủng” đến mức người ta cho rằng, chủ nhân của nó phải sử dụng da của hơn 160 động vật để làm ra nó.

Như vậy, đây không đơn giản là một cuốn sách mà là cả một công trình đỏi hỏi chủ nhân đầu tư một cách vô cùng nghiêm túc.

Chi tiết hắc ám

Bản thảo gốc của Codex Gigas lên đến 320 trang bao gồm chữ viết và các hình minh hoạ. Nhưng hiện nay chỉ còn 312 trang. Những trang còn lại đã bị bỏ đi vì lý do không rõ, cũng không ai biết tung tích của chúng.

Nhiều người đồn đoán rằng, do nó chứa những điều xấu xa nên người ta đã cố ý vứt bỏ. Những người bi quan hơn thì lại cho rằng, nó có thể bị đánh cắp bởi những kẻ xấu để thực hiện những mưu đồ xấu.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn "Kinh Quỷ dữ"
Một phần trang trí trong “kinh quỷ dữ” và hình ảnh quỷ dữ (ảnh: Tổng hợp trên Khoahoc).

Mặt khác, bên trong cuốn sách, chủ nhân của nó dành trọn vẹn trang giữa để mô tả về ma quỷ. Đặc biệt tác giả còn vẽ hình một con quỷ nửa người nửa thú, móng vuốt dài sắc nhọn và lưỡi rắn. Nó giống với hình tượng chúa tể hắc ám được kể trong những câu chuyện cổ. Điều đó khiến nhiều người tin rằng cuốn sách quả thực có nguồn gốc từ “quỷ dữ”.

Cuốn sách được viết tay bởi một người duy nhất

Theo một bài báo đăng trên tạp chí National Geographic, kết quả phân tích chữ viết tay của nhà nghiên cứu chữ cổ Michael Gullick thuộc Thư viện quốc gia Thụy Điển cho thấy, cuốn “kinh quỷ dữ” chỉ do một người viết nên.

Ngoài các chữ viết, một chữ ký – Hermanus Inclusus bên trong văn tự cũng ám chỉ điều đó, nhiều khả năng cuốn “Kinh Quỷ dữ” chỉ có một tác giả duy nhất.

Sau những cuộc thử nghiệm nhằm tái tạo lại cách viết của “Kinh Quỷ dữ”, các học giả châu Âu cho rằng, cuốn sách này cần tới 5 năm (nếu người ta viết 6h/ngày và 6 ngày/tuần) để hoàn thành nhưng đó là quãng thời gian cần để sao chép từ một bản thảo có sẵn. Nếu tính tổng thời gian tìm tài liệu viết, vẽ và trang trí hoạ tiết thì cuốn sách này cần tới 20 năm để thực hiện.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn "Kinh Quỷ dữ"
Trang trí hoạ tiết cầu kỳ, mang tính mỹ thuật cao; chữ viết được vẽ một cách hoa mỹ, đều tăm tắp (ảnh: Vnwriter).

Về cơ bản, một con người bình thường không cách nào hoàn thiện nó chỉ trong một đêm.

Tuy nhiên, qua phân tích hình thái chữ viết, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, chữ viết hầu như không có sự thay đổi theo thời gian hay tuổi tác người viết. Tức là, chủ nhân cuốn sách này đã hoàn thành nó trong một khoảng thời gian ngắn.

Bởi vậy, càng đi sâu vào nghiên cứu người ta càng thấy mâu thuẫn không thể nào lý giải (nếu không nói là hoang đường).

“Rõ ràng, tác giả của cuốn sách đồ sộ này phải nằm dưới sự điều khiển của thứ gì đó mới có thể tạo ra một kiệt tác như vậy. Dù đó là sức mạnh của ánh sáng hay bóng tối, thì nó cũng đã mất tích theo thời gian”– một bài viết trên trang The Line Up nhấn mạnh.

Hình thức chỉnh chu, chữ viết đều đẹp, đầu tư hình hoạ kỹ lưỡng

Về hình thức, phải nói rằng, cuốn sách được trình bày cực kỳ công phu và đẹp mắt. Có những hoạ tiết trong sách được thiếp vàng rất tỷ mỉ, trang trọng. Những hình vẽ minh họa và các chữ cái được vẽ với màu chủ đạo là đỏ, xanh, vàng. Màu vẽ được làm từ các tổ côn trùng bị nghiền nát.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn kinh  Codex Gigas
Một số chi tiết trong cuốn kinh (ảnh: Gamek)

Cuốn sách bắt đầu bằng Kinh Cựu ước, tiếp đó là 2 tác phẩm của Flavius Josephus, học giả sống vào thế kỷ thứ I Sau Công Nguyên. Và kết thúc bằng Kinh Tân ước; phần cuối trong bộ Biên niên sử về Bohemia của linh mục kiêm nhà sử học Cosmas đến từ Prague (CH.Séc).

Ngoài ra một số trang chứa những văn bản Trung cổ, những tài liệu về bách khoa toàn thư, lịch, những bài viết về phép thuật, thần chú…chúng được viết bằng nhiều ngôn ngữ khá nhau: Hi Lạp, Do Thái, Slova…

Liệu con người có thể gói gọn công việc của 20 năm vào trong một đêm? Vì những điều phi lý này mà bí ẩn về cuốn Codex Gigas đến ngày nay vẫn bị bỏ ngỏ.

“Kinh quỷ dữ” và những tai vạ trùng khớp

Người ta kể lại rằng, cuốn Codex Gigas sau khi hoàn thành được đem đi cầm cố tại một tu viện ở Sedlec vào năm 1295. Sau đó, một tu viện khác ở Bennedictine, Brevnov mua lại. Nó được lưu giữ an toàn tại đây từ năm 1477 đến năm 1593.

Bí ẩn chưa có lời giải quanh cuốn kinh  Codex Gigas
Codex Gigas (ảnh: Gamek).

Thảm hoạ đầu tiên, tu viện đầu tiên cất giữ cuốn “kinh quỷ dữ” đã bị tiêu huỷ vào thế kỷ thứ XIV.

Năm 1594 cuốn sách được đưa tới bổ xung thêm vào Bộ sưu tập báu vật của Hoàng đế La Mã Rudolf II. 46 năm sau, văn bản cổ này một lần nữa “chuyển nhà”. Nó bị đội quân Thuỵ Điển sở hữu như chiến lợi phẩm sau chiến tranh.

Từ năm 1649 kinh quỷ dữ được trưng bày trong thư viện Hoàng gia Thuỵ Điển ở Stockholm. Năm 1697, toà lâu đài Hoàng gia Thuỵ Điển xảy ra một đám cháy. Để cứu cuốn sách, người ta đã ném nó ra ngoài cửa sổ; và vô tình làm một người đứng dưới đó bị thương nặng. Sau sự cố, cuốn sách vẫn được ở lại Thu viện Hoàng gia cho đến năm 2007.

Cuốn kinh bí ẩn này đã được đến Prague (thủ đô CH.Séc) vào năm 2009 với hình thức cho mượn. Rồi lại trở về “định cư” ở Viện Bảo tàng quốc gia Thụy Điển cho đến ngày nay.

Trong nhiều thế kỷ, những nơi cuốn kinh Trung cổ đi qua đều gặp phải sự xui xẻo. Người ta có đủ cơ sở để nói rằng cuốn sách này không mang lại điều gì ngoài nỗi bất hạnh cho những nơi nó tới.

Từ những dữ kiện đầy bí ẩn và mâu thuẫn nhau xoay quanh cuốn kinh 800 tuổi này, người ta chưa thể có bất cứ kết luận nào về tác giả và cách thức ra nó được tạo ra. Còn các bạn, các bạn có suy nghĩ gì cuốn kinh quỷ dữ này?

Nguồn: Vnwriter/khoahoc