Mắc nợ xấu tại ngân hàng dù không vay tiền
Nhiều người khốn khổ vì bị kẻ xấu làm giả hồ sơ vay tiền tại một số ngân hàng và công ty tài chính bằng chứng minh thư nhân dân và căn cước công dân giả.
- Sau khi hỗ trợ tiền sửa xe, tài xế Mercedes tiếp tục mua xe máy tặng cho người va quẹt mình
- Hành động ấm áp của chủ xe Mercedes khi tông trúng xe máy chuyển làn ẩu
- Thanh niên 21 tuổi bị tra tấn vô nhân đạo vì tiết lộ thông tin con gái ông Tập
Bất ngờ có nợ xấu
Báo Zing vừa phản ánh về trường hợp của anh Nguyễn Ngọc Q. (Hà Nội). Cuối tháng 2, anh Q. bất ngờ được phía ngân hàng thông báo đang có một khoản nợ xấu tại Công ty tài chính VPBank (FE Credit) được lưu giữ trên Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia (CIC). Đặc biệt, đây đã là khoản nợ xấu ở nhóm cao nhất (Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn).
Anh Q. bất ngờ vì chưa từng làm thủ tục vay tiền hay phát sinh khoản vay nào bên phía FE Credit. Trong khi đó, khoản nợ xấu của anh Q. đã bị lưu giữ trên CIC từ năm 2019 mà anh không hề hay biết.
Anh Q. khẳng định không hề để lộ thông tin cá nhân mà bị làm giả chứng minh nhân dân, giả hợp đồng để vay tiền bên FE Credit.
Đến ngày 2/3, khi tra cứu thông tin trên website của FE Credit, anh Q. nhận được thông tin cho thấy số CMND của mình đang có khoản vay phát sinh tại công ty này với khoản vay 35 triệu đồng đã quá hạn không trả nợ.
“Sau khi giải thích, khiếu nại, nhân viên FE Credit có cung cấp thêm thông tin gồm hợp đồng vay của số CMND đó là nữ, ngày tháng năm sinh và giới tính không trùng với CMND của tôi”, anh Q. thuật lại.
Ngoài trường hợp của anh Q., báo Tuổi Trẻ phản ánh, tháng 3/2021, anh Nguyễn Tiến L. (Hà Nội) tra cứu trên dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC – tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) phát hiện mình có khoản vay quá hạn thuộc nhóm 3 với số tiền tới 177 triệu đồng tại Công ty tài chính FE Credit.
Sau khi xác minh, đối chiếu với dữ liệu cá nhân của anh L., FE Credit xác nhận anh L. không hề vay. Kẻ gian đã nhặt được hoặc bằng cách nào đó có được CMND cũ bị mất trước đó của anh L. và thay hình ảnh vào phôi CMND để làm hồ sơ vay tiền qua ứng dụng online.
Tinh vi hơn, đối tượng còn sử dụng CMND của anh L. để mở tài khoản đứng tên anh này tại một ngân hàng, rồi sử dụng tài khoản đó để nhận tiền giải ngân.
Ngay sau khi khẳng định đây là một trường hợp giả mạo khoản vay bằng thủ đoạn tinh vi, đại diện FE Credit cho biết anh L. không bị đòi tiền mà được hoàn tất hồ sơ để điều chỉnh thông tin dư nợ tín dụng trên CIC. Như vậy, công ty tài chính bị mất tiền và phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc mới mong có thể lấy lại.
Trường hợp tương tự ở ngân hàng khác
Theo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đắc Giang khi vay vốn ngân hàng thì phát hiện số căn cước công dân của ông đang nợ thẻ tín dụng 30 triệu và vào nhóm 5 tại nợ xấu Ngân hàng Bản Việt.
Khoản này được phát sinh từ tháng 6/2019 đến thời gian tra cứu là gần 500 ngày, với tổng số nợ gốc và lãi lên đến 74 triệu đồng. Đáng nói là người có khoản nợ này trùng số căn cước công dân (CCCD) nhưng khác hoàn toàn tên tuổi với ông Giang. Người đứng tên trên hồ sơ vay là Hoàng Kim Cương.
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Bản Việt cho hay, đã tra thông tin và phát hiện số CCCD của ông Giang trùng với một người khác đang có dư nợ tại ngân hàng là ông Hoàng Kim Cương.
Khi ngân hàng tra cứu hồ sơ thì nhận thấy hai số CCCD trùng nhau, và CCCD của ông Cương đang vay tại ngân hàng được cấp trước.
Sau đó ông Giang làm việc với công an để tra cứu tàng thư số CCCD của mình để làm rõ việc trùng số. Kết quả tra cứu xác minh của công an là số CCCD này được cung cấp chính thức cho ông Giang, ngân hàng đã ra văn bản xác minh là ông Giang không có nợ vay tại ngân hàng.
Đồng thời ngân hàng cũng đã làm việc với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội làm rõ lại số CCCD của ông Cương để có cơ sở chỉnh lý thông tin trên CIC trong thời gian sớm nhất.
Cần giải quyết rủi ro phát sinh nhanh chóng
Trên Zing, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho hay, xảy ra các vụ việc trên là vì quy trình cho vay, thẩm định của các công ty tài chính quá dễ dàng khiến kẻ gian có thể lợi dụng để làm hồ sơ giả chiếm đoạt tiền và gây ảnh hưởng đến những người bị hại.
Về hoạt động cho vay qua app, cho vay online, ông Đức nhấn mạnh, mô hình này nghiễm nhiên có rủi ro cao hơn nhiều so với cho vay trực tiếp. Kéo theo đó là tình trạng về lừa đảo, gian lận cũng xuất hiện nhiều hơn.
Đặc biệt, khi xuất hiện rủi ro thì phải giải quyết nhanh chóng, không để ảnh hưởng tới người dân không liên quan, không để ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín…