Hiện tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã “hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam” và di chuyển với tốc độ chậm đáng ngờ.

Xem thêm:

Hôm thứ Ba, ngày 16/6, tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý, nguồn tin từ Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết.

RFA thông tin thêm, họ đã sử dụng hai phần mềm định vị xác định Hải Dương 4 đã tiến đến vùng biển của Việt Nam hôm 14/6 sau khi đi qua căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Các phần mềm theo dõi hàng hải cho thấy, dường như Hải Dương 4 lần này không đi cùng với các tàu hải cảnh vào vùng biển Việt Nam. Chỉ có tàu hải cảnh Haijing 5202 hiện đang đậu ở Đá Chữ Thập gần đó.

Hiện chưa thấy Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc lên tiếng về sự việc này.

Ảnh chụp màn hình RFA.

RFA cho rằng, Hải Dương 4 xuất hiện liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.

Cùng đưa tin về sự kiện này, nhóm quản trị trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông (https://www.facebook.com/daisukybiendong) cho biết: tính đến 18h49′ ngày 16/6, tàu hải cảnh Haijing 5202 đã di chuyển về khu vực đá Chữ Thập và hiện đang neo tại khu vực này. Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 đã tiến thêm khoảng 3 hải lý về phía bờ biển Việt Nam.

Đồ họa của Đức Tâm cho thấy khoảng cách giữa Hải Dương 4 và tàu hải cảnh Haijing 5202 (ảnh: Facebook).

Tối 16/6, Hải Dương 4 cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 193,5 hải lý về phía đông đông nam và cách đảo Phú Quý, Bình Thuận khoảng 181 hải lý, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó giàn khoan Noble Clyde Boudreaux vẫn neo tại vùng biển Vũng Tàu.

“Trong một ngày qua, tàu Hải Dương Địa Chất 4 hầu như di chuyển rất chậm, chỉ khoảng 2-3 hải lý, có những lúc như thả trôi, cho thấy đây không đơn thuần là một sự đi qua vô hại bình thường được cho phép theo luật quốc tế, và với một vận tốc chậm như vậy thì có vẻ tàu không có ý định rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Không biết đã có lực lượng nào của Việt Nam ngoài thực địa tiếp cận để biết mục đích thực sự của tàu chưa?”, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật.

Việc Trung Quốc điều tàu khải sát xâm phạm lãnh hải Việt Nam từng xảy ra nhiều lần. Vào 6 tháng cuối năm 2019, Trung Quốc đã từng điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh vào quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô dầu khí 06 -01 trong liên doanh giữa Việt Nam với công ty Rosneft của Nga ở Bãi Tư Chính.

Trung Quốc cũng đã từng đe doạ Việt Nam trong những hoạt động khoan thăm dò dầu khí trước đây với công ty Repsol của Tây Ban Nha hồi năm 2017 và 2018, RFA cho hay.