Trong những tháng qua, truyền thông dòng chính của Mỹ đã ngày càng thừa nhận rằng phía Ukraine đang nhận được sự trợ giúp thông tin tình báo trực tiếp về mục tiêu chiến trường, dựa trên sự thừa nhận của các quan chức tình báo Mỹ và Lầu Năm Góc ẩn danh. 

Căn cứ không quân Engels tại Saratov nằm sâu trong lãnh thổ Nga đã bị tấn công hai lần bằng máy bay không người lái trong vòng chưa đầy một tháng. Nó cũng không phải là vị trí xa xôi hẻo lánh. 

Vụ tấn công mới nhất diễn ra vào ngày 26/12, trong đó ba quân nhân Nga đã bị thiệt mạng do mảnh vỡ máy bay không người lái rơi xuống sau khi hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ. Saratov cách Moscow 730 km về phía đông nam và cách biên giới Ukraine hàng trăm km. 

Vào ngày 5/12, căn cứ không quân này cũng là mục tiêu của máy bay không người lái. Cùng ngày, một căn cứ không quân ở Rayazan cách Moscow chưa đầy 200 km cũng bị tấn công. Ngày hôm sau, ngày 6/12, một cơ sở quân sự tại Kursk đã trở thành mục tiêu. 

Phía Ukraine chưa công khai nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhưng đã có báo cáo trên các phương tiện truyền thông Mỹ ám chỉ điều đó. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều phủ nhận bất kỳ sự tham gia nào của Mỹ, tuyên bố rằng Mỹ đã thúc giục Ukraine không tấn công lãnh thổ Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích Ukraine tấn công vượt ra ngoài biên giới của mình”. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào máy bay không người lái có thể tiến sâu vào lãnh thổ Nga để tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu chiến lược. 

Trong cộng đồng chuyên gia quân sự Nga, một số người cho rằng, phía Ukraine có thể sử dụng UAV Tu-141 Strizh mà không hề bị phát hiện do sử dụng công nghệ tàng hình.

Tuy nhiên một số khác hoài nghi rằng các UAV khó có thể di chuyển hàng trăm km mà không bị phát hiện trên không phận Nga, để sau đó tấn công vào các địa điểm quân sự rất nhạy cảm. Nhiều khả năng, vũ khí đã được kích hoạt gần các mục tiêu đã định. 

Một báo cáo gần đây của nhà báo điều tra người Mỹ Jack Murphy có thể làm sáng tỏ phần nào. Ông không đề cập đến hàng loạt cuộc tấn công bằng UAV vào các căn cứ không quân của Nga. Nhưng nhà báo này đã trích dẫn lời các cựu nhân viên tình báo Mỹ cho biết, CIA đang điều hành các mật vụ của các nước thành viên châu Âu trong NATO để mưu toan phá hoại bên trong lòng nước Nga. 

Theo báo cáo, CIA đang làm việc với một đồng minh NATO ở châu Âu để kích hoạt các phần tử ngầm được trang bị vũ khí đã xâm nhập vào nước Nga. CIA đã không sử dụng bất kỳ mật vụ người Mỹ nào trên đất Nga mà chủ yếu là các đặc vụ của đồng minh NATO với mục đích tạo vỏ bọc để Washington có thể dễ dàng phủ nhận một khi người Nga phát hiện ra.

Nhà báo Jack Murphy tuyên bố rằng, khả năng tạo vỏ bọc hợp lý này là yếu tố chính giúp Tổng thống Joe Biden chấp thuận các hoạt động bí mật khiêu khích như vậy trên đất Nga. 

Điều này có thể lý giải cho rất nhiều báo cáo về các vụ nổ bí ẩn đã xảy ra trên khắp nước Nga kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine hồi tháng 2 năm 2022. Một số cơ sở quân sự đã bị phá hủy do hỏa hoạn mà truyền thông Nga có xu hướng đưa tin là do tai nạn không rõ nguyên nhân. 

Có thể liệt kê ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng như vụ hỏa hoạn tại viện nghiên cứu hàng không vũ trụ của Nga ở thành phố Tver vào ngày 21/4, trong đó 6 người được cho là đã thiệt mạng. Một số kho đạn dược khác cũng đã bị bốc cháy một cách kỳ dị. 

Vào ngày 23/12, một trung tâm quân sự ở Eastside của Moscow đã bị hư hại nặng nề do một trận hỏa hoạn lớn kéo dài hơn bốn giờ. Trước đó chỉ một ngày, Soái hạm Đô đốc Kuznetsov và là hàng không mẫu hạm duy nhất của của Hải quân Nga đã chìm trong biển lửa khi đang sửa chữa tại cảng Murmansk. Điều đáng nói là, vụ hỏa hoạn xảy ra với con tàu kể từ khi nó được đại tu liên tục vào năm 2017 và được cho dự định quay trở lại hoạt động vào năm 2022. 

Báo cáo của Jack Murphy có đoạn viết như sau: “Nhà phân tích Nga Olga Lautman, một thành viên không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết: “Đã có nhiều vụ hỏa hoạn trên khắp nước Nga trong vài tháng qua, đặc biệt là tại các nhà máy sản xuất vũ khí và các địa điểm quan trọng khác.”

Rõ ràng một loạt các sự cố chết người tại các cơ sở quân sự trên khắp nước Nga trong năm 2022 không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Mà đúng hơn là do các hoạt động phá hoại nhằm gieo rắc sự hỗn loạn và các vấn đề hậu cần cho chiến dịch của Nga ở Ukraine.  

Những sự cố này trùng hợp với báo cáo của nhà báo Jack Murphy rằng, CIA đã bận rộn xâm nhập lãnh thổ Nga cùng với một đồng minh thân tín NATO châu Âu. 

Đặc biệt, các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân được bảo mật cao ở sâu bên trong nước Nga, chỉ có thể do các đặc vụ nằm vùng của CIA cài đặt ở Nga thực hiện . 

Báo cáo của Jack Murphy có đoạn: “Theo Mick Mulroy, cựu sĩ quan bán quân sự của CIA, nhiều chiến dịch phá hoại đang có tác động… và phục vụ cho nhiều mục đích. 

“Nga đã gặp một vấn đề quan trọng trong việc theo kịp các tuyến cung cấp hậu cần của mình. Những cuộc tấn công này càng làm phức tạp thêm nỗ lực tiếp tế cho lực lượng của họ.”

Ngoài ra các vụ phá hoại này “cũng gieo rắc sự nghi ngờ trong tâm trí Điện Kremlin, nhằm mục đích cho thấy rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không kiểm soát được những gì đang xảy ra ở đất nước của mình”. 

Bằng cách phá hoại sâu từ trong lòng nước Nga, Mỹ và NATO muốn gửi cho Điện Kremlin một thông điệp mang yếu tố gieo rắc tâm lý hoảng sợ về sự phá hoại và lật đổ. 

Điều quan trọng là, CIA được cho đã đóng một vai trò tích cực trong việc thâm nhập vào Nga sau cuộc đảo chính do Mỹ dàn dựng ở Ukraine vào năm 2014. 

Phản ứng trước việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, CIA đã bắt đầu lập kế hoạch với cơ quan gián điệp của đồng minh ở châu Âu để đẩy thêm các đặc vụ vào Nga với lệnh ẩn nấp cho đến khi họ cần đến. 

Theo báo cáo của Jack Murphy thì “nguồn gốc của những nhiệm vụ phá hoại này bên trong nước Nga rất sâu xa… Các cơ quan gián điệp đồng minh đã đặt một số kho chứa chất nổ và thiết bị được sử dụng bởi các đặc vụ nằm vùng hơn một thập kỷ trước.”

“Các đặc vụ nằm vùng dưới sự kiểm soát kết hợp của CIA và cơ quan gián điệp đồng minh đã xâm nhập vào Nga vào năm 2016 … Sau cuộc xâm nhập năm 2016, nhiều nhóm đã đến Nga trong vài năm tới. Theo hai cựu quan chức quân đội và một người đã được thông báo về chiến dịch phá hoại, một số đã buôn lậu đạn dược mới, trong khi những người khác dựa vào kho lưu trữ ban đầu.”

Như vậy có thể thấy, giới tinh hoa chính trị Mỹ đã hoàn toàn lường trước được cuộc chiến tranh ủy nhiệm hiện nay ở Ukraine chống lại Nga. 

Điều này chứng thực sự thừa nhận của bà cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, chính quyền Kyiv thời hậu đảo chính đã chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Nga ít nhất 8 năm trước khi nổ ra chiến sự vào tháng 2 năm 2022. 

Nếu thực sự CIA đứng sau các cuộc tấn công thâm nhập sâu vào Nga và việc Tổng thống Biden đã ký lệnh cho phép điều đó, thì tình hình cho thấy có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều đối với cách giải quyết cuộc xung đột hiện nay. 

Bằng cách này, có thể Mỹ đã lên kế hoạch một cách có hệ thống cho một cuộc chiến tranh với Nga, chứ không chỉ đơn giản là cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine. 

Nói cách khác, Ukraine đã bị đặt vào tình thế nguy hiểm, khi chính quyền thân phương Tây đã được dựng lên vào năm 2014 cho tới hiện nay để nhằm che đậy cho hành động chiến tranh của Mỹ chống lại nước Nga. Như vậy, giới lãnh đạo Ukraine đã tự nguyện biến đất nước và binh sĩ của họ trở thành bia đỡ đạn và bãi chiến trường cho chính Mỹ và NATO.

Có thể bạn quan tâm: