Ngày 22/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gọi tới Ủy viên Quốc vụ viện, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ít kênh truyền thông đưa tin về cú điện thoại này và nội dung cuộc gọi được công bố khá ngắn gọn cho thấy chính quyền Biden đã thất bại trong nỗ lực tiếp cận với Bắc Kinh. 

Điều đáng nói về mốc thời gian cuộc gọi chủ động của Ngoại trưởng Mỹ, nó diễn ra chỉ 1 ngày sau cuộc họp báo đình đám giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng. 

Một trong vài sự kiện đáng chú ý đã diễn ra cùng ngày Tổng thống Zelensky đáp chuyên cơ tới thủ đô Washington là đối tác thân tín nhất một thời của Tổng thống Putin – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev – cũng bất ngờ có chuyến công du đến Bắc Kinh. Hai chuyến đi thu hút sự chú ý toàn cầu có thể quyết định hướng tương lai của xung đột Nga-Ukraine. 

Mục đích chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky đơn giản chỉ  là “xin tiền”. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã kết thúc vào tháng trước. Đảng Dân chủ giữ được Thượng viện nhưng mất Hạ viện. So với Đảng Dân chủ vốn cực kỳ “hào phóng” với Ukraine, Đảng Cộng hòa tỏ rõ “sẽ không dễ dàng” như vậy. 

Do đó, Tổng thống Zelensky chọn thăm Mỹ vào thời điểm này, phần lớn là để PR giúp chính quyền Biden lấy lòng lưỡng đảng, phê duyệt thêm một số kế hoạch viện trợ càng sớm càng tốt cho chính quyền Kyiv. 

Trong khi ấy, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev tới Bắc Kinh với tư cách là Chủ tịch đảng cầm quyền – Đảng Nước Nga Thống nhất. Tân Hoa xã đưa tin ngắn gọn cho hay chuyến đi của Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất Dmitry Medvedev tới Bắc Kinh là theo lời mời của Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  

Điều lưu ý là vào ngày 20/12, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình. Như vậy có thể thấy bối cảnh dẫn đến cuộc gọi của Ngoại trưởng Mỹ cho Ngoại trưởng Trung Quốc hôm 22/12 không hề ngẫu nhiên.  

Tất nhiên chính quyền Biden đã có thể đưa ra một phỏng đoán nhạy bén, rằng cuộc điện thoại của Tổng thống Đức Steinmeier với ông Tập vào thứ Ba và chuyến thăm bất ngờ của Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất Medvedev tới Bắc Kinh hôm thứ 4 có thể không phải là ngẫu nhiên.  

Phải chăng ý định của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là nhằm để thu thập thông tin chi tiết về hai cuộc trao đổi cấp cao mà ông Tập Cận Bình đã có vào hai ngày liên tiếp 20 và 21/12 với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. 

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Medvedev bao gồm hai nhiệm vụ rất quan trọng. Một là trao đổi thêm với Trung Quốc về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hai là chuyển một số thông điệp rất nhạy cảm từ Putin tới Tập Cận Bình.

Trong khi ấy Tổng thống Đức Steinmeier là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao từ 2005 đến 2009 và một lần nữa từ 2013 đến 2017, cũng như Phó Thủ tướng Đức từ 2007 đến 2009 — và tất cả đều trong thời kỳ bà Angela Merkel là thủ tướng Đức ( 2005- 2021). Bà Merkel đã để lại một di sản lớn về sự củng cố mối quan hệ của Đức với cả Nga và Trung Quốc. 

Tổng thống Đức Steinmeier và thủ tướng Olaf Scholz đều là chính trị gia cấp cao thuộc Đảng Dân chủ Xã hội. Vì vậy cuộc điện đàm của ông Steinmeier  với Tập Cận Bình chắc chắn cũng đại diện cho quan điểm của thủ tướng Olaf Scholz. 

Quan trọng nhất, Steinmeier đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán hai Thỏa thuận Minsk (2014 và 2015). Với bối cảnh phức tạp này, ngoại trưởng Mỹ Blinken hẳn sẽ cảm thấy có điều gì đó không ổn khi Tổng thống Đức Steinmeier bất ngờ gọi điện cho Tập Cận Bình, và Chủ tịch Đảng Nước Nga thống Nhất Medvedev bất ngờ xuất hiện ở Bắc Kinh vào ngày hôm sau và được chủ tịch Trung Quốc tiếp đón. 

Đáng chú ý, các báo cáo của Bắc Kinh khá lạc quan về mối quan hệ của Trung Quốc với Đức và Nga. 

Tập Cận Bình đưa ra đề xuất ba điểm cho Tổng thống Đức Steinmeier về phát triển quan hệ Trung Quốc-Đức và tuyên bố rằng “Trung Quốc và Đức luôn là đối tác đối thoại, phát triển và hợp tác cũng như đối tác giải quyết các thách thức toàn cầu”. 

Tương tự, trong cuộc gặp với ông Medvedev, ông Tập nhấn mạnh rằng “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để không ngừng thúc đẩy quan hệ Trung-Nga trong kỷ nguyên mới”

Cả hai tuyên bố của Bắc Kinh đều đề cập đến Ukraine như một chủ đề thảo luận. Nhưng ngoại trưởng Blinken đã thực hiện đường lối ngoại giao một cách vụng về khi đưa ra các vấn đề gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là “chính sách Zero COVID-19 hiện tại” ở Trung Quốc và “tầm quan trọng của tính minh bạch đối với cộng đồng quốc tế”. 

Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Biden một lần nữa lại mất mặt hệt như cách Ả rập Xê út và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất từ chối nghe cuộc gọi  của Tổng thống Biden hồi tháng 3. 

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bị Bắc Kinh lên mặt cảnh cáo  không được “đồng thời [vừa] tham gia đối thoại và [vừa] ngăn chặn”, hoặc “[vừa] nói chuyện hợp tác, nhưng đồng thời đâm Trung Quốc”. 

Cụ thể đề cập về Ukraine, ông Vương Nghị cho biết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách riêng của Trung Quốc.”

Trong khi Bản công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ vỏn vẹn ngắn gọn 5-6 dòng cho thấy chính quyền Biden đã thất bại trong việc thuyết phục Vương Nghị tham gia vào một cuộc trò chuyện có ý nghĩa về Ukraine.

Thật vậy, việc Đức gần đây liên tiếp tiếp cận Bắc Kinh, đặc biệt là chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Olaf Scholz tới Trung Quốc vào tháng 11 với một phái đoàn gồm các CEO hàng đầu của Đức và cuộc gọi điện thoại của Tổng thống Đức Steinmeier hôm 20/12 khiến chính quyền Biden nhấp nhổm không yên. 

Rõ ràng, chính sách ngoại giao sai lầm của Tổng thống Biden khác với người tiền nhiệm Donald Trump đang đẩy cả Nga và Đức – hai cường quốc châu Âu ngả dần vào vòng tay của Trung Quốc, đặc biệt khi Đức là đồng minh thân cận và là nhà tài trợ chính của châu Âu.

Có thể bạn quan tâm: