Theo Financial Times (Anh), Nga sẽ đồng ý để Kyiv gia nhập EU nếu nước này cam kết từ bỏ gia nhập NATO.

4 nguồn tin am hiểu đàm phán tiết lộ Moscow và Kyiv đang cân nhắc một thỏa thuận tiềm năng. Theo đó, Nga có thể đồng ý Kyiv gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu nước này đảm bảo “không liên kết quân sự và từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO”, tờ Financial Times hôm 28/3 đưa tin.

Ngoài ra, dự thảo ngừng bắn giữa 2 nước không bao gồm bất kỳ điểm nào liên quan tới 3 yêu cầu then chốt ban đầu mà Nga đưa ra –  gồm “phi quân sự hóa”, “phi hạt nhân hóa” và bảo vệ người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Ông David Arakhamia, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, cho biết các bên đã gần đạt được thỏa thuận về các đảm bảo an ninh và khả năng Ukraine gia nhập EU. Tuy nhiên, ông nói rằng vẫn cần thận trọng về triển vọng của các cuộc đàm phán.

“Tất cả các vấn đề đã được thảo luận từ đầu các cuộc đàm phán, nhưng mỗi hạng mục còn rất nhiều điểm chưa được giải quyết”, ông Arakhamia nói.

Trong khi đó, tờ Interfax dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết hiện chưa thể tiết lộ về tiến độ đàm phán giữa các bên, vì “điều đó chỉ gây hại cho quá trình này”. 

“Hiện tại, chúng tôi không thể nói về bất kỳ bước đột phá đáng kể nào”, ông Peskov nói hôm 28/3.

Ngoài ra, thỏa thuận đang được xem xét cũng yêu cầu Ukraine hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân hoặc xây dựng các căn cứ quân sự nước ngoài. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh từ các nước gồm Nga, Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Trung Quốc, Ý, Ba Lan, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận duy trì an ninh nào cũng sẽ cần sự đồng thuận từ các quốc gia trên và phải được quốc hội Ukraine phê chuẩn, theo Tổng thống Zelensky.

Hai bên có khả năng để ngỏ điểm mấu chốt lớn nhất – vấn đề bán đảo Crimea, và sẽ đưa ra thảo luận trong những cuộc gặp giữa tổng thống 2 nước.

Thông tin Nga có thể để Ukraine gia nhập EU được đưa ra trước vòng đàm phán mới giữa 2 nước, dự kiến diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm nay. Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán trực tiếp và tiếp xúc trực tuyến, song không mang lại kết quả đột phá nào ngoài việc tìm được điểm chung về hành lang nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh.