Cư dân lân cận cho biết có dấu hiệu bất thường tại nhà máy bỏ hoang ở Manchester (Anh Quốc) trước khi xảy ra vụ cháy dữ dội, khiến 4 người di cư Việt Nam bị hỏa thiêu.

Cảnh sát Anh đang điều tra xem liệu 4 người Việt Nam qua đời trong vụ cháy nhà máy bỏ hoang tại Manchester có phải là nạn nhân của nạn buôn người hay không.

Bốn công dân Việt Nam đã mất tích từ tháng 5. Khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy Bismarck House ở Oldham vào ngày 7/5, không ai nghĩ rằng trong nhà máy bỏ hoang đó lại có người. Bốn ngày sau, người ta mới dập tắt được ngọn lửa.

Đến ngày 21/7, các công nhân tháo dỡ đống tro tàn mới phát hiện hài cốt của 4 người được cho là công dân Việt Nam. Cảnh sát Anh đã liên lạc với các nhà chức trách Việt Nam để tìm kiếm danh tính của những người này.

Theo Daily Mail: “Khả năng họ là nạn nhân của nạn buôn người mà cảnh sát (Anh) đang điều tra”.

“Thật đáng lo ngại nếu người Việt Nam bị giam giữ trong một nhà máy như vậy”, theo Ủy viên hội đồng Oldham, ông Aftab Hussain.

“Tôi thực sự lo ngại rằng có thể đã có một số vụ buôn người liên quan tới vụ này. Nó cần phải được điều tra kỹ lưỡng”.

“Nếu có bất cứ điều gì bất hợp pháp, thì bất kỳ ai có liên quan đều phải bị đưa ra trước tòa án và bị trừng phạt.”

Dấu hiệu bất thường tại nhà máy Anh Quốc trước khi 4 người Việt Nam bỏ mạng

Cư dân địa phương cho biết có dấu hiệu đáng ngờ tại nhà máy bỏ hoang nêu trên trước khi hỏa hoạn xảy ra. Đó là ô tô đậu bên ngoài tòa nhà này vào buổi tối.

Các nhà chức trách đã tìm thấy các túi lá cần sa trong khu vực này.

Anh Howard Singleton, 37 tuổi, cho biết một người bạn của anh đã phát hiện ra những túi rác chứa đầy chất thải của cây cần sa trong một thùng chứa rác gần một trung tâm thương mại cạnh đó.

Anh Singleton nói: ‘Người bạn của tôi không thể tin được khi anh ấy tìm thấy những chiếc túi đó. Chúng chỉ vừa mới bị vứt vào thùng chứa rác”.

Anh cho biết thêm: “Tôi đã thấy ô tô đậu ở đó nhưng chưa bao giờ thấy người Việt Nam qua lại. Mọi người tự hỏi không biết điều gì đã gây ra ngọn lửa, tất cả đều có vẻ hơi kỳ lạ.”

Có một cửa hàng gạch nằm cạnh nhà máy, nhưng một người dân khác cho biết: “Tôi thường nhìn thấy ô tô lúc 7 giờ tối hoặc muộn hơn, nhưng không thể nào có chuyện họ đến cửa hàng gạch”.

Giới chức Anh đang liên lạc với các cơ quan của Việt Nam để “để đảm bảo các thành viên gia đình tiềm năng ở Việt Nam được thông báo và hỗ trợ đầy đủ”, trợ lý cảnh sát Greater Manchester, ông Rob Potts cho biết.

Các công dân Việt Nam bị ép làm nô lệ thời hiện đại?

Trong khi giới chức Anh đang điều tra vụ việc, một số phỏng đoán cho rằng có thể 4 người Việt Nam đã bị nhốt ở trong nhà máy bỏ hoang. Rất có thể họ bị ép buộc phải tham gia vào hoạt động trồng cây cần sa trái pháp luật.

Khi vụ cháy xảy ra vào tháng 5, Cơ quan Cứu hỏa Greater Manchester cho biết họ đã chiến đấu với ngọn lửa từ bên ngoài vì nó bùng phát rất mạnh và có “một số lo ngại về độ ổn định cấu trúc của tòa nhà”.

Điều đó có nghĩa là các nhân viên cứu hỏa không thể nhìn thấy có gì ở bên trong nhà máy.

Bốn người Việt Nam bỏ mạng tại nhà máy bỏ hoang ở Manchester, Anh Quốc. Khi vụ cháy xảy ra, lính cứu hỏa không biết rằng bên trong có người (ảnh chụp màn hình Daily Mail).
Bốn người Việt Nam bỏ mạng tại nhà máy bỏ hoang ở Manchester, Anh Quốc. Khi vụ cháy xảy ra, lính cứu hỏa không biết rằng bên trong có người (ảnh chụp màn hình Daily Mail).

Theo Daily Mail, các băng nhóm buôn lậu người thường đưa người di cư từ Việt Nam sang Anh; sau đó họ dễ bị biến thành nô lệ thời hiện đại. Họ bị buộc phải làm việc trong các cơ sở sản xuất cần sa, quán bar, làm móng tay và mại dâm.

Vào tháng 2, Dame Sara Thornton, Ủy viên độc lập chống nô lệ, nhấn mạnh rằng người di cư Việt Nam phải trả “chi phí cắt cổ” để được đưa lậu vào Anh Quốc; sau đó đối mặt với nợ nần, điều kiện làm việc kiểu “bóc lột trong cả lĩnh vực hợp pháp và hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trồng cần sa”.

Bất chấp những rủi ro, bà Thornton cho biết: “Vương quốc Anh được coi là điểm đến hấp dẫn của người di cư Việt Nam”.

Năm 2019, một trường hợp đau thương là cả 39 người Việt Nam bị chết ngạt trong xe tải khi đang được vận chuyển vào Anh Quốc.