Nghe tin TP. HCM tiếp tục giãn cách thêm một tháng, hàng trăm người chạy xe máy chở đồ đạc và con nhỏ về quê vì kiệt quệ, đến cửa ngõ phía Đông, TP. Thủ Đức thì bị dừng lại.

Mất việc, hết tiền, bám trụ khó khăn quá chịu không nổi mới phải về quê

Theo VnExpress, trưa 15/8, tại khu vực các chốt ở khu du lịch Suối Tiên và trước cổng bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức), hàng trăm người dân đi xe máy cá nhân mang đồ lỉnh kỉnh, nhiều người còn chở theo con nhỏ có ý định về quê các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…

Cách Bến xe Miền Đông mới gần 30 km, sáng nay hơn 500 người dân sau khi hẹn nhau trên mạng xã hội đã tập trung ở quốc lộ 1, quận Bình Tân, chạy về các tỉnh miền Trung. Nhiều người chở lỉnh kỉnh đồ đạc, dự định đi thành đoàn về quê khi biết tin TP. HCM sẽ giãn cách thêm một tháng.

Anh Hoàng Văn Trung, quê Nghệ An, làm công nhân ở Bình Dương, chở 5 chai nước suối trong bọc nylon, sau xe còn một valy lớn, treo thêm vài gói mì tôm và chai xăng 5 lít. Anh bị công ty cho nghỉ việc gần 3 tháng nay. Mất thu nhập, chủ trọ không giảm tiền phòng, cạn tiền nên đang rất khó khăn.

“Khu vực gần chỗ ở phát hiện mấy ca F0, thêm người chết vì dịch nên tôi sợ lắm, không dám ở lại”, anh Trung nói và cho biết nhiều tháng không có lương nhưng chưa nhận được hỗ trợ từ chính quyền. Tôi hết cách rồi, biết cả nước đang giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, nhưng nếu ở lại lấy tiền đâu mà sống, sợ bị nhiễm bệnh”, anh Trung chia sẻ với phóng viên báo VnExpress.

Cạnh đó, gia đình anh Hoàng Văn Hoa, quê Quảng Trị, làm công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, TP. Thủ Đức, cũng cùng chung hoàn cảnh khi cả 2 vợ chồng thất nghiệp vì dịch. Không có tiền sống buộc anh và vợ dậy sớm từ 5 giờ sáng, chở theo cô con gái 3 tuổi về quê bằng xe máy.

“Về quê mình còn có gia đình, bà con thân thích, chứ ở nơi đất khách quê người, mất việc làm thật sự không biết lấy gì sống”, anh Hoa kể.

Anh Nguyễn Văn Sen, công nhân cho biết thất nghiệp nhiều tháng, gia đình không còn khả năng trụ lại ở thành phố nên định lái xe máy chở vợ và con về Bình Định. “Ở lại TP. HCM thì tuân thủ Chỉ thị 16, nhưng mất việc, hết tiền, bám trụ khó khăn quá tôi chịu không nổi. Bởi vậy tôi muốn về quê có mắm ăn mắm, có muối ăn muối dễ sống hơn”, anh Sen nói.

Hàng trăm người lỉnh khỉnh đồ đạc, ôm con nhỏ... để về quê tránh dịch (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).
Hàng trăm người lỉnh khỉnh đồ đạc, ôm con nhỏ… để về quê tránh dịch (ảnh chụp màn hình trên báo Tuổi Trẻ).

“Địa phương sẽ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm để người dân sống trong một tháng”

Theo Tuổi Trẻ, để giải tỏa đám đông, CSGT, Công an TP. Thủ Đức hướng dẫn người dân tập trung ở khu vực rộng chừng 500 m2 trước cổng Bến xe miền Đông mới.

Công an, quân đội phát loa, thông báo những ai ở phường nào của quận nào ở TP. HCM thì đứng thành một nhóm, để đưa tất cả người dân về lại địa phương.

Khi đưa người dân về đến phường, địa phương sẽ lên danh sách những ai khó khăn thì có phương án hỗ trợ để bà con yên tâm ở lại TP. HCM. Sau đó, tất cả người dân đã đồng ý và đi về từng phường nơi mình tạm trú.

Theo ông Lê Văn Thinh, Bí thư quận Bình Tân, sau khi yêu cầu người dân không về quê, chính quyền sẽ vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà. Trường hợp chủ trọ không đồng ý, địa phương sẽ có phương án chăm lo, hỗ trợ người dân yên tâm ở lại.

“Địa phương sẽ đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm để người dân sống trong một tháng giãn cách sắp tới”, ông Thinh nói trên VnExpress.

Công an thành phố Thủ Đức đã mở rào, đưa người dân đến bến xe Miền Đông mới tránh ùn tắc (ảnh chụp màn hình trên Báo Giao Thông).
Công an thành phố Thủ Đức đã mở rào, đưa người dân đến bến xe Miền Đông mới tránh ùn tắc (ảnh chụp màn hình trên Báo Giao Thông).

Hơn 20 ngày trước, tình trạng người dân sống ở TP. HCM và các tỉnh lân cận gặp khó khăn do dịch đã chạy xe máy về quê. Việc về tự phát, chạy xe đường xa hàng nghìn km nguy hiểm cho người dân và khiến dịch dễ lây lan, bùng phát.

Trong công điện hôm 31/7, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép”. Các tỉnh sau đó dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy, thay vào đó đưa người về quê bằng máy bay, tàu lửa, ôtô.