Đại thần triều Lê Vũ Khâm Lân nhận xét: “Ông là người khôi ngô anh tuấn, học hết các kinh sách lại rất tinh tế về nghĩa lý Kinh Dịch. Phàm việc mưa nắng, lụt hạn, họa phúc, điềm dữ, điềm lành, cơ suy, cơ thịnh… việc gì cũng biết trước”.

Sinh trưởng trong danh gia vọng tộc, số phận đã được trời định sẵn

Mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tên là Nhữ Thị Thục, con gái quan Thượng thư Bộ hộ Nhữ Văn Lan. Bà là người tài năng mẫn tiệp, tinh thông lý số. Bởi dự đoán trước nhà Lê sẽ suy yếu, bà muốn kén người chồng có tướng sinh quý tử để tính chuyện quốc gia đại sự.

Sau này bà lấy ông Nguyễn Văn Định là học trò Quốc Tử Giám. Gia đình định cư tại làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Đến năm 1491, bà hạ sinh một cậu con trai, đặt tên là Nguyễn Văn Đạt. Đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này.

Tương truyền rằng, đêm động phòng hoa chúc, mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vì mong sinh được người con có mệnh Thiên tử, nên đã cắm chiếc đũa ở ngoài sân và dặn chồng: ‘Khi bóng trăng đến chiếc đũa, ông mới được nhập phòng‘. Nhưng ông không đợi được mà đẩy cửa bước vào, bà trách: ‘Ông vội vàng như thế, con cái sau này chỉ làm đến Tứ trụ hoặc đỗ Trạng nguyên là cùng, không thể làm được Hoàng đế‘.

Lên 5 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy học kinh sách (ảnh minh hoạ: Pinterest).
Lên 5 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy học kinh sách (ảnh minh hoạ: Pinterest).

Một ngày nọ, mẹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ông về quê ngoại, dọc đường họ gặp một thầy tướng số người Trung Hoa. Thấy dung mạo Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy tướng buột miệng khen: “Tướng mạo của thằng bé này không phải tầm thường, nhưng vì nước da hơi thô nên chỉ làm đến Trạng nguyên thôi”.

Thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ. Lớn lên, nghe tiếng Đông Các học sĩ Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay), ông nổi danh trong giới sĩ phu đương thời (thầy giáo), Nguyễn Bình Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo. Bỉnh Khiêm là tên ông tự đặt để dặn mình phải kiên trì và giữ mình khiêm tốn.

 Vốn thông minh lại chăm chỉ học hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc. Lúc trưởng thành được chính thầy tin tưởng giao con trai cho nuôi dạy (ảnh minh hoạ: Chánh Kiến Youtube)
Vốn thông minh lại chăm chỉ học hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc. Lúc trưởng thành được chính thầy tin tưởng giao phó con trai cho nuôi dạy (ảnh minh hoạ: Chánh Kiến Youtube)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư quyển thứ 17 ghi lại, cuối thời hậu Lê, vua Lê Uy Mục hoang dâm vô độ, lối cư xử tàn bạo, giết hại cả người trong hoàng tộc lẫn trung thần. Cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm dù có tài cũng không muốn ra làm quan.

Bậc kỳ tài quang minh lỗi lạc nhưng quyết chí ẩn cư tu hành

Năm 1527, Võ trạng nguyên Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, xưng Đế. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đến đón vào kinh sư. Năm 1535, tức vào thời kỳ thịnh trị nhất của triều đình nhà Mạc, do vua Mạc Đăng Doanh trị vì, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới quyết định dự khoa cử và đậu Trạng nguyên.

Với tài năng nổi trội và phẩm hạnh hơn người, đường công danh của ông hanh thông. Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình Tuyền Hầu, sau đó là Trình Quốc Công, dân gian kính ngưỡng gọi là Trạng Trình.

Tượng đài Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hải Phòng (ảnh: Wikipedia).
Tượng đài Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hải Phòng (ảnh: Wikipedia).

Dù được triều đình trọng vọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không tranh quyền đoạt lợi nơi chính trường, cũng không mong mỏi thao túng chuyện chính sự. Phần lớn thời gian trong đời ông dùng để tu hành và dạy học. Năm 53 tuổi thì cáo lão hồi hương, ông mở trường dạy học để bồi dưỡng nhân tài, lấy hiệu là Tuyết Giang phu tử.

Theo cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp – ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, học trò được ông đào tạo thời kỳ này có rất nhiều người nổi tiếng về sau. Trong đó có Lương Hữu Khánh, con trai của thầy Lương Đắc Bằng, đỗ cử nhân, trở thành tướng giỏi, văn võ song toàn; Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan thi đỗ tiến sĩ, có tài năng toàn diện về võ bị, văn học và ngoại giao; Nguyễn Dữ – nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam… 

Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn”; ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước”.

Sách quý trao người tài đức

Người xưa kể lại, vào một ngày, cụ Lương Đắc Bằng ngã bệnh nặng, biết mình không còn sống được bao lâu, bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm tới, trao cho một cuốn sách rồi trăng trối:

– Thầy cho con cuốn sách quý này vì chỉ có con mới có thể hiểu được nó. Lúc thầy đi sứ qua Tàu, có gặp một cụ già trao cho thầy cuốn sách này và nói: Ta không cho nhà ngươi mà nhờ ngươi đem về giao cho một người An Nam. Thầy ngạc nhiên hỏi tên người đó, cụ già bảo: Không cần, chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai là người ấy được phần. Sau này thầy mới biết cụ già đó là một dị nhân (người có công năng đặc dị).

Bộ sách ấy chính là cuốn “Thái Ất thần kinh”. Nhiều người cho rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhờ nghiên cứu cuốn sách này mà thông suốt được mọi việc trong quá khứ, tương lai.

Ba lời tiên tri làm nên lịch sử

Vua Lê vô đức, tại vị không lâu thì bị phế truất, phải uống thuốc độc tự vẫn. Vua Lê Tương Dực kế vị, nỗ lực sửa đổi nhưng không thể vực lại triều đình vốn đã bị bạo chúa tiền triều làm cho bại hoại. Tướng lĩnh phân chia bè phái tranh hùng lẫn nhau; bên ngoài nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, triều đình nghiêng ngả, tan tác, Tương Dực Đế bị gian thần hãm hại, đất nước khắp nơi lâm cảnh loạn lạc.

Vua hoang dâm, tàn bạo, đất nước đao binh loạn lạc (ảnh minh hoạ tổng hợp trên Internet).
Vua tàn bạo, hoang dâm, đất nước đao binh loạn lạc (ảnh minh hoạ tổng hợp trên Internet).

Lời tiên tri 1: “Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản”

Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối dõi, tướng quân Trịnh Kiểm mặt ngoài giương cờ “phù Lê diệt Mạc”; thực tế là mượn ngôi Thiên tử mà hiệu triệu thế lực. Song ông còn e đạo trời không dung, lòng dân không thuận nên không dám làm bừa. Trong lúc đắn đo chợt nhớ đến Nguyễn Bỉnh Khiêm – người nắm được biến chuyển của thế sự, bèn sai người đến am Bạch Vân thưa thỉnh.

Giữ nước thờ vua thì vinh hoa phú quý (ảnh tổng hợp trên Internet).
Giữ nước thờ vua thì vinh hoa phú quý (ảnh tổng hợp trên Internet).

Người của Trịnh Kiểm vừa bước đến cửa am đã nghe tiếng Trình Quốc công nói vọng ra: “giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản”. Tâm phúc của Trịnh Kiểm cũng là người có học thức, nghe qua dù bất ngờ nhưng cũng hiểu được ẩn ý thâm sâu, lập tức quay về tâu lại.

Chúa Trịnh ngẫm thấy ‘cao kiến’ của Trạng Trình quả thực vẹn toàn: “giữ chùa, thờ Phật, ăn oản” ở đây chẳng phải là giữ ngôi Thiên tử, tôn thờ người trong Hoàng thất, nhờ trọn đạo vua – tôi mà vinh hoa phú quý hay sao? Ông vội tìm đến hoàng thân Lê Duy Bang – cháu đời thứ năm của Lê Trừ (là anh trai vua Lê Thái Tổ Lê Lợi) và lập ông lên làm vua, hiệu Lê Anh Tông, giúp nhà Lê khỏi bị giải thể.

Họ Trịnh dựa uy thế Lê tông thất được phong Thái Quốc công – quan khai quốc công thần, dưới một người, trên vạn người, con cháu tiếp nối nhau giữ quyền nhiếp chính hơn 200 năm.

Lời tiên tri 2: “Ẩn tại Bằng tàng tại, tồn tại ba đời”

Nhà Lê có Trịnh Kiểm hậu thuẫn, nhà Mạc vì thế mà lâm nguy. Trình Quốc Công lúc này đã trở về quê, vua Mạc sai người đến tận nơi tham vấn và được ông cho lời khuyên: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô” (nghĩa là nếu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được ba đời).

vua Mạc ẩn náu tại Cao Bằng theo lời khuyên của Trình Quốc Công (ảnh tổng hợp: Wikipedia).
Vua Mạc ẩn náu tại Cao Bằng theo lời khuyên của Trình Quốc Công (ảnh tổng hợp: Wikipedia).

Năm 1592, vua Mạc Mậu Hợp thất thủ ở thành Thăng Long, con cháu nhà Mạc theo lời Quân sư lùi lên Cao Bằng. Nhà Mạc chấn thủ thêm đúng 3 đời như lời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói. Đến năm 1677 hậu duệ nhà Mạc bị quân họ Trịnh kéo lên thôn tính.

Lời tiên tri 3: “Một dải Hoành Sơn có thể dung thân”

Lời sấm thứ 3 của ông là “Một dải Hoành Sơn có thể dung thân”. Đó là dành cho câu chuyện vào năm 1553, tướng cũ của nhà hậu Lê là An Thanh Hầu Nguyễn Kim lập con vua Lê Chiêu Tông lên ngôi, hiệu là Lê Trang Tông. Năm 1545, Nguyễn Kim bị Trung Hậu Hầu đầu độc (Trung Hậu Hầu là tướng quân nhà Mạc, ông âm mưu hại vua Lê Trang Tông không thành bèn chuyển sang trừ khử Nguyễn Kim); con rể Nguyễn Kim là tướng quân Trịnh Kiểm được bổ nhiệm lên thay cha vợ giữ chức Thái sư.

Để thâu tóm quyền lực, Trịnh Kiểm hạ thủ con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Em trai Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng lo sợ bị anh rể hại, nên nghe theo lời dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tự lượng sức mình tìm chốn dung thân, dựng lập cơ đồ. Ông xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ vùng Thuận Hoá.

Nguyễn Hoàng y lời Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy về phương Nam (ảnh tổng hợp trên Internet)
Nguyễn Hoàng y lời Nguyễn Bỉnh Khiêm chạy về phương Nam (ảnh tổng hợp trên Internet)

Trịnh Kiểm cho rằng đất ấy xa xôi lại hoang vu nên đồng ý cho đi. Ông nghĩ đơn giản rằng, khi đụng độ với quân nhà Mạc, Nguyễn Hoàng cũng chết dưới tay chúng. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng không những đánh bại được quân nhà Mạc; ông khẩn điền, lập ấp giúp ích cho dân chúng Thuận Hóa lại nhận được sự ủng hộ từ họ, thành công đặt nền móng cho đế chế nhà Nguyễn ở Phương Nam.

Không hổ danh nhà tiên tri số 1 Việt Nam, vị quân sư duy nhất trong lịch sử nhận được sự nể trọng của cả 3 đàng thế lực, Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫu chẳng phải Thiên tử cũng là bậc Thần nhân hiếm có. Trên thực tế, biến cố lịch sử Nam – Bắc triều về sau diễn ra là xoay quanh ba lời Trạng Trình đã sấm trước.

Cứu mạng Tổng đốc Hải Dương – Con cháu đắc phúc báo

Tương truyền, Trạng Trình tạ thế ở tuổi 95. Trước lúc nhắm mắt, ông để lại cho con cháu một cái ống tre bịt chặt hai đầu và dặn, đúng giờ/ngày/tháng/năm ấy trao cho quan Tổng đốc trấn Hải Dương. Ông dặn thêm, tuyệt đối không được mở ra trước thời hạn, trừ quan Tổng đốc cũng không ai được phép mở.

Sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, vận đổi sao dời, đời con cháu của ông cứ sa sút dần rồi rơi vào cảnh nghèo đói. Đến đời thứ 7, chiếc ống tre mới được mang đến trình phủ Tổng đốc.

Quan Tổng đốc Hải Dương không ngần ngại giúp con cháu cụ Trạng (ảnh minh hoạ: Internet)
Quan Tổng đốc Hải Dương không ngần ngại giúp con cháu cụ Trạng (ảnh minh hoạ: Internet)

Lúc này, quan Tổng đốc đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến; vì cảm phục danh tiếng cụ Trạng, ông trở dậy ra ngoài tiếp đón. Vừa bước khỏi phòng thì chiếc xà ngang bị mọt ăn mòn rơi ngay xuống giường chỗ ông vừa nằm.

Quan Tổng đốc giật mình, ông định thần lại, nhận lấy ống tre mở ra xem, trong đó đề hai câu thơ: ngã giải nhĩ thượng lương chi ách/ nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần (cứu ngươi thoát nạn đổ nhà/ngươi nên cứu cháu con ta thoát nghèo).

Tổng đốc Hải Dương cúi đầu bội phục cụ Trạng, đồng thời gửi rất nhiều vật báu tặng cho con cháu cụ để tạ ơn cứu mạng.

Thánh nhân mù mắt

Một giai thoại khác kể rằng, trước khi chết, Trạng Trình có ghi vào gia phả dặn dò con cháu rằng: Bình sinh ta có làm sẵn một tấm bia đá, khi ta nhắm mắt các ngươi phải nhớ, khi hạ quan tài xuống huyệt, phải để tấm bia đá lên nắp quan tài rồi mới lấp đất. Sau này có người lạ đến viếng mộ ta mà nói “thánh nhân mắt mù” thì phải mời người ấy về nhà, yêu cầu họ cải hướng mộ lại cho ta. Khi chuyện chưa xảy ra thì không được cải cát. Nếu trái lời dòng dõi về sau sẽ lụn bại.

Ý nghĩa hàng chữ trên bia đá (ảnh chụp màn hình: Youtube).
Ý nghĩa hàng chữ trên bia đá (ảnh: Ngẫm Radio).

Khoảng 50 năm sau, một nhà địa lý người Trung Hoa đi qua, nghe danh tiếng về Trạng Trình đã lâu nên ghé vào viếng mộ. Ông ta đến mộ cụ Trạng, xem được một lát thì thất vọng phán rằng: cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem đặt mộ thế này. Vậy mà gọi là thánh nhân, có mà thánh nhân mắt mù.

Người trong nhà nghe thấy thế, vội vàng báo lại với ông trưởng tộc để mời ông thầy địa lý cải lại hướng mộ cho cụ Trạng.

Khi được đề nghị cải mộ, ông thầy địa lý tự đắc, chắc mẩm bản thân giỏi hơn nhà lý số An Nam. Ông bảo: Không cần đem đâu xa, chỉ cần đảo lại là được.

Phần mộ của cụ Trạng được đào lên để lộ ra tấm bia đá có khắc 4 câu thơ, ông thầy địa lý cầm lên đọc: Ngũ thập niên liền mạch tại đầu/ngũ thập niên hậu mạch quay túc/ hậu sinh nhĩ bối há năng tri/ hà vị thánh nhân vô nhĩ mục (50 năm trước mạch trên đầu/ 50 năm sau mạch lộn xuống chân/ kẻ sinh sau không thể biết/ hỏi sao thánh nhân mắt lại mù?). Ông ta vừa dứt câu thì toát mồ hôi hột, ngạo khí bay mất.

Nguyễn Công Trứ phá đền

Năm Minh Mạng thứ 14, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở Hải Dương, Nguyễn Công Trứ thấy địa thế nơi đây cần phải đào một con sông, mà đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại chắn ngang dòng chảy, ông ra lệnh cho dân phu phá đền để thông dòng.

Nguyễn Công Trứ vội vã sai người tránh kinh động đền thờ Trạng Trình (ảnh: Vandieuhay).
Nguyễn Công Trứ vội dâng sớ về triều đình và lệnh cho người tu bổ lại đền thờ Trạng Trình (ảnh minh hoạ: Vandieuhay).

Khi sai người mang bát hương ra ngoài, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải đỏ. Ông cầm lên đọc được bài thơ như sau: Minh Mạng thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/Phá đền phải làm đền/ Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay.   

Biểu cảm của Nguyễn Công Trứ lúc này cũng không khác vị thầy địa lý Trung Hoa năm xưa. Ông lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Không những vậy, ông còn cho người sửa sang lại đền thờ Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông cũng không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.  

Tầm nhìn chiến lược về Biển Đông

Trong bài thơ Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình/ Chí những phù nguy xin gắng sức/ Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”.

Câu này đại ý như một lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.

Chi tiết biển đảo bản đồ Việt Nam (ảnh: Bandotreotuongkholon).
Chi tiết biển đảo bản đồ Việt Nam (ảnh: Bandotreotuongkholon).

Trước đây khi đề cập đến lãnh thổ, cổ nhân thường nói về sông núi, đất đai, mà hầu như nhưng không nhắc về lãnh hải. Các triều đại phong kiến Trung Hoa cũng chưa từng có ý định chiếm lấy biển Đông.

Vậy mà Trình Quốc Công đã nhận thấy tầm quan trọng của biển đảo dẫn đến sự tồn vong thịnh trị của quốc gia để dặn dò hậu thế. Điều ấy cho thấy tầm nhìn của ông quả thực rộng lớn, toàn diện.

Theo văn hoá truyền thống, cuộc đời mỗi con người đã được định sẵn, những nhà tiên tri, bói toán bằng một cách nào đó họ có thể biết trước được tương lai. Bói toán vốn dĩ là việc hệ trọng, tiết lộ thiên cơ là vi phạm luật trời. Những nhà tiên tri, bói toán thời xưa, họ thường xem bói để khuyên con người bỏ điều ác, làm điều thiện, không làm trái ý trời qua đó có thể cải biến vận mệnh, nên có câu “đức năng thắng số”.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vậy, ông dùng tài hoa của mình để giúp người, thay vì mưu cầu danh lợi. Người đời sau không chỉ sửng sốt trước tài năng tiên tri như Thần mà còn cảm phục trước phẩm cách cao thượng của bậc trí sĩ tài đức vẹn toàn. Dù đã qua nhiều thế kỷ, ông vẫn là tấm gương sáng để hậu thế noi theo.

Có thể bạn quan tâm: