Kể từ đầu tháng 6 tới nay, Trung Quốc liên tiếp đón 5 trận mưa lớn gây ảnh hưởng đến ít nhất 13 triệu người tại 26 tỉnh, thành phố và khu tự trị. 

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 27/6 đã có 81 người thiệt mạng hoặc mất tích, trong khi hơn 740.000 người được sơ tán vì thời tiết khắc nghiệt. Riêng trận lũ mới nhất đã gây ra thiệt hại kinh tế ước tính hơn 27 tỷ nhân dân tệ (3,8 tỷ USD).

Trong đó, đô thị Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc là khu vực hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây.

Lũ lụt ở tỉnh Quý Châu, TP Trùng Khánh và dọc sông Dương Tử từ trên cao nhìn xuống – ảnh: Weibo.

Đáng lo ngại là mưa lớn sẽ vẫn tiếp tục vào tuần tới. Tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung và tỉnh Giang Tây ở miền Đông gần đây đã ban hành ứng phó thảm họa khí tượng khẩn cấp. Tỉnh Quý Châu phía Tây Nam và tỉnh An Huy phía Đông cũng nâng cấp mức độ phản ứng đối với thiên tai. 

Thành phố Nghi Xương ngập lụt kinh hoàng, người dân nghi do đập Tam Hiệp xả lũ

Ngày 27/6, truyền thông đại lục và Hong Kong đã đăng tải nhiều video cho thấy tình trạng ngập lụt khủng khiếp ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Thành phố này dường như đã bị “bao vây” trong biển nước.

Theo thông tin từ Thepaper được Tuổi Trẻ đăng tải, Từ 8h-14h chiều 27/6, huyện Viễn An thuộc quản lý của thành phố Nghi Xương có lượng mưa lớn nhất, đạt 203,1 mm. 

Nhiều nơi ở thành phố Nghi Xương bị chìm trong nước trong khi lở đất cũng xảy ra và nhiều phương tiện cá nhân gặp sự cố ngay trên đường. Hơn 1.000 người đã phải sơ tán tránh nguy hiểm.

Người dùng Twitter đặt nghi vấn đập Tam Hiệp xả nước dẫn tới cảnh ngập lụt ở Nghi Xương – ảnh chụp màn hình/Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, nhiều người dùng mạng đã đặt nghi vấn về sự liên quan giữa đập Tam Hiệp và tình trạng ngập lụt ở Nghi Xương. “Đập Tam Hiệp và đập Cát Châu đều ở thượng nguồn của Nghi Xương. Nghi Xương chìm ngập trong nước, điều đó cho thấy vẫn mở cống xả nước” – một tài khoản Twitter viết bằng tiếng Hoa.

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp

Báo Đại Kỷ Nguyên dẫn lời Tiến sĩ Vương Duy Lạc – một chuyên gia nổi tiếng về vấn đề đập Tam Hiệp nói, nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp vẫn luôn tồn tại. Những người sống ở khu vực từ thành phố Nghi Xương đến thành phố Thượng Hải đều nên di chuyển nơi ở, nhưng họ biết đi đâu? Ngay cả khi họ đã có visa nước ngoài, có hộ chiếu nước ngoài thì họ cũng không thể xuất ngoại được nữa vì đại dịch virus Vũ Hán.

Ông Vương nói: “Trung Quốc có khoảng 100.000 đập chứa nước, nhưng ít nhất hơn 40% trong số đó là không an toàn”. Ông cho rằng việc xả lũ có thể gây hiệu ứng vỡ đập, trong đó một nguy cơ lớn là đập Tam Hiệp.

Hình ảnh vệ tinh so sánh đập Tam Hiệp năm 2009 và 2018.
Hình ảnh vệ tinh so sánh đập Tam Hiệp năm 2009 và 2018 – ảnh: Theepochtimes.

Tiến sĩ Vương Duy Lạc nói rằng người dân Trung Quốc đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, trong khi chính quyền không quan tâm đến sự an toàn của người dân, còn những dư luận viên “50 xu” và “20 xu” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sống từ khu vực Nghi Xương trở xuống, liệu họ có tháo chạy không?

Ông Vương Duy Lạc bình luận, trong 70 năm kể từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền, họ muốn kiểm soát điều gì thì đều kiểm soát rất tàn bạo, nhưng duy chỉ có nước là không thể khống chế được, việc trị thuỷ của họ là một vấn đề tệ hại do lòng tham dẫn đến. Ông cho rằng đây đều là kết quả do chính sách của họ gây ra.