Máy bay Boeing 737 lao xuống biển, 2 phi công bị thương nặng
Máy bay vận tải Boeing 737 chở hai phi công đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống biển ngoài khơi Hawaii, Mỹ, vào rạng sáng 2/7 do trục trặc động cơ. Cả hai phi công đều bị thương nặng.
- Cập nhật 3/7: Thông tin vụ 500 người trốn khỏi bệnh viện; Ông Biden né câu hỏi về Afghanistan
- Ông Trump bất ngờ công bố mạng xã hội mới GETTR
- Nhiều bí mật ẩn giấu trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ?
Theo hãng tin Reuters, máy bay số hiệu 810 của hãng hàng không Transair gặp nạn khi đang trên đường từ đảo Honolulu tới đảo Maui hôm 2/7. Chiếc máy bay lao xuống biển không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Daniel K Inouye. Hai phi công đã tìm cách đưa máy bay quay trở lại Honolulu song bất thành.
“Chúng tôi đã mất động cơ số một. Động cơ còn lại đang rất nóng, và chúng tôi có thể sẽ mất nó sớm”, viên phi công nói báo cáo trạm kiểm soát không lưu qua radio về dấu hiệu bất ổn của máy bay trước khi nó lao xuống biển.
Trực thăng của Tuần duyên Mỹ sau đó xác định được vị trí các mảnh vỡ máy bay. Họ tìm thấy một phi công bám vào đuôi máy bay và đưa người này tới bệnh viện. Phi công còn lại được phát hiện bám trên các kiện hàng trôi nổi và được thuyền cứu hộ đưa vào bờ, theo phát ngôn viên của Tuần duyên Mỹ.
Tờ Hawaii News Now cho biết phi công 58 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch, còn phi công thứ hai, 50 tuổi, bị thương nghiêm trọng ở đầu và nhiều vết cắt.
Cục hàng không liên bang Mỹ đã xác nhận vụ việc và đang tiến hành điều tra.
Theo thông tin trên website chuyên dõi chuyến bay Flightradar24, chiếc máy bay gặp nạn là máy bay Boeing 737-200 xuất xưởng năm 1975 và được Transair đưa vào phi đội máy bay chở hàng từ năm 2014.
Vụ tai nạn gợi nhớ các sự cố nghiêm trọng từng xảy ra cách đây 2 năm với các máy bay của hãng Boeing.
Năm ngoái, Ủy ban Thương mại, khoa học và giao thông của Thượng viện Mỹ công bố báo cáo tiết lộ cả Boeing và nhân viên của FAA đã bắt tay bóp méo các kết quả kiểm tra tái chứng nhận máy bay Boeing 737 MAX 8 sau hai vụ tai nạn chết người liên quan đến mẫu máy bay này vào các năm 2018 và 2019, khiến 346 nạn nhân thiệt mạng.