Mỹ và Ấn Độ có kế hoạch tập trận ở một khu vực ngay sát Trung Quốc vào tháng 10 năm nay. Theo Nikkei Asia, động thái này “chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chiến tranh ở Bắc Kinh”.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ mang tên Yudh Abhyas, có nghĩa là “Thực hành chiến tranh”. Năm nay, cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại bang Uttarakhand của Ấn Độ từ ngày 18 đến 31/10, một nguồn tin từ quân đội Mỹ xác nhận với Nikkei Asia.

Bước tiến mới trong cuộc tập trận Mỹ – Ấn

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng địa điểm, tính chất và thời gian của cuộc tập trận sắp tới là “đều có ý nghĩa địa chính trị”, theo Nikkei. Diễn biến này xuất hiện sau hàng loạt cuộc tập trận chưa từng có của Trung Quốc xung quanh Đài Loan trong tuần qua.

Thiếu tướng Jonathan Lewis của Lục quân Thái Bình Dương nói với Nikkei Asia rằng kế hoạch cho cuộc tập trận năm nay tập trung vào các hoạt động trong thời tiết lạnh và ở trên vùng cao.

Ông Jeff Smith, một nhà nghiên cứu về Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản, cho biết Ấn Độ từng tổ chức cuộc tập trận ” ở Uttarakhand trước đó, như năm 2014, 2016 và 2018. Nhưng những cuộc tập trận lúc đó đều được tổ chức ở chân đồi, cách ranh giới với Trung Quốc hơn 300 km.

Còn cuộc tập trận năm nay diễn ra trên vùng núi hơn 3.000 mét, trong khu vực Auli của Uttarakhand, chỉ cách Đường Kiểm soát thực tế với Trung Quốc chưa đầy 100 km.

Ông Smith bình luận: “Đây là một bước phát triển mới”.

Cuộc tập trận năm ngoái cũng tập trung vào huấn luyện ở độ cao lớn, khí hậu lạnh, nhưng là ở Alaska. Việc lựa chọn tập trận ở vùng núi gần biên giới cho thấy Washington và New Delhi đang tăng cường cảnh giác với Bắc Kinh.

Trung Quốc lo ngại cuộc tập trận của Mỹ và Ấn Độ

Ông Pankaj Jha, giáo sư nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học Toàn cầu OP Jindal, cho biết Trung Quốc có thể sẽ lo ngại. Lý do là vì thông qua các cuộc tập trận này, Mỹ có thể thể hiện rằng họ đang nhắm vào “mặt trận khác để [đối phó] với Trung Quốc” nếu Bắc Kinh gia tăng áp lực đối với Đài Loan.

Ông Jha cho rằng không phải bản thân cuộc tập trận, mà “sự tham gia của Hoa Kỳ [trong cuộc tập trận] mới là vấn đề mà Trung Quốc lo ngại”.

Kế đến là thời điểm diễn ra cuộc tập trận. Nó sẽ diễn ra vào tháng 10, ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là một sự kiện quan trọng mà ông Tập hi vọng sẽ tiếp tục giữ ghế Tổng Bí thư trong 6 năm tiếp theo.

Tương tự như chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, các cuộc tập trận diễn ra vào khoảng thời gian nhạy cảm về mặt chính trị đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Khi được hỏi các cuộc tập trận này có tăng cường hơn nữa mối quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ trong bối cảnh Trung Quốc đang gây hấn trong khu vực hay không, Thiếu tá Lewis trả lời Nikkei rằng cuộc tập trận sắp tới là nhằm huấn luyện các đối tác cùng làm việc trên các lĩnh vực mà các bên quan tâm và “không liên quan đến một quốc gia cụ thể nào”.

Trước cuộc tập trận vào tháng 10, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Mỹ và Ấn Độ đã bắt đầu một cuộc tập trận chung khác ở bang đồi Himachal Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Cuộc tập trận kéo dài ba tuần, bắt đầu từ ngày 8/8.

Có thể bạn quan tâm: